Đôi nét về ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ đồng tháp sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 92 - 93)

Khi nói đến ngôn ngữ, người ta nghĩ ngay đến ngôn ngữ của tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Ngôn ngữ là công cụ là chất liệu cơ bản của văn học. M.Go-rơ-ki đã từng khẳng định “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” [17, 215]. Như vậy, với ông, ngôn ngữ có vai trò quan trọng hàng đầu và phải có ngôn ngữ thì mới sáng tạo được văn học cùng các lĩnh vực khác. Theo các nhà nghiên cứu Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, ngôn ngữ có nhiều loại nhưng tựu trung có hai kiểu ngôn ngữ chủ yếu “ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ nhân vật” [17, 214]. Nếu xét trong tác phẩm theo thể loại thì có ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ văn xuôi và ngôn ngữ của kịch, lúc nào cũng vậy, ngôn ngữ văn học nói chung làm cho cá tính sáng tạo - phong cách cũng như tài năng của nhà văn nảy nở. Cũng từ đây người đọc sẽ thấy được các thuộc tính của ngôn ngữ trong tác phẩm về tính hàm xúc, tính chính xác, tính đa nghĩa hay tính tạo hình, biểu cảm trong tác phẩm văn học.

Tác phẩm thơ, ngôn ngữ được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu, hết sức cô đọng, hàm súc và đặc biệt gợi cản. Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nhân vật được cấu trúc qua hệ thống đối thoại và gần gũi với tiếng nói nhân dân. “Ngôn ngữ tự sự có sự đóng góp của ngôn ngữ người kể chuyện và từ đó có thể xem ngôn ngữ trần thuật giữ vai trò quyết định” [17, 215 - 216].

Riêng ở thơ, ta thấy ngôn ngữ thơ là một chùm đặc trưng về ngữ âm, từ vựng ngữ pháp nhằm biểu trưng hoá, khái quát hoá hiện thực khách quan theo một cách tổ chức riêng của thơ ca. Do đó khi tìm hiểu thơ ca không thể không nhắc đến vần, nhịp, đặc trưng ngữ âm, đặc trưng ngữ pháp và cả về đặc trưng ngữ nghĩa.

Như vậy trong thơ trữ tình cũng có thể có không ít các bài có hai kiểu ngôn ngữ người trần thuật và ngôn ngữ của nhân vật trữ tình ở tác phẩm

Đưa người ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Tuy nhiên, đa số ngôn ngữ nhân vật trữ tình là vai của người trần thuật phản ánh các sự vật hiện tượng qua cảm nhận chủ quan (lẫn khách quan) chính bản thân, rồi dùng ngôn ngữ để phản ánh nó qua vần thơ trữ tình cùng với tất cả các hình thức tổ chức ngôn ngữ của chúng. Có lẽ vì vậy mà giáo sư Phan Ngọc đã cho rằng, “Thơ là một tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.” Vậy vì sao giáo sư Phan Ngọc lại gọi là tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản? Có lẽ không gì hơn hết, tác giả đã đánh giá thơ, thấy được sự phong phú trong đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca là kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ ngôn ngữ thơ khi muốn xét đến cùng phải chú ý đến vần, nhịp, cắt mạch, số âm tiết, đối, số câu, niêm luật, vần điệu, trọng âm và trường độ...Tất cả là một kiểu cấu trúc không giống với ngôn ngữ tự sự hay kịch về đặc trưng. Tuy nhiên có điều lạ, nghiên cứu thơ ca mà bỏ qua công đoạn xét duyệt ngôn ngữ của thơ ắt chưa thể là trọn vẹn khi nghiên cứu . Bởi trong thơ, ngoài tìm hiểu nội dung ý nghĩa và các hình thức nghệ thuật khác phải trải qua nghiên cứu ngôn ngữ thơ.

Theo Nguyễn Đăng Điệp trong Thơ Việt Nam sau 1975, từ cái nhìn toàn cảnh thì ngôn ngữ thơ Việt Nam giai đoạn này có thể chia thành những đặc điểm về ngôn ngữ như “ngôn ngữ đậm chất đời thường, ngôn ngữ giàu chất tượng trưng, các trò chơi ngữ nghĩa trong thơ và ngôn ngữ thân thể trong thơ”. Còn thơ Đồng Tháp có những đặc điểm ngôn ngữ nào khi xét ở giai đoạn thơ sau 1975? Ở phạm vi bài viết này, xin khái quát qua 3 đặc trưng sau: thơ ca Đồng Tháp có sự tiếp thu của ngôn ngữ văn học dân gian, ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, tính nhạc, tính hình tượng và ngôn ngữ giàu chất Nam bộ.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ đồng tháp sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 92 - 93)