Mối liên hệ biện chứng giữa các góc nhìn

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 91 - 95)

Khi lựa chọn lịch sử làm chất liệu sáng tác, các nhà văn sau 1975 đã chịu nhiều áp lực bởi lịch sử là cái đã có và được nhiều người biết đến. Nhất là đối với một dân tộc coi trọng quá khứ như chúng ta thì lịch sử luôn là đối tượng đã ăn sâu bám rễ trong tâm trí mỗi người dân, rất khó lay chuyển. Việc đưa ra cái nhìn mới về lịch sử rất dễ làm xúc phạm đến niềm tin của nhiều người và khó được chấp nhận. Đây là một thách thức đối với các nhà văn trong không khí sáng tạo mới. Nhà văn vừa phải am hiểu lịch sử như là một sử gia lại vừa phải có phẩm chất của một người nghệ sĩ. Trước vấn đề khó khăn này không ít người đã lựa chọn cách viết an toàn, trung thành với lối viết truyền thống, tôn trọng tuyệt đối lịch sử. Họ muốn qua tác phẩm của mình tái hiện lại bức tranh lịch sử chân thực, sinh động. Nhà văn Thái Vũ khẳng định: "Khi tôi nói tôi viết tiểu thuyết lịch sử thật là tôi không viết tiểu thuyết mà tôi viết lịch sử" [93, 19]. Cách viết này không phải là không có những thành công. Chẳng hạn tiểu thuyết Vằng vặc sao khuê của Hoàng Công Khanh đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 1999. Bốn tập tiểu thuyết

về triều đại nhà Trần của Hoàng Quốc Hải được dư luận quan tâm. Nhưng công bằng mà nói, sáng tác theo hướng này các tác giả chưa đem lại cho người đọc một phát hiện bất ngờ mới mẻ nào. Vì thế, chưa thể tạo nên được sức hấp dẫn, cuốn hút người đọc vào từng trang sách. Trong khi đó các nhà văn sau 1975 đã mạnh dạn thể nghiệm những hướng sáng tác mới. Họ không quá lệ thuộc vào các tư liệu có sẵn và bị chi phối bởi chủ quan lịch sử của người đọc truyền thống mà đã sáng tạo lại lịch sử, "nhào nặn lại lịch sử" theo tinh thần hiện đại. Điều các nhà văn quan tâm ở nhận vật Quang Trung - Nguyễn Huệ không phải như những gì lịch sử đã nói mà tìm hiểu Quang Trung - Nguyễn Huệ ở hậu trường, ở những góc khuất trong cuộc đời, bổ sung cho những "khoảng trống của lịch sử". Trong sử sách, nhân vật Nguyễn Huệ được kể lại bằng tất cả niềm tôn kính, ngưỡng mộ. Còn qua Phẩm tiết, Mùa mưa gai sắc, Sông Côn mùa lũ, Gió lửa, Tây Sơn bi hùng truyện và Hoàng đế Quang Trung

các tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Nam Giao, Lê Đình Danh và Nguyễn Thu Hiền từ cái nhìn bên trong đã thấy được Nguyễn Huệ không chỉ ở dáng vẻ bề ngoài uy nghiêm, đĩnh đạc mà còn ở mặt sâu khuất, mặt tâm linh: một con người cô đơn khao khát sự hoà hợp, trân trọng cái đẹp, một con người cũng có lúc dung tục, cuồng dâm, thô bạo. Tất cả những tính cách anh hùng và đời thường ấy đã tạo nên một Quang Trung - Nguyễn Huệ chân thực, gần gũi. Lâu nay chúng ta thường bị choáng ngợp trước những kì tích lớn nên không nhìn thấy những điểm khiếm khuyết, mặt bên trong con người Nguyễn Huệ. Soi rọi vào những vùng khuất tối của lịch sử, các nhà văn đã đem đến cho chúng ta cái nhìn đầy đủ hơn về Nguyễn Huệ. Do đó, có thể khẳng định khi các tác giả xây dựng nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới hai góc nhìn sử thi và đời tư là các tác giả đã xây dựng một Quang Trung - Nguyễn Huệ trọn vẹn, đầy đủ giữa con người lịch sử và con người đời thường, hai mặt này luôn tồn tại trong một con người Quang Trung - Nguyễn Huệ, có mối quan hệ ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau để nhân

vật Quang Trung - Nguyễn Huệ đi ra từ trang sử hào hùng để bước vào trang văn một cách sống động và hấp dẫn.

Lâu nay sử sách vẫn thường nói đến vua Quang Trung trong tư cách một anh hùng áo vải bách chiến bách thắng, một con người có tài cầm quân, vào Nam ra Bắc như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Nhưng vẫn còn nhiều điều bí mật về Nguyễn Huệ mà khoa học lịch sử chưa khám phá ra hoặc chưa giải thích được ngọn ngành, thuyết phục. Vua Quang Trung là một tướng giỏi, một minh quân nhưng đồng thời ông cũng là một con người có khao khát tình yêu, khao khát chiếm lĩnh cái đẹp đích thực và cũng có lúc thô lỗ, tàn bạo. Quả thật, hình tượng Quang Trung trong các tác phẩm văn xuôi sau 1975 hoàn toàn đối lập với những gì sử sách đã kể. Nhiều người khó chịu thậm chí phản đối kịch liệt với cách xây dựng hình tượng đó nhưng họ vẫn bị lôi cuốn, thích thú bởi họ không chỉ biết đến vua Quang Trung "ở vẻ bề ngoài" mà còn biết đến vua Quang Trung ở "bề sâu, bề xa", một vua Quang Trung rất người mang đầy đủ những ham muốn đời thường.

