Ngôn ngữ thân mật, suồng sã

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 131 - 132)

Có lẽ trong số những truyện ngắn, tiểu thuyết viết về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ sau 1975, Gió lửa của Nam Dao là tác phẩm có tần số ngôn ngữ thân mật, suồng sã xuất hiện nhiều nhất. Nó minh chứng một điều, Nam Dao đã đưa Nguyễn Huệ xích lại gần với chúng ta hơn, không còn khoảng cách quá xa giữa lời nói đạo mạo, trang nghiêm của một vị hoàng đế mà chỉ còn tồn tại một thứ ngôn ngữ quen thuộc, đời thường trong phong cách sinh hoạt hàng ngày.

Là một ông vua quyền uy nhưng cũng có những lúc lời nói của Nguyễn Huệ tỏ ra như một thường dân, đó là khi Huệ nói với Tự và Nhật: "mới bắt được một con trăn, ta bảo nội nhân làm một bữa để chúng mình đánh chén tối mai. Nhớ nhé đừng có phụ lòng ta..." [20, 87], hay khi ôm vai Nhật, Huệ nói nhỏ: "... này "rậm râu", có thí võ thì nhẹ tay cho đứa em gái độc nhất của ta. Tốt nhất là thua nó. Bề ngoài nó cường ngạo, nhưng trong thì..." [20, 87]. Hoặc khi Nhật không chịu thí võ với Chúa Út Đăng Vân bởi Nhật cho rằng: "Võ nghệ là để dẹp giặc cứu đời, không phải là trò trẻ" [20, 88] thì Nguyễn Huệ nháy mắt với Nhật, diễu cợt: "Hay là tướng quân khinh đàn bà con gái nhà ta? Ðăng Vân đánh roi nổi tiếng cả một vùng, tướng quân không thí võ thì chắc nó nọc xuống đánh thật đấy. Giọng khích bác, Huệ tiếp - mà có thí võ, chắc tướng quân cũng bị nó quất vào đít. Ðằng nào cũng vậy, chỉ bị đánh nhiều hay ít mà thôi!" [20, 88] và khi Nhật đi qua mặt Huệ, lại nghe tiếng diễu cợt tiếp: "... nhẹ tay nhé, có đánh thì đánh yêu thôi. Ta có mỗi một đứa em gái đấy!" [20, 89]. Sau đó Nhật giả vờ bị thương, làm như thua khiến Chúa Út khóc oà lên, còn Nhật thì được gia nhân cáng về, lúc này Huệ mới ghé tai Nhật thì thào: "...Cứ giả vờ thêm chút nữa. Ðợi về gặp mẹ ta rồi hãy tỉnh lại. Nhớ nhé. Ðừng có phụ lòng ta..." [20, 89]. Khi Huệ muốn kết duyên em gái mình với

Nhật, Huệ vừa cười diễu cợt, vừa thân mật nắm vai Nhật nói: "Này, anh chàng rậm râu. Mẹ ta bảo rằng Ðăng Vân đến tuổi phải gả chồng. Lẽ ra, nhà trai phải đến hỏi. Nhưng thôi, ta sẽ ghé thăm La Sơn Phu tử, ớm tiếng xem... Ðược không?" [20, 92].

Việc Nguyễn Huệ có những lời nói, cử chỉ thân mật, suồng sã với những từ ngữ bỗ bã như "anh chàng rậm râu", "quất vào đít", "có đánh thì đánh yêu thôi" và đặc biệt là cụm từ "đừng có phụ lòng ta",… đã cho chúng ta thấy một vị hoàng đế xuất thân từ "áo vải cờ đào" hết sức dân dã, mộc mạc và do đó chiếm được nhiều thiện cảm trong lòng bạn đọc, phần nào lấn át, che đậy được những bản năng tàn bạo ở những chương đoạn sau.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 131 - 132)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w