Hình tượng Quang Trung Nguyễn Huệ, đối tượng thẩm mĩ đặc sắc trong văn xuôi Việt Nam sau

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 32 - 49)

trong văn xuôi Việt Nam sau 1975

Sau chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, lịch sử Việt Nam bước sang trang mới. Đất nước bước vào thời kì hoà bình, xây dựng và phát triển. Cuộc sống của dân tộc dần trở lại với những quy luật bình thường của nó. Con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả, đầy biến động của thời kì hậu chiến kéo dài từ 1975 - 1985. Hoàn cảnh xã hội mới đặt ra yêu cầu cần phải có những nhận thức mới về vai

trò và sứ mệnh của văn học nghệ thuật. Do đó, văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt là sau Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã có những đổi mới mang tính đột phá cả về nội dung và hình thức. Văn học thực sự được "cởi trói", người nghệ sĩ được tạo điều kiện phát triển và thể hiện cá tính sáng tạo của mình. Các nhà văn đã không ngần ngại khi đi vào những vùng khuất tối, gai góc của đời sống để khám phá, phản ánh thế giới tinh thần đầy phức tạp và nhu cầu bản năng của con người trong cuộc sống hiện đại.

Trong không khí sôi nổi và dân chủ của văn học nước nhà thời kì đổi mới, văn xuôi viết về đề tài lịch sử cũng có sự vận động, phát triển mạnh mẽ, thực sự gây ấn tượng đối với độc giả. Cách nhìn nhận về lịch sử, quan niệm về lịch sử của các nhà văn đa dạng hơn. Lịch sử không còn là "những xác chết và những sự cố biên niên u lì" mà được thổi vào tinh thần, hơi thở của cuộc sống hiện đại. Chất liệu lịch sử được xử lí khác nhau ở mỗi nhà văn, nhưng nhìn chung các tác giả đều cố gắng tìm kiếm những hướng đi mới, vượt thoát khỏi lối viết truyền thống.

Văn xuôi viết về đề tài lịch sử sau 1975 vẫn đang trong quá trình tìm tòi, xác định hướng đi cho mình nhưng bước đầu đã có thể nhận thấy những thành tựu và đóng góp của mảng văn học này đối với sự phát triển chung của văn học dân tộc. Sau 1975, nhất là từ những năm 90 của thế kỷ XX, văn học Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt tác phẩm viết về đề tài lịch sử trong đó có rất nhiều tác phẩm viết về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ như: Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp; Sóng nhồi vào sóng của Trần Thị Trường; Thế trận Linh Xà của Trần Hạ Tháp; Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ;

Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác; Gió lửa của Nam Dao; Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh, Hoàng đế Quang Trung của Nguyễn Thu Hiền… Những tác phẩm này xuất hiện đã tạo những "cú sốc" trong dư luận, làm tốn không ít giấy mực của giới phê bình, thể hiện một cách viết mới, đưa đến một quan niệm mới về đề tài lịch sử cũng như cho ta thấy hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ sống động dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Những tác phẩm văn xuôi sau 1975 chúng tôi khảo sát được sau đây sẽ minh chứng cho điều đó.

Khi nói tới truyện ngắn lịch sử, chúng ta không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp, người được xem là "đại náo làng văn" bằng một chùm truyện lấy chất liệu lịch sử thời Quang Trung và Gia Long làm đối tượng khám phá. Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29-4-1950 tại Thanh Trì - Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn tương đối muộn, mãi năm 1986 trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam mới xuất hiện một vài truyện ngắn của ông, nhưng đó vẫn là những sáng tác mờ nhạt không có tiếng vang gì. Đến năm 1987, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mới bắt đầu được dư luận chú ý. Liền sau đó một cuộc tranh luận văn học sôi nổi diễn ra quanh các tác phẩm của nhà văn - đây là hiện tượng văn học hi hữu, hiếm có trong nền văn học hiện đại.

Trong truyện ngắn Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp không trực tiếp viết về Nguyễn Huệ, nhưng thông qua lời đối thoại giữa Nguyễn Phúc Ánh và Đặng Thế Lân, ít nhiều ta thấy hiện lên tài năng của Nguyễn Huệ. Khi Ánh hỏi Lân: "Nhạc không nói làm gì, Lữ không nói làm gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế" [75, 142]. Lân trả lời: "Huệ giỏi dùng người tài nhưng không giỏi dùng người thường,…" và "Huệ không có tội gì, chỉ là một người tài, bị trời hành, cũng như chúa công vậy. Huệ là một lực lượng" [75, 142]. Chính lời đối đáp

của hai con người xem Nguyễn Huệ như kẻ thù lại càng chứng tỏ cho chúng ta thấy tài năng quân sự lỗi lạc của bậc minh quân này.