Sự kết hợp tài tình giữa bút pháp sử thi với nghệ thuật hư cấu đã sáng tạo nên hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ độc đáo, vừa chân thực hào hùng, vừa gần gũi thân quen. Với góc nhìn sử thi các nhà văn đã làm nên khí thế của lịch sử với những chiến công vĩ đại của đội quân áo vải, đã chiến đấu từ những ngày còn khó khăn gian khổ đến khi gây dựng được thanh thế,… để từ đó góp phần thể hiện tầm vóc thời đại qua tác phẩm của mình. Phản ánh lịch sử ở những miền sâu khuất, các tác giả đã cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về Quang Trung - Nguyễn Huệ. Lúc này, người anh hùng áo vải hiện lên với tất cả những gì như nó vốn có, sống động và chân thực. Đúng như quan điểm của tác giả Nguyễn Mộng Giác: "Lâu nay người ta xem Nguyễn Huệ là một võ tướng tài ba, một anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, nói chung chú trọng thiên tài quân sự của ông, ít ai quan tâm đến khía cạnh khác như Nguyễn Huệ ở tư cách một nhà chính trị, ở tư cách một con người đời thường trong gia đình, trong giao tiếp với kẻ thân người sơ, kẻ hiền

người dữ. Tôi muốn tái hiện Nguyễn Huệ như một con người trọn vẹn, vừa là nhân vật lịch sử, vừa là con người thế sự, và cố làm sao để cả yếu tố lịch sử lẫn yếu tố thế sự hòa quyện vào nhau" [26, 9]. Với quan điểm này, khi xây dựng nhân vật Nguyễn Huệ trong tác phẩm Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác đã biết cách phối hợp, điều hòa giữa chất lịch sử và chất hư cấu. Hay nói cách khác, tác giả đã trung hòa giữa lịch sử và thế sự. Ở nhân vật Nguyễn Huệ, Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng như một con người trọn vẹn, vừa có chất lịch sử, vừa là con người của thế sự đời tư.

Chúng tôi cho rằng thành công của các tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Lê Đình Danh, Nguyễn Thu Hiền… là đã xây dựng Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới hai góc nhìn sử thi và đời thường để không những tái hiện được cốt cách, thần thái, tài năng của người anh hùng mà còn cho thấy đằng sau lớp chiến bào của võ tướng là một Nguyễn Huệ cũng có những vui buồn thường tình, cũng đau khổ trong tình yêu, hạnh phúc và cũng có những đam mê dục vọng đầy bản năng, và sau những ánh hào quang sáng chói là một nỗi cô đơn, yếu đuối đến khôn cùng. Vì thế, người đọc dễ dàng nhận thấy hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ trong văn xuôi sau 1975 sinh động và có chiều sâu hơn Quang Trung - Nguyễn Huệ từng được biết trong lịch sử.

Tiểu kết

Toàn bộ những gì chúng tôi đã trình bày ở chương 2 là kết quả của việc tìm hiểu hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ từ cái nhìn của các sử gia đến cái nhìn của các nhà văn. Nếu như trong con mắt của các nhà viết sử, Quang Trung - Nguyễn Huệ là một bậc minh quân tài đức vẹn toàn, từ lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao đến các lĩnh vực văn hoá - xã hội - kinh tế đều được Nguyễn Huệ quan tâm và giải quyết vẹn toàn, thấu đáo thì trong con mắt của các nhà văn, Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ là một người có dung mạo phi phàm, ngôn ngữ sắc sảo, quyết đoán, có tài thao lược hơn người, có tư tưởng và tầm nhìn sâu rộng với chiến thuật dùng người và sách lược xây dựng

đất nước hết sức tiến bộ mà Nguyễn Huệ còn là người có tình cảm chân thành, có khát vọng tình yêu mãnh liệt, có cái tôi thường tình với một bản năng dục vọng thấp hèn nhưng cũng chất chứa sự cô đơn, yếu đuối. Có sự tương đồng và khác biệt ấy là bởi các nhà văn khi xây dựng nhân vật Nguyễn Huệ không chỉ dừng lại ở góc nhìn sử thi mà còn đào sâu, tìm hiểu bản chất người anh hùng ở góc nhìn đời tư, đời thường. Bằng sức mạnh của nghệ thuật văn chương, bằng cảm quan hiện đại, thể hiện tinh thần đối thoại với lịch sử, các nhà văn đã "phục sinh" nhân vật Nguyễn Huệ dưới bàn tay sáng tạo của mình giúp chúng ta có được cái nhìn đa chiều về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ, biết được nhiều điều lí thú hơn khi khoa học lịch sử còn bỏ ngỏ.

Chương 3

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 91 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w