Ngôn ngữ thông tục

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 133 - 135)

Là một tác phẩm miêu tả Nguyễn Huệ có tính chất đời thường hơn là một Nguyễn Huệ anh hùng cho nên trong Gió lửa Nam Dao đã để cho Nguyễn Huệ tự bộc lộ mình bằng một thứ ngôn ngữ thông tục, để qua đó bản chất của con người được thể hiện rõ hơn.

Trong tác phẩm, rất nhiều lần Nguyễn Huệ tỏ ra là một người thô tục khi có những lời nói, hành động không đúng với cung cách của một vị tướng, của một bậc quân vương. Chẳng hạn, trong lễ triều kiến, vua Hiển Tông phong

Huệ làm Nguyên soái, tước Phù - Chính dực - vũ Uy - quốc công, Huệ không vui, tỏ ra giận dữ, dang tay đập chén nước trà xuống đất, hầm hè: "Ta đánh một trận, dẹp yên thiên hạ thì một hòn đất, một tên dân nước này là của ta, ta muốn xưng đế, xưng vương thì xưng, ai cản được. Cái chức Nguyên soái quốc công với ta là cái gì? Muốn lấy tiếng hão để lung lạc một kẻ mọi rợ à? Ta nhận, nhưng phải nói ra cho "đám thây ma" ở triều đình đó biết" [20, 93]. Và cụm từ "kẻ mọi rợ" tiếp tục được Nguyễn Huệ nhắc lại khi ngồi uống rượu với đám tả hữu: "Kẻ mọi rợ này nay bám vào cành vàng lá ngọc, thật là "thiên tải kỳ duyên". Đồng thời Nguyễn Huệ tự nhận mình là "kẻ này": "Kẻ này vâng mệnh Hoàng huynh mang quân ra làm việc tôn phù đã xong. Ngày mai, làm xong việc tang tế của con rể muốn tròn đạo với bố vợ, thế là trung hiếu vẹn cả hai bề, kẻ này sẽ rút quân về nước" [20, 113 - 114]. Ngoài việc tự xưng mình là "kẻ mọi rợ", "kẻ này", gọi vua quan triều đình là "đám thây ma", Nguyễn Huệ còn dùng từ "gái tơ ", "con ranh" để chỉ Ngọc Hân: "Ta ra vì loạn, về lại đèo bồng thêm một đứa gái tơ, trẻ con nó chắc bụm miệng cười!" [20, 95] và "Ðêm nay động phòng. Xem con ranh nó tròn hay méo..." [20, 97]. Hay khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc mâu thuẫn vì việc tranh giành của cải cướp được của nhà Trịnh, Huệ tức tối đập bàn thét: "Không bảo hắn là heo chó, là sài lang làm nhơ nhớp triều chính thì bảo hắn là cái giống gì?" [20, 118], và gọi Nguyễn Nhạc là "hắn": "Ta vào Gia Ðịnh hai bận, vừa thắng trận, chưa kịp bình định là hắn gọi về kiềm chế ngay".

Việc Nam Dao đưa vào tiểu thuyết Gió lửa những từ ngữ thông tục và những từ ngữ thông tục ấy lại được thốt ra từ miệng của một vị vua đã khiến cho nhiều người thật sự ngỡ ngàng. Phải đọc kĩ tác phẩm, chúng ta mới thấy đây không phải là sự tuỳ tiện hoặc dễ dãi của tác giả mà thực sự là chủ ý của Nam Dao khi tác giả muốn xoá bỏ khoảng cách giữa vĩ nhân và bình dân, giữa anh hùng và đại chúng. Vì thế Nam Dao đã kết nhập lớp từ thông tục ở một giới hạn cho phép, không làm ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ của tác phẩm. Từ ngữ thông tục là một cách thức tạo nên tính đại chúng, nó vừa phù hợp với

tinh thần giải thiêng, không tuyệt đối hoá cái cao cả, cái phi thường. Từ thông tục xuất hiện trong cách nói của Nguyễn Huệ - người mà lâu nay trong ý nghĩ của chúng ta chỉ nói những từ tao nhã, trang nghiêm đã một lần nữa chứng tỏ tài năng của Nam Dao trong việc "làm mới" Nguyễn Huệ, đưa Nguyễn Huệ trở về với thế giới trần tục có vụ lợi, có bon chen, có chửi thề,… để hình tượng Nguyễn Huệ trong văn học sống đúng với bản chất người hơn.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 133 - 135)