Ở truyện ngắn Phẩm tiết, Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu viết về người con gái trong "ngôi mộ cổ vùng lòng hồ trong khu vực thuỷ điện sông Đà" tên là Ngô Thị Vinh Hoa. "Ngô Thị Vinh Hoa là con thứ 10 của Ngô Khải. Khải là hậu duệ của Chương Khánh Công Ngô Từ, người đã sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông" [75, 158]. Trong tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã miêu tả Vinh Hoa "hát hay, đàn giỏi, đẹp lồ lộ, nói câu nào thiêng câu ấy" [75, 158]. Chính vì thế, cuộc đời của Vinh Hoa gắn liền với hai người đàn ông, hai vị vua đó là Quang Trung và Càn Long. Và cũng qua cuộc đời của

Vinh Hoa, ta thấy hiện lên một Quang Trung rất đời thường, biết say mê cái đẹp, biết giận kẻ làm mình phật ý.

Trần Thị Trường là một nhà văn có nhiều khả năng miêu tả tâm tưởng của người phụ nữ. Tác giả có khá nhiều truyện viết thành công về mảng này. Nhưng có lẽ "nhà văn biết điểm mạnh của mình sẽ trở thành điểm yếu, nếu toàn bộ tập truyện cùng một mạch như thế, cho nên Trần Thị Trường đi vào một mảng thứ hai là truyện ngắn lịch sử" [85, 5].

Dòng truyện lịch sử là mảnh đất bao la cho con người hiện đại hư cấu và suy tư, do đó nhà văn Trần Thị Trường đã biết khai thác lịch sử để làm phong phú cho tập truyện của mình. Ngoài các truyện ngắn lịch sử như:

Nguyễn Thị Lộ, Huyền Trân, Thành rêu bóng cũ… Trần Thị Trường đã viết truyện Sóng nhồi vào sóng để nói về nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh, nhưng qua nhân vật Nguyễn Ánh ta lại thấy hiện lên bóng dáng tài ba của vị anh hùng Nguyễn Huệ. Trong lúc lăn lưng trên cát ướt, Nguyễn Ánh nhớ về quá khứ, giữa "tiếng gió, tiếng sóng khiến ông nhớ lại thời cưỡi trâu lội sông chạy khỏi cuộc truy đuổi của Nguyễn Huệ" [85, 177].

Sau khi Nguyễn Huệ chết, Nguyễn Ánh đã trả thù bằng cách khai quật mồ mả lên, nhưng sau đó Nguyễn Ánh lại nghĩ đến Ngọc Hân: "Lần đầu tiên trong đời, Nguyễn Ánh thở dài não ruột. Ai tư vãn của nàng khiến ta khâm phục và nhiều phen phải đau khổ ăn năn và xấu hổ. Phải, chồng nàng chết đã là một đau, ta còn trả thù những thân hữu của nàng" [85, 179]. Thương xót Ngọc Hân, Nguyễn Ánh nghĩ đến Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh vừa căm tức, vừa sợ, vừa kính nể Nguyễn Huệ: "Thoả mãn đấy mà sợ đấy. Căm tức đấy mà kính trọng đấy. Thoả mãn vì tưởng đã mất mà nay giang sơn trở về trong tay mình. Nhưng nỗi sợ vẫn còn kinh hoàng dù giờ đây Nguyễn Huệ đã ở nơi chín suối. Không căm làm sao được khi dòng dõi ta đây đường ngôi trời thiên tử mà phải nếm mật nằm gai hết trôi Côn Lôn lại dạt Thổ Chu. Nhưng không kính sao được khi chẳng dòng dõi, chẳng mệnh trời, chẳng con nhà rèn giũa học hành, ông ta chỉ xuất thân áo vải mà nhận ra nghĩa lớn. Cái nghĩa lớn không chỉ ở

con mắt thấy dân lầm than cơ cực mà cái óc biết nỗi vinh nhục mất nước mất nhà. Không phải như người anh Nguyễn Nhạc, kẻ biển thủ tiền thuế để đánh bạc rồi sợ đi tù mà dấy binh khởi nghĩa. Nguyễn Huệ là người khác. Khác hẳn. Hơi thô thiển, thật thà nhưng lòng dạ hẳn hoi… Giá mà ông ta cầm quân cho mình, giá mà ông ta giơ tay cho ta nắm…" [85, 179 - 180].

