Hình tượng Quang Trung Nguyễn Huệ trong văn xuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 27 - 30)

từ đầu thế kỷ XX đến 1975

1.2.2.1. Hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ trong văn xuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 thế kỷ XX đến 1945

Trong giai đoạn này, văn xuôi viết về đề tài lịch sử phát triển mạnh mẽ với số lượng tác phẩm lớn, và gặt hái được khá nhiều thành công. Hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: Trùng Quang tâm sử (Phan Bội Châu), Tiếng sấm đêm đông, Bà Triệu Ẩu, Hai bà đánh giặc (Nguyễn Tử Siêu), Ai lên phố Cát, Treo bức chiến bào (Lan Khai), Hòm đựng người, Loạn kiêu binh, Bà chúa Chè

(Nguyễn Triệu Luật), An Tư, Đêm hội Long Trì (Nguyễn Huy Tưởng), Lịch sử Đề Thám, Gia Định tổng trấn tả quân Lê Văn Duyệt (Ngô Tất Tố), Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng)… đã khẳng định vị trí của văn xuôi viết về đề tài lịch sử trong tiến trình vận động, phát triển của văn học dân tộc.

Trong những tác phẩm kể trên, Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng (in báo từ năm 1934) có lúc bày tỏ lòng mến mộ chiến công tiêu diệt quân Thanh của Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhưng đây không phải là cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng về phong trào Tây Sơn. Tác phẩm viết với ý đồ lí tưởng hoá lớp tráng sĩ phò Lê chống nhà Tây Sơn. Do đó Khái Hưng đã dựa vào tư liệu từ

Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái để đề cao quan điểm chính thống, ca ngợi nâng niu những tráng sĩ trong Đảng Tiêu Sơn, những đảng viên

hành động vì mục đích tôn phò nhà Lê - một triều đại mà khi Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh thì bộc lộ sự cùng cực của sự mục rỗng, phản động đi ngược lại lịch sử. Với tư tưởng lạc hậu ấy, Khái Hưng đã thoá mạ nhà Tây Sơn, đại diện cho phong trào dân chủ dân tộc phù hợp với lịch sử thời bấy giờ: "Này anh em, cha con Tây Sơn ngu độn, bạo ngược, chẳng hiểu lẽ mệnh trời, chẳng nghĩ đến vua tôi, dám dấy quân phản loạn để đến nỗi hoàng đế phải phiêu lưu đất khách mười năm nay". Rõ ràng, Khái Hưng đã lí tưởng hoá các tráng sĩ Tiêu Sơn, thể hiện tư tưởng không làm được anh hùng ngoài cuộc đời thì làm anh hùng trong tưởng tượng, trong văn chương.

Cũng trước năm 1945, một vài cuốn tiểu thuyết lịch sử vì nhiều lí do khác nhau lại đi theo hướng khai thác đề tài về một số nhân vật thời nhà Nguyễn: Giọt máu chung tình (1926), Hoàng tử Cảnh (1926), Gia Long tẩu quốc (1928), Gia Long phục quốc (1928) của Tân Dân Tử,…

Tuy nhiên, theo sự khảo sát của chúng tôi, giai đoạn này chỉ có hai tác giả viết về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ đó là Lan Khai và Phan Trần Chúc.

Lan Khai (1906 - 1945) - một "lão tướng" trong làng tiểu thuyết, được xem là "người đầu tiên mở hướng cách tân cho tiểu thuyết Việt Nam" và cũng là tác giả của những tác phẩm Ai lên phố Cát, Cái hột mận, Treo bức chiến bào,… trong đó Treo bức chiến bào là tác phẩm có nói đến người anh hùng Nguyễn Huệ. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Đỗ Quyên - một thiếu nữ có tài võ nghệ, có chí lớn, vào đất Quảng tìm gặp người anh hùng Nguyễn Huệ. Nàng lập nhiều chiến công được trao gươm báu, giúp Nguyễn Huệ trong lúc nguy nan. Tình yêu trong Đỗ Quyên thức dậy trước người anh hùng Nguyễn Huệ với những cảm xúc trong trắng thơ ngây. Nhưng rồi điều thất vọng bất ngờ đến với nàng, khi chưa kịp "gần gũi tấc gang", Nguyễn Huệ đã kết duyên với công chúa Ngọc Hân, Đỗ Quyên treo bức chiến bào lặng lẽ ra đi mang theo một con tim tê tái. Tưởng nhớ một tài nữ, Nguyễn Huệ đã cho tìm "chàng áo xanh" khắp nơi nhưng không gặp. Nàng để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi trong lòng người ở lại.

Qua Treo bức chiến bào, Lan Khai muốn nói lên một điều như là chân lí: Người anh hùng Nguyễn Huệ ở đây không chỉ là vị tướng tài ba nơi trận mạc, mà trong mình cũng đầy ắp tâm tư, vui buồn, trắc ẩn, khổ đau và dục vọng đời thường như bao con người khác.

