Tình yêu của con người trong thơ

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ đồng tháp sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 42 - 45)

Trong phần đề tài thơ Đồng Tháp người viết có điểm qua đôi nét tình yêu của con người, cụ thể đề tài về các mối quan hệ giữa con người với nhau. Tình yêu của con người rõ là một trong những nội dung thơ trữ tình của Đồng Tháp trong tỉnh. Tuy nhiên, phần này xin cụ thể hóa ở một số bài thơ tiêu biểu cho tình yêu đôi lứa của thơ Đồng Tháp.

Tình yêu, giả sử xét theo các thuyết vật lí học, như một sức hút của trái đất với mọi sự vật. Tình yêu của con người Đồng Tháp luôn thủy chung son sắc với đồng ruộng quê hương. Có lẽ, tình yêu ấy làm nên chất thơ trong con người để nâng lên thành tình yêu của mọi người với nơi mình sinh sống và tồn vong. Quê hương trở thành điểm hẹn lý tưởng cho mọi tình cảm khác xung quanh nó làm cho quê hương trở nên gần gũi thân thương tràn đầy ý nghĩa với mỗi cá nhân. Đó có thể là tình yêu của thi sĩ với các loài hoa được nhân dân chăm sóc, đó còn là các loài cây chim muôn nơi đồng bằng Tháp Mười xinh xắn hoặc đó là vẻ đẹp của Hạc Vàng Tràm Chim. Tình yêu trai gái phải đâu không bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên. Ông hoàng của thơ tình yêu, Xuân Diệu thuở xưa cũng có quan điểm ấy, tuy tình yêu trái gái gắn với ông chưa sắc nét đậm đà. Các nhà thơ ở Đồng Tháp luôn có cái nhìn sâu sắc về tình yêu, tuy nhiên vẫn không vượt ra ngoài khung chuẩn vay mượn thiên nhiên để thể hiện tình yêu thi sĩ. Các nhan đề sau đây là một minh chứng: Cho em dáng núi - Hữu Nhân; Sa Đéc một tình yêu - Thai Sắc; Lứa đôi - Bạch Phần, hay Những trái tim lục bình - Thu Nguyệt đã hóa thân những “anh”, những “em” để cảm nhận tình yêu trong sáng thủy chung được nẩy mầm trong hoa cỏ, được sản sinh ra từ cành lá ngọn cây. Tình yêu ấy là thật, bởi chưa có tình yêu nào bền chặt như tình yêu thiên tạo vừa tinh khôi tha thiết, vừa mãnh liệt dâng trào. Một câu hỏi thì thầm, một tình yêu chiêm nghiệm, Thai Sắc cảm nhận hương nồng trên sông Sa Giang một chiều bâng khuâng đong đầy thương nhớ/ Hàng sao cao vút, nắng chang sông/ Chiều êm, nghe thầm thĩ hương hồng/ Sa Giang như một vòng tay nhỏ/ Ai gối tình yêu qua tháng năm?/ Để nhớ gập ghềnh đường qua chợ/ Những chiều gió chướng lướt nhẹ qua.

Một tác phẩm thể hiện rõ nét tình yêu của con người với quê cha đất tổ

Cảm nghĩ về Đồng Tháp là một thoáng suy tư của nhà thơ Bế Kiến Quốc; tình yêu ngập tràn trong tâm trí chảy suốt trong máu khắp con tim, dù yêu cả tinh thần lẫn thể xác vẫn chưa hết những con người, những làng xã những dòng kinh “máu chảy một mềm” trong câu thơ được nhắc lại 3 lần trong bài Chưa đủ sức mà yêu, dù cả trái tim mình… tình yêu này, có thể là “cha đẻ” của mọi tình yêu, tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu xóm yêu làng, yêu nhân dân và yêu cả

lũy tre làng. Lại xin gọi thêm một lần Đất nước/ Những dòng kinh khuất dưới bóng dừa xanh/ Dẫu dành cả đời người chẳng bao giờ đi hết/ Chưa đủ sức mà yêu, dù cả trái tim mình. Hoặc những tên tuổi đã trở thành kỳ tích khắc sâu trong ký ức nhân dân Đồng Tháp. Má Bảy, chú Tư, anh Năm, chị Út/ Những tên người cũng chẳng giữ chi riêng/ Dẫu cả đời người chẳng bao giờ hiểu hết/ Chưa đủ sức mà yêu, dù cả trái tim mình… Địa danh của tỉnh cũng được đưa vào thơ như tiếng vọng tình yêu một thời giữ nước Những Làng Thạnh, Làng Hưng, xã Hòa, xã Phước/ Là ước mơ qua tiếng gọi truyền đời/ Sông chín nhánh, đất dồi dào sức lực/ Còn khổ nghèo nhưng đã có niềm vui… Tình yêu con người với thiên nhiên, tình yêu làng, yêu nước các mục trên có giới thiệu, tuy nhiên với tình yêu nước việt ở bài này đã như một lối đi tình cảm dài vạn dặm, con đường tình yêu qua đây vẫn không thể nào nếm trải biết khi mà Dẫu dành cả đời người, chẳng bao giờ đi hết/ Chưa đủ sức mà yêu, dù cả trái tim mình

