Một cái tôi chân thành

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 72 - 75)

Nếu ở tư cách là vị tướng cầm quân ra trận Nguyễn Huệ hiện lên là một con người quyết đoán, lạnh lùng thì trong các mối quan hệ có tính chất đời thường, Nguyễn Huệ bộc lộ rõ là một con người giàu tình cảm. Qua Thế trận Linh Xà (Trần Hạ Tháp), Mùa mưa gai sắc (Trần Vũ), Sông Côn mùa lũ

(Nguyễn Mộng Giác), Gió lửa (Nam Dao), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh), Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Thu Hiền) chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Khai thác Nguyễn Huệ từ góc nhìn đời tư, Nguyễn Mộng Giác đã cho chúng ta thấy Nguyễn Huệ là một con người giàu tình nghĩa trong các mối quan hệ đời thường. Trong Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Huệ xuất hiện trong các tư cách khác nhau (người em, người học trò, người bạn cũ, người chồng) và ở quan hệ nào Nguyễn Huệ cũng bộc lộ là một con người tinh tế có tình nghĩa sâu nặng.

Cuộc đời niên thiếu của người anh hùng Nguyễn Huệ gắn bó sâu sắc với các thành viên của gia đình giáo Hiến. Từ những ngày theo học với thầy ở An Thái, Huệ đã xem như đây là gia đình thứ hai của mình. Sau này khi chiến

tranh loạn lạc, mỗi người có một số phận riêng nhưng lúc nào Huệ cũng dành một sự quan tâm rất lớn đối với Chinh, Kiên, Lãng, Lợi (chồng An) và nhất là với An. Huệ yêu thương, cưu mang, bao bọc Lãng như tình cảm của một người anh, người bạn và cả trách nhiệm mà người thầy đáng kính của mình đã gửi gắm. Trước cái chết của Chinh, "Huệ tự an ủi là đã phần nào thực hiện được lời căn dặn của thầy. Ông gặp Chinh quá trễ, nhưng dù sao ông cũng đã cứu Chinh khỏi đống bùn nhơ của phản bội, biến cái chết tủi nhục của Chinh thành một huyền thoại. Ông đã đền ơn thầy bằng cách đưa Chinh trở lại hàng ngũ vinh quang của bè bạn, giải thoát cho Chinh khỏi cái chết dấm dúi lấm láp để đưa vào sự sống vĩnh cửu" [27, 650], tạo cho Chinh một sự hi sinh anh dũng để không ai có thể dị nghị, dèm pha về gia đình thầy.

Đặc biệt, trong quan hệ thầy trò dù có nhiều bất đồng quan điểm nhưng với Nguyễn Huệ, thầy vẫn là thầy. Huệ luôn kính trọng thầy kể cả khi thầy bị thất sủng. Khi thầy ốm, Huệ mời ngự y đến bắt mạch, bốc thuốc cho thầy. Huệ luôn quan tâm, hỏi chuyện Lãng về tình hình sức khỏe của thầy. Lúc thầy qua đời, Huệ vừa đi xa về, mặc đồ trận còn lấm bụi đã tiến thẳng đến phía thầy nằm. "Ông xúc động đến nghẹn ngào trước thân thể ốm biến dạng đến nỗi khó mà nhận ra ông thầy thân yêu quắc thước ngày xưa. Đứng lặng một lúc lâu, đột nhiên ông quỳ xuống bên giường thầy, hai tay nắm lấy hai bàn tay lạnh cóng của ông giáo. Tuy đôi mắt người chết đã khép, nhưng ông cảm giác phía sau cánh cửa huyền bí vĩnh viễn đóng ập. Với sự sống ấy, thầy ông vẫn nhìn ông với đôi mắt nửa trìu mến nửa trách móc. Không tự chủ được, ông gục mặt xuống giường người chết, nghẹn lời chỉ thốt được có mỗi một tiếng: Thầy" [27, 730 - 731]. Thầy Hiến mất đi khi tất cả mọi người đang xa lánh gia đình thầy vì Chinh - con trai cả của thầy phản bội, cho nên không ai dám tới phúng viếng. Đến Nguyễn Nhạc cũng chỉ gửi một viên quan bộ lễ đến chia buồn với anh em Kiên, không có đồ phúng điếu gì. Thế nhưng, trong đám tang của ông giáo, người ta vẫn thấy "sau linh xa, bước chậm sau lưng các con cháu người đã khuất còn có một vị tướng trẻ tuổi, khuôn mặt quắc thước, có đôi mắt

buồn... vị tướng trẻ đó là Nguyễn Huệ" [27, 732]. Trong một hoàn cảnh nhạy cảm, lại ở một vị trí như Nguyễn Huệ nhưng ông vẫn vượt lên tất cả để bày tỏ tình cảm tôn kính của mình với người thầy. Điều đó càng khiến cho hình ảnh về vị tướng trẻ trở nên đẹp hơn trong lòng mỗi chúng ta.

