Ngôn ngữ sắc cạnh, thâm thuý

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 130 - 131)

Quang Trung - Nguyễn Huệ trong Gió lửa của Nam Dao được xây dựng là người anh hùng có tư tưởng và những cải cách tiến bộ, đồng thời cũng tỏ rõ là một người hết sức khôn ngoan trong việc dùng người, vì vậy ngôn ngữ của Nguyễn Huệ trong Gió lửa là ngôn ngữ sắc cạnh, thâm thuý. Chẳng hạn, qua lời đối thoại giữa Huệ và Tự về sự sống và cái chết cho tư tưởng, cho việc xây dựng một kỉ nguyên mới, cho một thiên hạ thái bình, hay khi Huệ triết lí với Thức về cái đói,…Tất cả đều cho thấy sự khéo léo của Nam Dao khi điểm tô cho nhân vật Nguyễn Huệ một thứ ngôn ngữ sắc sảo, quyết đoán mà không kém phần tinh tế, thâm nho. Đặc biệt là đoạn đối đáp giữa Chỉnh và Huệ, khi Huệ sai Nhậm giết Chỉnh, Chỉnh đã hỏi Huệ: "Thượng công sai Nhậm giết tôi. Tôi phản hay chính Thượng công phụ tôi?" [20, 145]. Huệ trả lời: "Mi không phản lúc đó, nhưng để mi ở Bắc Hà hai năm sau thì mi cũng sẽ phản. Còn ta phụ mi? Biết mi sẽ phản thì ta có phụ cũng là luật chơi mà thôi. Giá khi mi dẹp được Trịnh Bồng, mi đừng chịu nhận tước Quốc công của nhà Lê, vẫn cứ nhân danh Hữu quân Tây Sơn rồi đợi lệnh ta, thì ta lấy danh nghĩa gì mà giết mi được ? Giết mi, ta tiếc lắm chứ. Giả thử có mi, thì về thủy binh ta có lo gì thằng Chủng. Thủy binh ta mạnh, tiếp ứng được Gia Ðịnh thì ta đâu có mất Thái bảo Phạm Văn Tham. Chính mi, mi chết là phụ ta..." [20, 145]. Qua lời lẽ Huệ nói với Chỉnh đủ thấy sự khôn ngoan, sắc sảo của Huệ trong việc dùng người nhất là đối với những kẻ không đáng tin dùng như Chỉnh. Hoặc qua đoạn hội thoại giữa Thức và Huệ, bằng sự thông minh, nhanh nhạy của mình, Huệ đã dồn Thức vào chỗ phải nói, phải trình bày hết những điều Thức hiểu cho Huệ nghe, không những thế Thức còn phải trả lời một loạt câu hỏi dồn dập của Huệ như: "Không có ta, hàng dân cũng thắng được à?... Vậy có Huệ

hay không, chỉ là mau hay chậm mà thôi ư?... Không có Huệ này, thì sẽ có Huệ khác sao?" [20, 133] từ đó làm bật nổi tài năng, tư tưởng và tầm nhìn sâu rộng của Nguyễn Huệ trước thời cuộc.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 130 - 131)