Bài thơ Sa Đéc một tình yêu, ở ngay nhan đề tác giả Thai Sắc cũng để lại một xúc cảm ngợi ca trong lòng người đọc, khó có ai không háo hức mong chờ về Sa Đéc để hiểu biết thêm cảnh sắc, con người nơi đây. Những dòng sông, con đò, cây cầu, vườn hồng… đã gợi bao kỉ niệm những ai đến đấy. Thai Sắc như nói hộ muôn lòng dẫu bao người chưa đến ắt cũng có dịp cảm nhận vẻ đẹp tình yêu Ngưu Lang, Chức Nữ hay vườn hồng tình ái muôn màu khoe sắc nắng Để nhớ cong cong cầu Sa Đéc/ Như cầu vồng trắng vắt qua ngang sông/ Ngưu Lang, Chức Nữ nào đến hẹn/ Có tới tìm nhau chốn Vườn Hồng?. Cũng dòng cảm xúc ấy, Nguyễn Thị Diệu Hương ngân nga câu hò vang tới tìm trữ tình đằm thắm trong Tiếng quê hương mình. Tựa như con sáo sổ lồng, tâm sự tác giả chảy theo dòng cảm xúc từ Hòa An, Đồng Tháp đến tận Ba Đình vinh quang nơi yên nghỉ Bác Hồ: Em như con sáo sổ lòng/ Mang đi điệu lí của dòng Cửu Long/ Câu hò Đồng Tháp mênh mông/ Bay theo gió tới sông Hồng ngày xuân. Câu hò Đồng Tháp ngân vang cũng trữ tình da diết thấm sâu vào cung bậc tình yêu của nỗi niềm người xa xứ. Đây là bài thơ của tác giả tặng diễn viên đoàn văn công Đồng Tháp nhân dịp đoàn ra Hà Nội tham gia hội diễn chào mừng Đại hội Đảng. Bài thơ được ghi dấu Sa Đéc (4 – 1982) và in trên Báo Văn nghệ Đồng Tháp số 11 -1982. Tác phẩm được tạo nên bởi tình yêu chủ thể trữ tình với các sự vật, hiện tượng diễn ra quanh mình và dẫu ở nơi xa đó Ba Đình lịch sử, nỗi cách biệt về địa lý không làm tình yêu của tác giả phai nhòa với Bác - vị cha già dân tộc là một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý Chim sáo ơi, Bác đang nằm/ Nghiên nghiên cánh khẽ hát thầm nghe chim/ Thưa Hòa An, nắm đất thiêng/ Giữ gìn như giữ niềm tin trên đời/ Bác ơi còn đất Tháp Mười/ Thì còn nấm mộ của người cha sinh. Hóa thân vào chim sáo lặng nhìn dưới mái Ba Đình để hát cho Bác ngủ yên

ngàn thu vĩnh cửu tựa mấy mươi triệu dân mang khúc hát cho người bởi không khi nào mất đi nụ cười trên môi Bác, càng không thể quên nghĩa nặng tình sâu bể trời của Bác với dân tộc Việt Nam. Âm vang dưới mái Ba Đình/ Tiếng năm mươi triệu dân mình gửi trao/ Tiếng nghĩa nặng tiếng tình sâu/ Sáo ơi góp hộ sáu câu chào mời. Vâng, tình yêu của con người trong thơ Đồng Tháp tựa tình yêu thủy chung son sắc của nhân dân đất Việt với Đảng, với Bác. Đó là thứ tình yêu chung nhất, độc đáo nhất mà thi nhân ngợi ca từ nhà thơ cách mạng cho đến lãng mạn. Dù thơ văn Đồng Tháp không có tình yêu mãnh liệt đầy xúc động như

Từ ấy của Tố Hữu, Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim; nhưng những câu thơ sau cũng phần nào ngợi ca tình yêu thiêng liêng ấy Đã qua rồi những đêm dài đen tối/ Cách mạng cho ta cuộc sống làm người/ Hãy đứng lên cùng quê hương đi tới/ Mắt reo cười ngắm làng xóm yên vui/ Ngồi giữa Tháp Mười hương sen ngào ngạt/ Viết bài thơ tôi gửi tặng riêng em/ Tắm nắng sớm lúa vàng ngân xào xạc/ Đường ta đi đất nước rực hoa đèn [13, 1034].

Tình yêu trai gái cũng trở thành đề tài nổi bật trong thơ Đồng Tháp, trở thành nội dung cơ bản trong mảng thơ trữ tình. Lê Minh Hùng với Bên em là một khái quát cho tình yêu huyền diệu mà triết lí sâu xa của cuộc sống con người. Dẫu thực - hư là hai phạm trù xa lạ không bao giờ cùng đích đến, nhưng con tim thì lúc nào cũng có lí trí Bên em tìm cái thực/ Trong những điều anh mơ/ Bên em tìm cái mơ/ Cho những ngày sống thực… Trái tim thì thổn thức/ Ý nghĩa căng dây đàn/ Tiếng thở dài buông xuống/ Có đau bờ vai em? hoặc khổ cuối là một suy luận về tình yêu thuở ban sơ mà tác giả gọi là “nảy nụ”: Bên em mơ và thực/ Hòa lẫn vào trong thơ/ Tình yêu vừa nẩy nụ/ Rung trước gió đổi mùa.