Một trong những truyện viết về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ thiên về ngợi ca vẻ đẹp và tài năng của người anh hùng chính là Thế trận Linh của Trần Hạ Tháp. Ở tác phẩm này, Trần Hạ Tháp đã hoá thân vào nhân vật người kể chuyện, kể về lần tác giả lên Tây Nguyên và cuộc gặp gỡ giữa tác giả với một ông cụ 70 tuổi, nhà ở trạm nghỉ của nhân viên quản lí đường đèo An Khê. Qua cuộc gặp gỡ này, Trần Hạ Tháp dẫn dắt bạn đọc đến với Linh Xà miếu mang dáng dấp huyền thoại. Từ đây, câu chuyện về bà cụ Tổ họ Bùi chuyên đi buôn muối giao đấu với một "Nhị gia anh kiệt" được ông cụ kể lại một cách chi tiết. Và "Nhị gia anh kiệt" ấy chính là Nguyễn Huệ. Theo lời cụ Tổ "võ nghệ con người ấy cao thâm đến độ khôn lường. Mà đến việc cơ trí, mưu lược... cũng không ai đoán nổi. Người có một không hai trong thiên hạ bấy giờ" [73, 10]. Cũng theo lời kể của cụ Tổ, "siêu quần" Nguyễn Huệ được một bậc kì nhân trao bí truyền "Linh Trận Pháp".

Về sau, đoàn buôn muối của bà cụ Tổ đều trở thành nghĩa quân Tây Sơn. Thực hiện sứ mệnh của bậc kì nhân giao phó, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, xã tắc an bình. Thêm nữa "Ứng trận" bị Thế trận Linh Xà "chế ngự". Sau ca khúc khải hoàn, Quang Trung - Nguyễn Huệ lập tức cho dựng lên Linh Xà miếu ở ngay tại nơi đã từng có trượng trúc quần Linh Xà xuất hiện - hàng năm Quang Trung thân chinh chiêm bái. Và từ đó, chung quanh miếu cũng không còn rắn hổ mang, rắn độc mà mọc những cây thuốc Nam trừ rắn là Bách - Xà - Thiện - Thảo. Qua cách xây dựng nhân vật Nguyễn Huệ với vẻ bề ngoài hết sức uy nghiêm, đạo mạo và cách nói năng cư xử của một bậc anh hùng giàu chí khí, thu phục nhân tâm đã cho người đọc một cảm giác thích thú

khi "chiêm ngưỡng" trên trang viết ít nhiều phảng phất yếu tố hoang đường của Trần Hạ Tháp.

Bên cạnh các truyện ngắn được sáng tác ở trong nước, các nhà văn hải ngoại cũng đóng góp cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị, được dư luận quan tâm. Một trong những nhà văn hải ngoại ấy là Trần Vũ. Ông sinh ngày 2 tháng 10 năm 1962 tại Sài Gòn. Tác giả theo học tiểu học và trung học đệ nhất cấp tại tư thục Lasan Taberd. Vượt biên đến Philippines và định cư tại

Pháp từ 1979. Làm phân tích viên điện toán cho Quỹ Hưu trí Pháp quốc rồi Liên bang Tương trợ Y tế tại Paris từ 1990. Từ 1999 làm quản lý Dự án Tin học cho Liên hiệp quốc gia Bảo hiểm Pháp. Chủ biên Tạp chí Hợp lưu giai đoạn 2003 đến tháng 7 - 2005.

Trần Vũ bắt đầu viết truyện năm 25 tuổi. Tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Đồng cỏ miên đăng trên Nguyệt san Làng văn tháng 5/1988 lập tức gây được tiếng vang. Các truyện ngắn tiếp theo đều tạo được sự chú ý. Đến Ngôi nhà sau lưng văn miếuBên trong pháo đài đăng trên Tạp chí Văn học, Trần Vũ trở thành hiện tượng của văn học hải ngoại hai năm 1988 - 1989 và là người viết trẻ tuổi nhất lúc đó. Giai đoạn 1991 - 1993, Trần Vũ lại gây xôn xao báo giới, bị công kích gay gắt vì loạt truyện lịch sử về các anh hùng như Nguyễn Huệ, Trần Thủ Độ với văn phong và cách nhìn táo bạo, bị cho là đi ngược lại với quan niệm truyền thống.