Tiểu thuyết lịch sử Vua Quang Trung (1940) của Phan Trần Chúc (1907 - 1946) cũng lấy cảm hứng về người anh hùng Nguyễn Huệ. Tác phẩm kể lại cuộc đời anh hùng, võ công hiển hách của một "Nã Phá Luân của Việt Nam". Có nhiều tác giả đã viết về vua Quang Trung, nhưng theo Phan Trần Chúc, đều lấy tài liệu thu thập chủ yếu từ An Nam nhất thống chí của Ngô Thì Nhậm, "nghĩa là vẫn khiếm khuyết". Bằng tiểu thuyết Vua Quang Trung, tác giả "có tham vọng lấp kín cái khuyết điểm đó". "Tây Sơn" nguyên là tên riêng của một trang trại họ Hồ. Hồ Phi Thúc sinh hạ được ba người con trai là Văn Nhạc, Văn Lữ và Văn Huệ. Nhân câu sấm của Trạng Trình "phụ nguyên trì thống" - "Họ Nguyễn làm vua", mà đổi từ họ Hồ sang họ mẹ là họ Nguyễn. Chỉ trong ba năm, ba anh em họ Nguyễn đã từ "chiếc áo xanh của bọn nông dân ở ấp Kính Thành trở nên người chủ của một khu vực từ Quy Nhơn đến Quảng Nam", nằm giữa hai thế lực Nguyễn và Trịnh. Năm 1774, Trịnh giả tiếng dẹp Trương Thúc Loan chuyên quyền đã mang quân vào tận Quảng Nam. Tự lượng mình chưa đủ sức, Nguyễn Nhạc nộp ba phủ dưới quyền cho Trịnh xin làm chức tướng hiệu, tự làm quân tiên phong giúp Trịnh đánh Gia Định. Ba năm sau lại cử sứ ra Thăng Long xin làm trấn thủ Quảng Nam, chức Tuyên uý Đại sứ, tước Cung quốc công. Thực ra mưu đồ của ba anh em họ Nguyễn là ngầm cuộc tranh hùng với nhà Trịnh. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi. Việc lấy Thuận Hoá thống nhất đất nước phần lớn dựa vào Nguyễn Hữu Chỉnh - một bộ tướng của Trịnh bỏ vào Nam quy thuận để tiến ra Bắc diệt Trịnh.

Từ ngày bình được Bắc Hà, anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mâu thuẫn quyền lợi. Huệ kéo quân đánh Nhạc. Sau vài tháng cả hai cùng nghĩ đến cái hoạ Nguyễn Hữu Chỉnh ở phía Bắc, và ở phía Nam là Xiêm La, nên đã

giảng hoà. Nguyễn Huệ mang quân bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, đưa Vũ Văn Nhậm lên thay. Sau đó lại trừ Nhậm, cho Ngô Văn Sở thống lĩnh ba quân ở Bắc Hà. Đây cũng là thời điểm mà Nguyễn Huệ dùng Ngô Thì Nhậm, mà sau này đã trở thành một mưu thần đắc lực của chúa Tây Sơn, một nhân vật văn thần đặc sắc nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII. Thời ấy, Nguyễn Huệ liên tiếp thắng trận cũng do mưu kế của Nhậm cùng với chính sách bang giao giữa Tây Sơn và Tàu, giúp cho Quang Trung thống nhất nước Nam. Sau khi bị giằng xé vì ba họ Lê, Trịnh, Nguyễn, khi thái hậu và vua Lê Chiêu Thống cầu viện Tàu, Tôn Sĩ Nghị đưa năm mươi vạn quân sang nước Nam, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân rất bình tĩnh đối phó. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế an dân, lấy hiệu là Quang Trung rồi tiến quân ra Bắc. Trong khi quân Thanh án binh thưởng xuân thì Quang Trung thần tốc qua Tam Điệp, Sơn Nam và thẳng Thăng Long. Chỉ năm ngày đã giành toàn thắng. Lối dùng quân của Quang Trung là "Biết người mà không để cho người biết mình. Đánh người trong lúc người chưa phòng bị".

Vua Quang Trung mất vào lúc đương cường tráng, để lại một chí lớn mới chỉ thực hiện được một phần. Sau khi ông mất, Nguyễn Ánh dựa vào quân Pháp nổi lên, dần thu phục lại An Nam. Nhà Tây Sơn bị diệt.

Theo Phan Trần Chúc, Quang Trung xứng đáng với những trang sử tốt đẹp nhất của lịch sử nước Nam như là những trang sử Pháp mà người ta đã giành cho Nã Phá Luân. "Vua Quang Trung xứng đáng liệt vào ngang hàng Nã Phá Luân trong tập danh sách các thế giới vĩ nhân" [15, 126].

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w