Hữu Nhân có một số bài thơ tình yêu mang dáng vẻ đọc đáo như Thắp đèn lên, em hỡi; Em vẫn đi về, dẫu chưa tha thiết như nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu nhưng cũng khá da diết nồng nàn sâu nặng Thắp đèn lên em hỡi/ Đêm này trời ba mươi/ Ta ngồi ngơ ngác đợi/ Tháng giêng xa thật rồi [39, 52].

Em vẫn đi về bên bến sông/ Khói sương mờ ảo mấy mùa trăng/ Thuyền đi nước khỏa trăng như mộng/ Cơ hồ trời đất hóa nhẹ tênh… Ta đạp sơn khê vó ngựa chồn/ Gọi người gọi lại cả yêu thương/ Em vẫn đi về xuân vẫn đến/ Vĩnh cửu mùa xuân ta với em [39, 55]. Bài Lứa đôi của Bạch Phần cũng sắc nét tình yêu trong trò chơi cút bắt, tình yêu nảy nở trong trò chơi dân gian mãi là tình yêu đẹp, khát vọng bình yên, là tiếng lòng tuổi trẻ Anh muốn hóa thành trẻ thơ để được ôm/ Em vào lòng như ngày xưa vẫn/ Chơi trò chơi cút bắt/ Để giữ mãi tiếng cười em khúc khắc/ Trong tay anh êm dịu… bình yên.

Một số tác phẩm trữ tình mang vẻ đẹp tình yêu đôi lứa được xưng danh anh - em như Những trái tím lục bình, Em có về làm dâu quê anh hay Thanh Dũng với Lá tình, Ngọc Điệp với E ấp hoặc E ấp của Thanh Dũng và Cho em dáng núi của Hữu Nhân cùng nhiều tác phẩm khác chưa có dịp nhắc đến nhưng phần nào đã phản ánh được tình yêu tha thiết trên nền tảng của sự nồng nàn chung thủy, son sắt yêu thương. Tình yêu đôi lứa mãi đẹp khi và chỉ khi người cảm nhận nó, trưởng thành với nó qua thời gian và luôn là tình yêu trong sáng khiết tinh dẫu có xưng hô các cặp anh - em hay tôi - em, tôi - nàng đi chăng nữa. Cao hơn, còn đó ta - bậu như trong Tình bậu muốn thôi của Hữu Nhân Ví dầu tình bậu… bậu muốn thôi/ Bậu cứ ra cớ gì gieo tiếng dữ/ Ta ở lại cắm sào bên bến cũ/ Ngày bậu về đừng mặc áo và vai [39, 50]. hoặc ở đâu đó duyên tình lở dỡ, mặn đắng chua cay giờ đấy không còn vị, cũng tại vì tình bậu muốn thôi Bậu ra rồi, ta bủa lưới giăng câu/ Sợi câu mắc giữa hai bờ thương nhớ/ Canh bông súng cá rô đồng kho tộ/ Bậu ra rồi tiêu ớt cũng thôi cay

Thơ của Ngọc Điệp, cô giáo trường phổ thông cũng góp phần làm nên đa sắc màu tình yêu của tuổi ô mai - cái tuổi học trò lắm mơ nhiều mộng với lá thư tình trong ngăn vở mà chưa vội trao tai Trống mới tan trường sao vội thế/ Anh đuổi theo em mệt muốn khờ/ Bài thơ tình nhỏ còn trong cặp/ Giây phút thiêng liêng mãi đợi chờ. Tuổi học trò với bao kỉ niệm và ước vọng tình tứ, con đường đến trường là nỗi suy tư tựa ca dao có câu Đêm nằm lưng chẳng bén giường/ Mong cho mau sáng tới trường gặp em. Ấy vậy, lá thư tình không dám tỏ lời bởi bàn tay nhát đưa, lòng “bối rối ngập ngừng, cúi đầu e ấp” dù đã tự khuyên mình ở dòng thơ thứ 8 làm niềm tin mà có chút duyên hài Thơ tình anh chắc hẳn buồn xo/ Bởi nhớ thương bốn mùa mưa nắng/ Chờ trao em, nghe lòng căn dặn: Bình tĩnh thôi, kẻo hỏng bây giờ [7, 7].

Thật vậy, tình yêu luôn là nỗi mong chờ, tình yêu là kỷ niệm, tình yêu là ước mơ, chỉ tội cho những ai chưa từng mơ ước, chưa dám yêu chỉ một lần. Nhưng trong đời có mấy ai như thế, có mấy ai trắng gió một mảnh tình. Đấy là nội dung xuyên suốt có mặt trong thơ Đồng Tháp, cũng chính vì thế giữ được sức sống cho thơ Đồng Tháp mãi mãi trường tồn rồi phồn vinh hơn nữa.

Một phần của tài liệu Diện mạo thơ đồng tháp sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 42 - 45)