Tình cảm gắn bó với thiên nhiên hoa cỏ

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ đồng tháp sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 42)

Thiên nhiên được nhắc đến ở các phần trước, phần đề tài thiên nhiên đã khái quát khá phong phú. Tuy nhiên, để thấy được tình cảm gắn bó của con người với thiên nhiên, lần nữa xin khái quát qua hai thứ tình cảm tiêu biểu của thi nhân với môi trường mùa nước lũ hay bông điên điển, hoa lục bình hay cây lúa nước hoặc các sự vật hiện tượng biểu trưng cho thiên nhiên ở vùng Đồng Tháp thân thương. Mặt khác, các loài hoa ở làng hoa Sa Đéc, Tân Qui Đông hay sắc đỏ rực của hoa phượng, rồi sắc màu của hoa còng, hoa bằng lăng… cũng là tiêu điểm tìm hiểu tình cảm của tác giả và con người Đồng Tháp. Có thể chưa là

tất cả, nhưng qua cách cảm nhận của thi nhân, phần nào biểu hiện được tình cảm gắn bó với thiên nhiên hoa cỏ làm nên nội dung thơ Đồng Tháp phong phú, đa dạng.

Tình cảm của con người đối với thiên nhiên nói chung và tình cảm của tác giả với thiên nhiên nói riêng đã làm nên những xúc cảm chân thành. Mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên dù ở đâu, khi nào cũng hiện hữu như vô điều kiện để làm thành nội dung; chính thiên nhiên làm cho con người Đồng Tháp nổi bật và tỏa sáng hơn.

Dẫu không là người con đất Tháp, Xuân Diệu vẫn tha thiết một loài hoa màu vàng biếc, hoa điên điển mơ màng khi cánh bướm chập chờn bay Hoa điên điển Đồng Tháp Mười là một trong những sáng tác cho dòng cảm xúc với thiên nhiên triều mến nơi này. Có thể là cảm nhận riêng nhưng rất chung cho sức sống mùa nước lũ ở thôn quê Đồng Tháp. Tác giả Xuân Diệu mở đầu bằng một sự bất ngờ: Ôi! Hồn tôi nở hoa điên điển/ Cho đến chân trời, gặp ánh mây/ Nước ngập dập dồi vàng lấp lánh/ Hoa điên điển nở đẹp trùng vây [13, 427]. Đó là tình cảm của tác giả với thiên nhiên Đồng Tháp Mười, đó cũng là vẻ đẹp của tự nhiên mùa sóng nước bập bềnh trôi Thuyền tôi đi giữa hoa điên điển/ Càng ngắm càng yêu Đồng Tháp Mười/ Nghĩ lúc tàu bay quân địch lượn/ Thuyền trong điên điển: giặc thành đui [13, 427]. Tác giả như tự nhận thấy rằng mình đất khách, tới đây chiến tuyến của niềm vui, Xuân Diệu cảm nhận vẻ đẹp tuyệt mĩ của hoa điên điển Tháp Mười - biểu hiện của mùa nước nổi, là một trong số các cảnh vật mà thiên nhiên ban tặng Tôi từ xa tới thăm điên điển/ Khi gió bay qua gặp một vầng/ Trăm vạn bướm vàng rung động cánh/ Mùa hoa điên điển Tháp Mười dâng…[13, 427].

Cùng cảm nhận về nước, về bông điên điển, Phước Hồng trong tuyển tập

Văn học Đồng Tháp thế kỷ XX cũng có một bài Bông điên điển với mở đầu ấn tượng Đồng Tháp mênh mông, nước cũng mênh mông/ Bông điên điển xinh xinh chao mình trên ngọn sóng/ Thân mềm mại giữa bao la gió lộng/ Đứng sát bên nhau mặc lớp lớp sóng dồi/ Cây lá vẫn xanh, bông rực vàng tươi/ Như những chùm đèn sáng lên đêm dông bão. [13, 268]. Hoặc lời ca vang ở khổ cuối đầy xúc cảm khi tác giả gieo tình mình vào vẻ đẹp lung linh của thiên nhiên mùa nước lũ Đồng Tháp Mười ơi!/ Khi mưa lụt bay khi tạnh ráo/ Lòng dân bao đời/ Như rừng bông điên điển sáng lung linh. Vẻ đẹp con người được sánh bằng vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên tươi thắm, những sắc vàng tô điểm cho đời bởi từ bông điên điển; ấy là sự gắn bó với thiên nhiên trở thành mật thiết. Tình người đối với thiên nhiên bao giờ cũng là thứ tình cảm quý giá và trở thành một trong những tình cảm đẹp. Tác giả Lê Đình Cánh cũng mô tả mùa nước nổi với lòng