Trong quan hệ với anh cả Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cũng thể hiện là một con người nặng tình. Trước tình cảm ruột thịt này, ta luôn thấy Nguyễn Huệ phải chịu một bi kịch lớn. Bi kịch đầu tiên khi ông chấp nhận theo sự sắp xếp của anh trai, làm một ván bài chính trị trong cuộc tình duyên của mình. Bi kịch thứ hai là bi kịch của một khát vọng dở dang, đó là Nguyễn Huệ không thể đưa quân đánh anh mình. Trước nỗi băn khoăn rối bời, day dứt, xót xa, Nguyễn Huệ đã quyết định dừng lại, bởi làm sao được ngoài khối óc ông còn có trái tim nhạy cảm. Ước vọng thống nhất đành chịu dang dở, Nguyễn Huệ không thể "kiên gan" hành động trước tình máu mủ ruột rà. Ở Nguyễn Huệ, ngoài vị tướng tài ba kiệt xuất, ông còn là một người em có tình cảm chân thành dành cho anh trai của mình.

Hay trong Thế trận Linh Xà của Trần Hạ Tháp, Nguyễn Huệ cũng nghĩ và nhớ về những lời răn dạy của thầy: "Thầy ta từng dạy bảo. Ít đức thì vị tất người trí đã theo về. Còn kém tài sao thu phục kẻ dũng? Kế an dân ở đó! Chỉ tiếc rằng người sớm vân du như hạc nội mây ngàn. Bao giờ lại được nghe lời giáo huấn?" [73, 5] và Nguyễn Huệ luôn có cảm nhận: "Tuy lánh mặt nhưng thầy vẫn sống giữa lòng dân. Người âm thầm giám sát, giúp đỡ, thử thách ta" [73, 9].

Còn trong Tây Sơn bi hùng truyện, tình cảm chân thành của anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ cũng được Lê Đình Danh miêu tả rất rõ: "Nguyễn Huệ cũng ứa nước mắt bước đến cầm tay anh rằng: Phụ thân chẳng may mất sớm. Ơn dưỡng dục của đại huynh ví như trời biển. Xét theo đạo nhà là quyền huynh thế phụ, xét theo phép nước là nghĩa chúa tôi. Đại huynh dạy bảo thế nào em nhất tuân theo" [17, 69]. Hay khi Trần Văn Kỷ khuyên Nguyễn Huệ bất tuân thánh chỉ ở lại Phú Xuân không về Quy Nhơn phục mệnh Nguyễn

Nhạc, để thống nhất sơn hà, định yên xã tắc, Nguyễn Huệ đã nói: "Nếu về Quy Nhơn thì xót thương Lê ở Bắc Hà, đem quân Bắc tiến thì mắc tội với anh. Anh thay cha nuôi dạy ta từ nhỏ, nay ta phải phụ anh lòng ta sao nỡ" [17, 404]. Sau đó "Nguyễn Huệ quay mặt về hướng thành Quy Nhơn lạy ba lạy như thầm rằng: Nếu Hoàng huynh có bắt tội, nếu em Huệ này phụ lòng Hoàng huynh ấy bởi vì quốc gia dân tộc phải làm điều bất đắc dĩ mà thôi" [17, 408]. Trong tác phẩm này, ngoài tình anh em, Nguyễn Huệ còn có một thứ tình cảm hết sức chân thành với binh lính. Khi quân Nguyễn thua chạy, Nguyễn Huệ lệnh cho quân không được đuổi theo và khi thấy quân Nguyễn nằm la liệt, Nguyễn Huệ ngậm ngùi nói: "Giữa trận chiến phải hết lòng hết sức giết giặc để giành chiến thắng, giữ mạng sống cho mình ấy là điều tự nhiên của lẽ sinh tồn. Nhưng nếu thế không bị buộc thì đừng nên sát hại sinh linh" [17, 89 - 90].

Ngoài tình thầy trò, tình anh em, bè bạn,… Nguyễn Huệ còn được tác giả Nguyễn Thu Hiền miêu tả là người rất đỗi quan tâm tới con cái. Chinh chiến về, Nguyễn Huệ thường gọi Quang Toản ra để đùa giỡn với con: "Nguyễn Huệ xốc con lên tay, trao cho một tình thương tràn trề, rồi buông ra nô đùa cùng đứa bé hết đỗi tình cảm và rất bình dị" [33, 117 - 118].

Chính tấm lòng chân thành của Nguyễn Huệ đã giúp ông thu phục được nhân tâm và giành được những thắng lợi trong công cuộc gây dựng sự nghiệp.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 72 - 75)