Một cái tôi với khát vọng tình yêu mãnh liệt

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 75 - 78)

Khát vọng tình yêu của con người ở thời đại nào cũng tha thiết, mãnh liệt. Trong những tác phẩm văn xuôi sau 1975 viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ, tình yêu có sức hút rất đặc biệt, nó cho thấy từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở "điểm hẹn" tình yêu, dẫu là kẻ thường dân chất phác lam lũ hay ông hoàng bà chúa cao sang quyền quý. Khám phá nó là cách hữu hiệu để nắm bắt con người ở phần tự nhiên nhất mà cũng đẹp đẽ nhất. Cho nên, biểu hiện rõ nhất của con người đời tư khi khai thác hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ chính là trên phương diện tình yêu.

Quang Trung trong Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp là người có khát khao tình yêu với Vinh Hoa đến cháy bỏng. Sự nói năng rành rẽ, đâu vào đấy của Vinh Hoa khiến Quang Trung rất thích. Nhà vua không những ân cần, thương xót Vinh Hoa mà còn cho nàng tham dự việc triều chính, mọi ý kiến luận bàn của Vinh Hoa, vua Quang Trung hết sức thán phục, làm gì cũng thành. Vua Quang Trung tự hào nói: "Ta được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người" [75, 162]. Song, đáp trả lại sự ân cần hết lòng yêu thương chiều chuộng của vua Quang Trung, Vinh Hoa vẫn một mực không cho nhà vua thành thân, "mỗi khi nhà vua ngỏ ý, nàng đều khéo léo chối từ, điều này khiến vua Quang Trung rất buồn, tuy hàng ngày gặp nhau nhưng nhà vua không sao gần gũi được" [75, 162]. Niềm ao ước được "sở hữu" Vinh Hoa để Vinh Hoa thuộc về mình mãi mãi trở thành nỗi ám ảnh, khao khát đến cuối đời của Nguyễn Huệ: "Khi lâm chung, có Vinh Hoa đứng hầu bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm. Con trai nhà vua, Nguyễn Quang Toản, vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra mắt nhà vua lại mở trừng trừng. Đến cả Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt nhà vua thì nhà vua mới nhắm lại được" [75, 162 - 163].

Chuyện một vị vua đam mê sắc đẹp không phải là hiếm trong lịch sử, nhưng người đó là Nguyễn Huệ thì lại khiến cho người đọc cảm thấy bị xúc phạm vì đã đụng chạm đến niềm tôn kính của họ. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp lại khác, tác giả muốn kéo gần nhân vật lịch sử để đưa họ về với cuộc sống đời thường. Điều này gần như được Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm qua câu nói của Nguyễn Ánh trong Phẩm tiết: "Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện" [75, 164].

Trong Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng thành công mối tình của Huệ với An. Từ giây phút đầu tiên gặp An, Huệ đã biết thế nào là sự rung động của con tim trước vẻ đẹp yêu kiều của người thiếu nữ. "Cho đến ngày Huệ gặp An. Điều ghi dấu trong cảm quan của cậu, khiến cậu gần như

sững sờ, là cái dáng điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, linh động của An…. Cậu đau khổ công nhận giữa cái đẹp xa lạ ấy và mình có một hố cách biệt trang nghiêm; cậu không thể nói gì thêm, không thể phác một cử chỉ nhỏ, vì bất cứ hành động nào của cậu cũng trở thành vụng về, thừa thãi trước vẻ đẹp toàn bích ấy" [27, 101]. Sau phút gặp gỡ đó, trước người con gái mình yêu, Huệ luôn rụt rè e ngại: "Suốt mấy tháng trọ học ở nhà thầy, Huệ chưa có lần nào nói chuyện tự nhiên riêng với An. Khám phá ra điểm yếu đuối của mình, cậu khổ sở. Lòng tự ái kiêu hãnh của người con trai bị động chạm. Cậu ngại gặp An như ngại soi gương thấy vài vết mụn trên da mặt dậy thì của mình" [27, 101]. Mấy năm Huệ học ở An Thái, đến tận phút chia tay, dù rất cảm mến vẻ đẹp của An nhưng đến bàn tay An, Huệ cũng không dám nắm. Cho đến ngày An đi lấy chồng, tình yêu họ cũng chỉ dừng lại ở những bày tỏ kín đáo, tế nhị. Ở tình cảm cao đẹp này, ta không còn thấy một người anh hùng đánh Đông dẹp Bắc, lừng lẫy oai phong nữa mà thay vào đó là một Nguyễn Huệ do dự và nhút nhát. Và cũng chính cái do dự, nhút nhát này đã khiến Huệ không thể giữ nổi người con gái mình yêu. Tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của họ đã bị Nguyễn Nhạc "rẽ thuý chia loan". Huệ và An đều là những con cờ chính trị được sắp đặt bởi bàn tay quyền lực của Nguyễn Nhạc. Huệ buộc phải lấy em gái của hai phụ tá thân tín của Nguyễn Nhạc là Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật và Thái sư Bùi Đức Tuyên. Huệ miễn cưỡng lập gia đình theo lệnh anh để suốt cuộc đời còn lại Huệ đã tự mình trả giá cho sự buông xuôi ngày ấy. Huệ âm thầm đi bên đời An, âm thầm xót xa và luôn cảm thấy có lỗi trong mọi nỗi bất hạnh sau này của cô. Huệ không có tình cảm gắn bó đặc biệt với người vợ Quy Nhơn; lấy Ngọc Hân chỉ vì muốn có cái "chính danh" trong lòng người Bắc Hà. Nhưng Nguyễn Huệ đã tìm thấy ở công chúa Ngọc Hân những nét gần gũi về tâm hồn và vẻ bề ngoài với người con gái thời An Thái. Cũng vì tình yêu với An và nặng lòng với kỉ niệm thời An Thái mà lần đầu tiên cầm quân, Huệ đã vượt quá lệnh anh, tự tiện đưa quân về An Thái. Tuy hai người không lấy được nhau nhưng đó mãi mãi là một tình yêu cao thượng, đẹp đẽ. Nguyễn Huệ

bách chiến bách thắng cũng có thể là kẻ thua cuộc, cũng bất lực không vượt qua được rào cản trong tình yêu và mối tình ấy đã theo suốt cuộc đời người anh hùng áo vải Quang Trung. Qua đó, ta thấy một khát vọng tình yêu mãnh liệt trong con người Nguyễn Huệ, chỉ có điều khát vọng ấy mãi là khát vọng khi Nguyễn Huệ không thể chạy trốn khỏi quyền lực của chính trị.

Như vậy, từ góc nhìn đời tư, cụ thể là với khát vọng tình yêu mãnh liệt, ta không còn thấy dáng dấp của một Nguyễn Huệ oai phong lừng lẫy mà chỉ thấy ở đây một con người bình thường như bao con người bình thường khác. Nguyễn Huệ trong tình yêu cũng trải qua những cung bậc của cảm xúc: yêu, ghét, giận hờn, đau khổ. Đây là một thành công lớn của các nhà văn khi xây dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Huệ.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w