đầy cảm xúc, khi buồn thương da diết tựa thân cò lặn lội bờ sông, lúc một sinh vật trong lớp lục bình xanh qua màu bông tím biếc; lúc dạt dào như một kẻ vô tình, khi sầu muộn trong mùa hoa nước nổi. Mùa nước nổi - Lê Đình Cánh thể hiện tình cảm gắn bó với thiên nhiên Thắp nén hương trên đám lục bình/ Mùa nước nổi bồng bềnh gió thổi/ Tôi như thể thân cò lặn lội/ Mênh mông buồn khóc gọi người ơi… Một cánh cò vô vọng chân mây/ Gợn nước vô danh thân bèo vô nghĩa/ Vô ý chết khoảng trời xanh trẻ/ Lục bình trôi như kẻ vô tình/ Lục bình trôi mùa nước nổi bồng bềnh/ Chìm ngập tất những gì đã mất/ Mùa nước nổi biết ai nhìn thấy đất/ Biết còn ai ngẩn mặt ngắm trời xanh. [13, 411]. Trong bài thơ, tác giả hơn hai lần gọi tên lục bình để khái quát vẻ đẹp tượng trưng bên cạnh cánh bèo lạc giữa dòng sông đầy vô nghĩa. Mùa nước nổi gợi nhiều cảm xúc cho thi nhân tìm lại vẻ đẹp muôn màu từ trong thiên tạo, vẻ đẹp ấy không chỉ ở cánh bèo, dạt lục bình mà còn ở cây thân gỗ như cây tràm, cây bần sinh sôi trong nước, nếu như không muốn nói dễ dàng xuôi theo chiều gió như cây lúa nước.

Cây bần của Công Đoàn, Rừng tràm ơi của Lý Hà hay Thơ về cây lúa nổi Tháp Mười của Khánh Hải là một trong những bài thơ hay khi miêu tả về cây tự nhiên với sức sống tiềm tàng. Sức mạnh oai hùng nâng lên thành những chiến binh bất bại như ở cây tràm mà Lý Hà đã khái quát ở Rừng tràm ơi là cảm nhận của người lính khi hành quân qua miền Đồng Tháp bạt ngàn tràm xanh sức sống. Lý Hà như nhanh chân cùng đồng đội dõi bước quân hành theo “tiếng gọi bóng cờ sao”. Đường hành quân ngược xuôi miền Đồng Tháp/ Qua rừng tràm tươi mát mướt màu xanh/ Nắng lung linh gió lùa khua xào xạc/ Hồn lân lân phơi phới bước chân nhanh. [13, 529]. Với cây tràm, tác giả có cảm xúc mãnh liệt nên tổng hợp phẩm chất thành một bài ca với lòng chung thủy kiên trung, vươn vai Phù Đổng. Hay đón đoàn quân giải phóng như người mẹ anh hùng che giấu cán bộ thời xưa Rừng tràm ơi!/ Trăm nghìn mến thương, keo sơn gắn bó/ Sừng sững, hiên ngang đứng giữa trời mây/ Mở rộng vòng tay/ Đón đoàn quân giải phóng/ Che mắt lũ quân thù/ Giành thắng lợi trong tay… Ở những câu cuối của bài trường ca rừng tràm này, tác giả hòa mình của niềm vui rao hát Đón gió ngàn phương rừng tràm reo hát/ Bản hùng ca đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Mảnh đất yêu thương màu xanh quý nhất/ Rừng tràm vui vẫy gọi bóng cờ sao. [13, 529]. Sức sống, sự gắn bó của con người với thiên nhiên làm nên chiến tích anh hùng cách mạng một thời, tình cảm ấy vốn dĩ là tình cảm thân thương nhất như tình anh em ruột rà máu mũ. Trong quyển Tuyển tập thơ văn Đồng Tháp

(quyển II) tác giả sưu tầm cũng ca ngợi hình bóng cây tràm bát ngát tượng trưng cho tình cảm gắn bó của con người với thiên nhiên vạn vật.

