Tư tưởng và tầm nhìn sâu rộng

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 59 - 62)

Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Huệ đã có những biểu hiện của sự thông minh, sáng dạ. Điều kiện xuất thân không cho phép Nguyễn Huệ thông hiểu mọi ngõ ngách của Nho gia, nhưng những mảng kiến thức thu lượm được từ thực tế đều được Nguyễn Huệ thể hiện với một tư tưởng và tầm nhìn sâu rộng.

Mùa mưa gai sắc, Nguyễn Huệ được Trần Vũ xây dựng là con người có chí hướng rất sớm. Đó là khi chèo thuyền đi chơi với hai anh Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ nói: "Nước ở đầm này bao nhiêu đời không thay, vừa đục, vừa tanh, mai mốt có quyền chức, tôi sẽ cho thay nước" [94, 2]. Hay khi ba anh em trò chuyện với nhau ở lần ra Phú Xuân, trước cảnh đẹp ngà ngọc, kiêu sa ở đây, Nguyễn Nhạc ao ước: "Trên đời được làm Nguyễn Vương thì mới đáng sống" [94, 3]. Nghe vậy, Nguyễn Huệ nói: "Sống chỉ ao ước như Nguyễn Vương là một kiếp sống ngu xuẩn. Mà được như Nguyễn Vương cũng chưa phải là tất" [94, 4]. Bởi theo Nguyễn Huệ: "Giết Nguyễn thì được Nguyễn, giết Trịnh thì được Trịnh, Nam lẫn Bắc Hà mới gọi là Đế" [94, 4]. Qua cách nói của Nguyễn Huệ, ta thấy ý niệm vương đế của Nguyễn Huệ đã được nung nấu từ lúc Nguyễn Huệ mới 16 tuổi, ý niệm ấy phải được thực hiện để khỏi sống kiếp người ngu xuẩn. Nguyễn Huệ mơ ước, nhưng không đủ thật thà để nói với Nguyễn Nhạc cái người dẹp Nguyễn, diệt Trịnh, xưng Đế phải là mình.

Trong Sông Côn mùa lũ, qua những lời đối đáp giữa Nguyễn Huệ với giáo Hiến khi bàn về người nghĩa hiệp, về cái đói,… đã cho mọi người thấy tư tưởng vượt tầm của cậu học trò 15 tuổi. Đặc biệt là giáo Hiến, ông hết sức ngỡ ngàng trước tư duy vượt trội của Nguyễn Huệ. Hay qua những lời đối thoại giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, cũng cho thấy tầm nhìn có chiều sâu của Nguyễn Huệ. Xuất phát từ sự khác biệt về tính tình, hành động, quan điểm, không ít lần Nguyễn Huệ đã khiến cho người anh cả Nguyễn Nhạc phải rùng mình, lo lắng: "Vương nhận thấy cậu em trai út hai mươi lăm tuổi của mình bắt đầu có những suy nghĩ độc lập, những tham vọng riêng tư, có lối nhìn vấn đề khác mình. Nếu Lữ ngoan ngoãn, chậm chạp bước theo dấu chân của Nhạc

không cần suy nghĩ, thì Huệ muốn tự tay phát quang chọn lấy con đường cho riêng mình. Trong khi tham vọng của Nhạc chỉ là "anh hùng nhất khoảnh", "xưng đế một phương" thì Huệ có tham vọng lớn hơn, đánh đổ các tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn để thống nhất đất nước.

Còn trong Tây Sơn bi hùng truyện, ngay từ lúc còn nhỏ, Nguyễn Huệ đã đề cao việc sử dụng chữ Nôm, để khi truyền đạt cho dân chúng không cần đến người dịch nghĩa, Nguyễn Huệ nói với Nguyễn Nhạc: "Ngày sau đại huynh có làm vua nhất định phải đem chữ Nôm thay cho chữ Hán. Chứ dùng văn tự của người Tàu thì làm sao gọi là quốc tự được" [17, 34]. Tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Huệ còn ở chỗ, khi Nguyễn Thung hiến kế để Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Huệ đã can ngăn không nên xưng vương vào thời điểm này, bởi "nếu truyền hịch xưng vương ắt triều đình Phú Xuân cử đại binh vào chinh phạt thì tôi e rằng chính nghĩa của ta sẽ bị dập tắt khi còn trong trứng nước… Còn quân ta đang ở núi rừng Tây Sơn Thượng chưa có công đức gì cho bá tánh thì lấy danh nghĩa gì để xưng vương? Nếu làm thế tôi e rằng thiên hạ chỉ cho ta là phường nghịch tặc mà thôi. Ấy không phải là kế sách để thu phục lòng dân" [17, 52]. Hoặc sau khi thu phục được võ tướng Vương Đình Tú và Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Nhạc truyền mở tiệc khao quân, Nguyễn Huệ can rằng: "Việc quân chưa hoãn, xin đại huynh khoan bày yến tiệc. Trong lúc khí thế quân ta đang hăng, đại huynh nên sai tướng đuổi theo Nguyễn Khắc Tuyên chiếm hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn. Rồi thừa thắng đánh lấy đèo Thạch Tân để dựa vào thế núi hiểm yếu của đèo này chống giữ với binh triều ở mặt Bắc… Ấy là kế sách lâu dài xin đại huynh xét lại" [17, 67 - 68].

Trong Hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Huệ đã thể hiện được "tầm nhìn xa vời vợi" của mình khi lần đầu tiên gặp nữ chúa Chế Lam Kiều: "Giữa lúc chỉ có hai bàn tay trắng phải giả làm thương gia kết hợp đi chiêu mộ nhân tài tụ nghĩa, thì tuyệt nhiên không thể để lòng sớm vương vấn chuyện riêng tư. Ta hứa khi nào chí nguyện đạt thành, thì người ta yêu thương duy nhất chỉ là Chế Lam Kiều cháu ngoại của triều Lê" [32, 147]. Hay khi Ngọc Hân muốn

Nguyễn Huệ vào gặp phụ Hoàng trước lúc lâm chung, Nguyễn Huệ nói rõ: "Ta từ xa tới đây, hẳn là lòng người Bắc Hà chưa tin mấy. Ta những muốn đến bên lâm sàng thăm hỏi vua cha lắm, nhưng lỡ gặp lúc Người băng hà, hoá ra mình tự chuốc lấy tiếng hiềm khích, biết giải tỏ đến bao giờ cho xong. Tỉ như vụ Lệ Chi Viên, cũng phải đợi đến hai mươi năm sau mới có vị vua sáng minh oan cho vị anh hùng của dân tộc là Nguyễn Trãi" [33, 164 - 165]. Nghe xong, "Ngọc Hân thấu chí tầm nhìn xa vợi của chồng" [33, 165]. Đặc biệt, Nguyễn Huệ có một tư tưởng hết sức tiến bộ đó là: "Làm vua không nhất thiết phải có nhiều thê tử" [33, 267] và "Mở đầu đại nghiệp, trẫm đã có ý thức đấu tranh đem lại công bằng, thì tuyệt nhiên không thể chính mình lại ức hiếp phụ nữ. Bởi trong họ, mỗi người cũng chỉ có một trái tim cần phải nâng niu trân trọng. Tuy sự đời có diễn biến bất thường, nhưng từ trong sâu thẳm, trẫm chẳng thể không là tấm gương sáng cho mọi người noi theo" [33, 269].

Có thể nói, chính tư tưởng và tầm nhìn xa rộng là tiền đề giúp Quang Trung - Nguyễn Huệ gây dựng nên được cơ nghiệp ngày sau.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w