Ngôn ngữ bỡn cợt, mỉa ma

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 132 - 133)

Khác với những tác phẩm sau 1975 viết về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong Gió lửa Nguyễn Huệ được Nam Dao xây dựng là một con người có ngôn ngữ bỡn cợt, mỉa mai, điều mà chúng ta khó có thể bắt gặp trong các tác phẩm Mùa mưa gai sắc (Trần Vũ), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh)…

Quả đúng như lời Nam Dao miêu tả: "khi nói miệng Huệ nhếch lên vẻ diễu cợt" [20, 86], sự diễu cợt ấy của Nguyễn Huệ khiến cho người đọc có cảm giác nhân vật lịch sử này có cái gì đó vừa ngông nghênh, ngạo mạn, vừa khinh bạc, miệt thị lại vừa chất chứa một nỗi oán hờn đầy tâm sự. Ngày cưới, Huệ ngồi kiệu rồng thếp vàng, nghe được tiếng ai đó trong đám dân dã la to: "Tiếc thay cây quế giữa rừng". Huệ mím miệng, mắt quắc lên, nhưng sau lại làm như không nghe thấy. Đến chiều hôm đó, ngồi uống rượu với đám tả hữu, lúc ngà ngà say Huệ nói lớn: "Ha ha, em vua nước Tây làm rể Hoàng đế nước Nam, môn đăng hộ đối thế, hiện ở đời này đã có mấy phen?" [20, 95]. Sau đó bá vai Toàn Nhật, Huệ nói giọng hả hê: "Này chú em "rậm râu", sau này xin làm rể Tây Sơn, liệu chú em có hai mươi lạng vàng, hai trăm lạng bạc không? Ta thật ra chẳng bỏ một chinh. Ðến vũng nước đục, ra khoắng chân quậy một cái. Rồi thò tay móc lên, nào là vàng, là bạc, là châu ngọc... và sau cùng là... là

trái tim người đẹp" [20, 95]. Hoặc khi Nguyễn Nhạc muốn xưng vương, liền "kêu ầm lên là thấy rồng bay từ cửa Thị Nại vào Quy Nhơn" vì vậy đã tự mình lên ngôi, xưng là Thái Đức hoàng đế, phong cho Lữ làm Tiết Chế coi tất cả việc quân, còn Huệ thì do không nghe lời Nhạc nên chỉ được phong là Long Nhượng tướng quân. Huệ không những không bực bội, ngược lại còn có vẻ diễu cợt, "phá lên cười, tay chỉ lên mây, nói lái: "Ta nay lại thấy rồng lộn từ Quy Nhơn ra Thị Nại" [20, 100]. Và khi Nguyễn Huệ đắc thắng vì đã "hạ bệ" đựơc anh mình, Huệ nói với Nhạc: "... Xin đừng lấy nước mắt ra làm võ khí, và chớ đụng đến hai chữ cốt nhục" [20, 121] rồi căm hận khích bác: "Hai đứa con tôi, tôi mang về Phú Xuân, "vua anh" có xin Phạm Thị ở lại hầu hạ, nói một tiếng, tôi cho..." [20, 121]. Hay khi vua Lê mất, Nguyễn Huệ cảm thấy đã làm tròn đạo hiếu của người con rể, liền mỉa mai: "Ngày nay báo hiếu lại là gái, trong khi Tiên Ðế có đến hơn mười người con trai. Thế có phải là "nữ tắc môn my" không?" [20, 114] nhằm để ám chỉ những hoàng thân, quốc thích của vua Lê là những kẻ vô tích sự, bù nhìn. Rồi nói với Ngọc Hân bằng giọng cợt nhã: "Bây giờ, công chúa về nhà chồng nhé!" [20, 116].

Chính ngôn ngữ bỡn cợt, mỉa mai của Nguyễn Huệ đã góp phần đưa lại sự thành công cho tác phẩm khi Nam Dao cố tình để mọi người nhìn thấy bộ mặt của một con người bản năng, con người thường dân sau khi lột bỏ chiếc vương bào.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 132 - 133)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w