Cây bần của Công Đoàn rất đậm lời ngợi ca; Khánh Hòa cũng đã thì thầm miêu tả Kể chi nước nổi mưa sa/ Cây ngoi vượt nước lớn qua tháng ngày/ Chỉ mong có một dáng gầy/ Giữa mùa nước lũ sóng xoay không chìm (Cây lúa nổi Tháp Mười - Khánh Hòa). Tác giả Như Đang cũng ca ngợi sức sống cây lúa cây lúa ngẩn cao đầu, hiên ngang đứng thẳng/ Sóng nước dập dồi cây lúa vẫn lên xanh (cây lúa mới). Cây lúa là biểu hiện rõ ràng nhất về thiên nhiên gắn sâu ở tình cảm con người, tình cảm mang dáng dấp của truyền thống ấy làm nên sự tự hào của con người Đồng Tháp đầy nghĩa tình mà không khỏi mộc mạc, đơn sơ.

Tình cảm gắn bó với thiên nhiên còn được thi nhân chú ý đến các loài hoa xinh xắn khác như hoa phượng, hoa huệ, hoa hồng hay hương xoài ngan ngát những niềm riêng mà các tác giả gởi đến người đọc với tâm tình tha thiết Nắng nâng hoa đỏ mỉm cười/ Gió ru hoa tím ngời ngời cành lan/ Duyên thầm là đóa bông trang/ Ngọt thanh huệ trắng những màn tiêu xinh/ Hồng nhung rạo rực ân tình/ Hoa ơi, như nỗi lòng mình thương ta [13, 658]. Có thể khái quát năm bảy loài hoa cỏ về màu sắc lẫn phẩm chất bằng mấy dòng thơ ngợi cảm có thể chứng tỏ được cảm xúc ưu ái với thiên nhiên hoa trời. Thai Sắc cũng thăm vườn hồng Sa Đéc, nhà thơ cũng như lạc vào cõi thiên thai trinh nguyên đượm sắc Anh đến vườn hồng Sa Đéc/ Đi trong đêm ngọt sắc hương/ Như thể lạc khu rừng cấm/ Trinh nguyên chúm chím búp hường (Trước nụ hồng Sa Đéc)

Màu tinh khôi biếc sắc, vòm lá xanh đưa đã được khái quát nâng lên vẽ đẹp của đất trời từ ngòi bút của thi sĩ Ngọc Điệp với Phượng vĩ ngày xưa hay

Phượng xưa của bàn tay Trần Tấn Thảo họa kí tài hoa Lại ngắm phượng hồng rơi ngập lối/ Áo trắng sân trường điểm nét hoa/ Bỗng nhớ miên man ngày xưa ấy/ Một thời phượng vĩ đỏ rất xa [7, 18].

Trần Tấn Thảo tâm sự riêng của mình được thổ lộ khi ngắm mãi màu hoa phượng đỏ mà say đắm với tuổi học trò lắm kỉ niệm buồn thương da diết Ai đã từng say đắm/ Bên sắc đỏ cuối trời/ Có bao giờ lặng ngắm/ Màu hoa thuở xa xôi

[7, 30]. Gắn với vẻ đẹp phượng vĩ sân trường, áo trắng học trò, cây còng trở thành biểu tượng đẹp cho mái trường xanh mát, ấy vậy khi còng thay lá cũng tạo nên xúc cảm bao thi sĩ trữ tình. Lê Minh Hùng cũng có suy ngẫm với Mùa còng thay lá: Trơ trụi vậy mà đầy sức sống/ Xuân về vươn dậy lá non tơ/ Thân bao dung che một khoảng nắng mưa/ Tôi lặng nghĩ trước mùa còng thay lá”.

Thật vậy, dù miêu tả thiên nhiên dưới góc nhìn nào, các thi sĩ cũng mượn hình ảnh thiên nhiên làm nền cho bức tranh thơ về cuộc sống. Tình cảm ấy, suy nghĩ ấy tạo nên nhiều thành công cho thơ miêu tả thiên nhiên đượn màu sắc ân tình nghĩa cử, đằm thắm tha thiết trong nỗi nhớ mỗi người.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ đồng tháp sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 42)