Lấy hình tượng Quang Trung Nguyễn Huệ làm chất liệu sáng tác,

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 137 - 138)

các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Lê Đình Danh, Nguyễn Thu Hiền… đã không chịu làm một kẻ "nô bộc" cho lịch sử. Họ đã cố gắng bứt phá khỏi cái khung truyền thống và những chế định ngặt nghèo, gắn văn chương với chính trị, kìm hãm mọi sự tự do của sáng tạo để từ đó ý thức sâu sắc hơn về ngòi bút của mình. Vì vậy, hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ trong các tác phẩm Kiếm sắc, Phẩm tiết, Mùa mưa gai sắc, Sông Côn mùa lũ, Gió lửa, Tây Sơn bi hùng truyện, Hoàng đế Quang Trung… đã thoát khỏi sự trung thành tuyệt đối với chính sử, đem đến những quan niệm mới mẻ, hiện đại hơn về nhân vật người anh hùng rạng danh sử sách dân tộc. Các tác giả đã không ngần ngại đi vào những vùng khuất tối, gai góc của đời sống, quan tâm tới những vấn đề phức tạp đang còn nhiều tranh cãi để tiếp cận, khám phá những bí ẩn trong con người vị hoàng đế tài ba. Với các tác phẩm trên, Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ được đánh giá, phán xét trong mối quan hệ với cộng đồng, với lịch sử mà còn được nhìn nhận trong mối quan hệ đầy tình người với những vui buồn, khắc khoải, khát vọng rất nội tâm. Do đó, Quang Trung - Nguyễn Huệ không chỉ là con người hành động vì lẽ hưng thịnh của đất nước mà còn là con người của bản năng, dục vọng, của cái tôi rất đời thường. Sự sáng tạo của các tác giả chính là ở chỗ họ không phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá của các nhà sử học mà soi chiếu nhân vật Nguyễn Huệ từ hai góc nhìn sử thi và đời tư. Từ đó, người đọc được diện kiến Quang Trung - Nguyễn Huệ ở những khía cạnh khác nhau trên hai phương diện con người anh hùng và con người đời thường, nhưng hình ảnh đời thường được khai thác đậm nét hơn. Nhờ vậy chúng ta thấy các truyện ngắn, tiểu thuyết viết về hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ có sự tập trung, đi sâu phản ánh những bi kịch cá nhân. Tất cả xuất phát từ nỗi bi cảm của kiếp người, về thân phận con người trước dòng chảy lịch sử cho dù đó là con người bình thường

hay những con người làm nên lịch sử. Điều này dẫn đến một triết lí: đằng sau tấm huy chương lấp lánh và có phần hào nhoáng kia là vật vã bao nỗi đau riêng, đồng thời nó cũng cho thấy sự nỗ lực đem đến cái nhìn trọn vẹn hơn, chân thực hơn và cũng nhân bản hơn khi tiếp cận lịch sử.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 137 - 138)