Về lĩnh vực chính trị ngoại giao

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 51 - 53)

Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ là một vị tướng thiên tài trên lĩnh vực quân sự mà còn được xem là một người có "tầm nhìn chiến lược" trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao.

Về mặt chính trị, ngay trong Chiếu lên ngôi, chúng ta đã thấy rõ điều này khi Quang Trung - Nguyễn Huệ tuyên bố: "Trẫm nay cùng dân đổi mới", chứng tỏ vua Quang Trung đã có ý thức xây dựng đất nước theo một đường lối khác với các triều đại cũ. Sau các vụ phản trắc của Nguyễn Hữu Chỉnh, của Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ trực tiếp tổ chức bộ máy cai trị ở Bắc Hà. Đặc biệt, chiến thắng oanh liệt đại phá quân Thanh cuối năm 1788 đầu năm 1789 đã tạo thêm danh nghĩa và uy tín giúp vua Quang Trung tiếp tục hoàn thành việc xây dựng bộ máy nhà nước và củng cố quốc phòng. Cũng từ đây, một triều đình mới chính thức được thành lập với Hoàng hậu Ngọc Hân, Thái tử Quang Toản, chính quyền ở địa phương cũng được chỉnh đốn chặt chẽ hơn

trước. Chính quyền này vẫn là chính quyền quân chủ quan liêu, nhưng thành phần quan lại có những điểm mới: một bộ phận quan chức vốn là những tướng lĩnh nông dân bên cạnh một số quan lại sĩ phu cũ được giữ lại và những quan lại mới được tiến cử hoặc xuất thân khoa cử do vua Quang Trung tổ chức. Đối với quan lại cao cấp, vua Quang Trung thực hiện chế độ bổng lộc, cấp cho họ một số xã và một số dân đinh để thu thuế.

Mặt khác, chính sách "cầu hiền" cũng luôn được vua Quang Trung chú trọng. Trong quá trình lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Huệ rất chú ý đến việc thu nạp nhân tài, nhờ vậy đã tập hợp được nhiều sĩ phu có năng lực, thành tâm giúp Nguyễn Huệ làm nên nghiệp lớn. Vốn xuất thân từ nông dân nhưng Quang Trung - Nguyễn Huệ rất quý trọng tầng lớp trí thức. "Sự tài giỏi của vua Qung Trung là ở chỗ ngay khi mới tiếp xúc, ông đã có thể nhận biết bản chất và lòng trung thành của người đang diện kiến, không một sự che giấu xấu xa nào thoát khỏi con mắt tinh tường của ông. Từ nhận biết về bản chất con người, ông đã sử dụng trí tuệ và tài năng mỗi người vào những công việc thích hợp, có lợi cho đất nước. Dần dần các trí thức đã nhận thấy mục tiêu mà nhà vua theo đuổi phù hợp với nguyện vọng của đất nước nên họ đã tôn phù và hết lòng phục vụ sự nghiệp nhà Tây Sơn" [72, 36]. Nguyễn Huệ không phân biệt trí thức Nam hay Bắc, nghĩa là thực tài thì nhà vua đều trọng dụng. Cứ lấy việc ban bố chiếu cầu hiền và ba lần cho người đi mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về cộng tác với nhà Tây Sơn đủ thấy tấm lòng của ông đối với tầng lớp trí thức đương thời. Dưới thời Quang Trung, nhiều trí thức lớn như Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ,… đã tìm được "đất dụng võ".

Trong ngoại giao với nhà Thanh, Quang Trung - Nguyễn Huệ khi mềm dẻo, khi cứng rắn và đã đạt được mục đích của mình. Vua nhà Thanh chấp nhận phong Vương cho Nguyễn Huệ, gạt con cờ Lê Chiêu Thống ra ngoài. Không chỉ có thế, Nguyễn Huệ còn đấu tranh để bỏ lệ cống người vàng, cho người đóng giả vua Quang Trung sang yết kiến vua nhà Thanh. Khôn khéo trong ngoại giao, vua Quang Trung một mặt hàng năm vẫn cho đem cống

phẩm sang thiên triều, nhưng mặt khác vẫn nuôi hoài bão lấy hai tỉnh Lưỡng Quảng về cho đất Việt. Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung sai Vũ Văn Dũng làm chánh sứ cùng một phái đoàn sang nhà Thanh xin cầu hôn công chúa con vua Càn Long và xin trả lại cho đất Đại Việt hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây vốn là của Đông Việt và Tây Việt, hai bộ tộc anh em của ta. Sự thực thì đây là một cách vua Quang Trung xem thử nhà Thanh phản ứng thế nào để rồi nhân cớ đó đem quân sang đánh. Việc chưa thành thì Quang Trung bị bệnh và mất nên phải đình lại.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 51 - 53)