Về lĩnh vực văn hoá xã hội kinh tế

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 53 - 55)

Ở lĩnh vực văn hoá, từ khi lên ngôi, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã làm được nhiều việc quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà. Là người luôn đề cao tinh thần dân tộc, Nguyễn Huệ chủ trương lấy chữ Nôm làm ngôn ngữ chính thức cho đất nước. Chính vì vậy, dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ xuất hiện nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm có giá trị. Đồng thời vua Quang Trung cho lập Sùng Chính viện, cho dịch các sách kinh điển Trung Quốc ra chữ Nôm.

Đối với những vấn đề xã hội, ngay từ khi mới lên ngôi, vua Quang Trung đã chú ý đào tạo những người sẽ tham gia vào bộ máy xã hội. Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ rõ: "Nho sinh và sinh đồ cứ đợi đến kì thi, vào thi, hạng ưu sẽ tuyển vào, hạng kém thì bãi học ở trường xã còn như sinh đồ ba quan nhất thiết bắt về làm dân cùng dân chịu sưu dịch". Vua Quang Trung cũng ban lệnh: "Chọn nho sĩ trong xã hội có học thức hạnh kiểm, đặt làm thầy dạy, giảng tập cho trò của mình". Đồng thời vua Quang Trung ban chiếu lập học để mọi người đều có điều kiện cơ hội học tập để sau này phục vụ đất nước.

Xuất phát từ một võ tướng, Quang Trung - Nguyễn Huệ rất đề cao luật pháp, quân lệnh nghiêm minh. Lần đầu ra Thăng Long, trong đám tang vua Lê Hiển Tông, có một vị quan không nghiêm trang Nguyễn Huệ đã lôi ngay ra chém. Trong trận đại phá quân Thanh, vua Quang Trung vừa hành quân vừa

mộ lính, với đội quân ô hợp, trẻ có, già có, nông dân có, nhà sư có nhưng dưới quân lệnh của vua Quang Trung đã trở thành đội quân bách chiến bách thắng. Sách Minh đô sử nhận xét về Quang Trung: "Có nhiều mưu lược, hiệu lệnh như lửa, hễ ai phạm vào luật cấm thì chém tươi không tha, tướng sĩ đều kinh sợ như thần minh". Khi lên ngôi, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã áp dụng chế độ quân chính để ổn định an ninh trong một xã hội đầy biến động. Sách Tây Sơn lược thuật nhận xét: "Nhà vua không lập pháp lệnh, việc thưa kiện đều do miệng ngài phân xử, có tội thì phần nhiều dùng đòn mà đánh để trừng trị. Bầy tôi ở trong hay ngoài đều sợ oai của ngài, không dám can tội hối lộ". Dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ, trộm cướp không dám hoành hành.

lĩnh vực tôn giáo, Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng có những chính sách mới mẻ, chỉ để lại những ngôi chùa lớn và những nhà sư đắc đạo chân tu ở lại trụ trì, còn những kẻ lười biếng nấp bóng cửa chùa trốn tránh lao động, trốn tránh trách nhiệm công dân, vua Quang Trung cho về làm ruộng, chịu sưu dịch như mọi người. Như vậy, dù tín ngưỡng hay văn hoá giáo dục, vua Quang Trung đều chú trọng vào thực chất. Mọi sự lợi dụng về tín ngưỡng hay những kẻ hủ nho cố chấp đều "không có đất" để tồn tại.

Về kinh tế, vua Quang Trung chủ trương phát triển nông nghiệp. Trong chiếu khuyến nông, nhà vua viết: "Trẫm chịu mệnh trời, giữ nghiệp lớn,… Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu được tiến hành lần lượt. Xét ra trốn tránh công việc, giấu giếm của cải là thói thường ở đời, cho nên phương pháp đề phòng không gì tốt hơn là phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn đất hoang, phàm dân du thủ du thực cho về làng lo chăm sóc đồng áng". Không chỉ khuyến khích phát triển nông nghiệp, vua Quang Trung còn chú trọng phát triển thương nghiệp. Khi vừa mới chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung chủ động đề nghị với Phúc An Khang tổng đốc Lưỡng Quảng cho "mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hoá không ngưng đọng để làm lợi cho dân". Đồng thời, vua Quang Trung cũng mời gọi các thuyền buôn phương Tây đến đầu tư, buôn bán.

Qua khảo cứu một số tài liệu viết về lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII như: Lịch sử Việt Nam (tập 1), Lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến 1858… chúng tôi nhận thấy, viết về thời kì này không có cuốn sử nào không đề cập đến sự khủng hoảng của chế độ phong kiến ở Đàng Ngoài và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Mặc dù có nhiều cách thể hiện khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là khi nói đến phong trào Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ đều với một tinh thần ngợi ca tự hào: "Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vĩ đại cùng với tên tuổi người anh hùng áo vải Quang Trung mãi khắc sâu trong tâm khảm người dân Việt Nam yêu nước" [72, 205]. Đúng như

lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

… Nguyễn Huệ là bậc phi thường, Mấy lần đánh đuổi quân Xiêm giặc Tàu.

Ông đà trí cả mưu cao,

Dân ta lại biết cùng nhau một lòng. Cho nên Tàu dẫu làm hung Dân ta vẫn giữ non sông nuớc nhà…

Công lao của nhà Tây Sơn nói chung, Quang Trung - Nguyễn Huệ nói riêng bị triều đại nhà Nguyễn sau đó lên ngôi - một triều đại thù địch với nhà Tây Sơn - đã cố tình phủ nhận tất cả. Nhưng những gì Quang Trung - Nguyễn Huệ gây dựng đã được nhiều nguồn sử liệu khác nhau ghi chép và lưu giữ, kể cả những dã sử được lưu truyền trong dân gian. Vì vậy, ngày nay chúng ta có được những phác hoạ về chân dung vị hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tuy chưa toàn diện và đầy đủ, nhưng cũng là những sử liệu quan trọng cho thấy vai trò của Quang Trung - Nguyễn Huệ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII. Đồng thời, đây cũng là một nguồn tư liệu quý giá để các nhà văn khám phá, tìm hiểu và "bổ sung" cho lịch sử nhằm cắt nghĩa hiện thực hoặc thể hiện quan điểm, tư tưởng của nhà văn khi đánh giá về nhận vật Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 53 - 55)