Sau khi Phẩm tiết gây chấn động trong văn giới và dư luận trong nước, thì ở trời Tây, Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ ra đời, gây thêm một chấn động mới với một Nguyễn Huệ còn dung tục hơn bội phần. Mùa mưa gai sắc là câu

chuyên nội tâm của Lê Ngọc Hân và Nguyễn Huệ, được viết bằng thể loại "siêu hư cấu lịch sử", với nghi án về những tham vọng, mưu chước, lẫn cả tình yêu của hai nhân vật. Tất cả diễn ra trên nền Thăng Long cũ, chính giữa thời điểm suy tàn của vua Lê, chúa Trịnh. Với nghệ thuật kể chuyện độc đáo, không kể từ ngôi thứ ba như mọi người vẫn làm, Trần Vũ đã dẫn dắt câu chuyện bằng ngôi thứ nhất. Hai người kể chuyện đều xưng tôi - một người là

bạn của Nguyễn Huệ, một người là bạn của Ngọc Hân. Các chi tiết, sự kiện cho ta thấy một hình ảnh Nguyễn Huệ "mới toanh". Nguyễn Huệ hiện lên trước hết là một người hung bạo, thô lỗ, chứa đầy chất hoang dã, tự nhiên, bản năng. Đây là một Nguyễn Huệ mới lạ, y như một ai khác mang tên Nguyễn Huệ chứ không phải một Nguyễn Huệ trong lịch sử. Vì vậy ta mới thấy trong tác phẩm của Trần Vũ một Nguyễn Huệ "bất thường", nếu không nói là ít nhiều mang vẻ "bệnh hoạn". Cách nhìn này cũng giải thích cho xu hướng "mượn" lịch sử để giải thích cho hiện thực trong văn học Việt Nam đương đại.

Có thể nói, ở tác phẩm này, Trần Vũ đã "dùng lịch sử để đập phá ảo tưởng thực tại" [94, 1] và phá bỏ lối viết truyền thông lâu nay: "Diện mạo anh hùng của các nhân vật lịch sử mà người ta thần tượng hóa, tiếc rằng chỉ mới có một nửa: Phơi ra áo gấm trạng nguyên rực rỡ huy hoàng và cất đi bộ mặt sát nhân tàn ác. Lịch sử còn quên nhìn kỹ hậu trường" [94, 1] và "Ai viết nên bộ mặt tàn bạo ấy, tức là đã đi xa hơn lịch sử, để xâm nhập vào lãnh vực con người" [94, 1].

Nếu như nhà văn Trần Vũ bằng truyện ngắn Mùa mưa gai sắc đã xây dựng nên một "phản Nguyễn Huệ" thì ở Sông Côn mùa lũ, tác giả Nguyễn Mộng Giác đã khai thác Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới cái nhìn của một nhà tiểu thuyết. Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. Trước năm 1975, ông là giáo sư dạy văn nổi tiếng ở Sài Gòn và đã là tác giả của nhiều tập truyện dài. Ông hiện đang định cư tại Mỹ. Có thời gian dài là chủ bút Tạp chí Văn học tại Hoa Kỳ. Ông đã có khá nhiều tác phẩm xuất bản nhưng thành công của nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ yếu trên lĩnh vực truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết. Tiểu thuyết lịch sử Sông Côn mùa lũ ra đời khiến tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi trên văn đàn Việt Nam. Và có thể nói, Sông Côn mùa lũ đã đưa Nguyễn Mộng Giác vào vị trí là một trong những "viên gạch" đầu tiên đặt nền móng cho dòng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện đại.

Là một nhà văn hải ngoại, nhưng Nguyễn Mộng Giác vẫn nặng lòng với quê hương, nhất là quê hương Bình Định, nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và cũng là quê hương của nhà văn. Nặng lòng với quê hương là phải làm một cái gì đó cụ thể cho quê hương mình. Với suy nghĩ ấy, Nguyễn Mộng Giác đã miệt mài sưu tầm, tìm hiểu tài liệu lịch sử từ năm 1977 và ngày đêm tranh thủ "cày trên cánh đồng chữ" để đến năm 1981 cho ra đời bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ viết về nhà Tây Sơn gồm 7 phần, 102 chương với 1442 trang, trong đó tập 1 chiếm 732 trang. Nghĩa là đứa con tinh thần ấy thai nghén và ra đời trên quê hương Việt Nam nhưng lại được cấp "giấy khai sinh" trên đất Mỹ (cuốn sách lần đầu tiên ra mắt bạn đọc do Nxb An Tiêm, Mỹ, 1991 ấn hành). Năm 1998, đứa con tinh thần ấy được trở lại quê hương nơi sinh ra nó (do Nxb Văn học phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ấn hành). Khi trở lại quê hương, Sông Côn mùa lũ được bạn đọc đón chào nồng nhiệt. Người đọc đã tìm thấy ở đó những trang lịch sử khá chân thực về triều

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 32 - 49)