Một cái tôi thường tình

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 78 - 81)

Nguyễn Huy Thiệp được coi là nhà văn đầu tiên mạnh dạn mở một lối đi mới trong văn xuôi viết về đề tài lịch sử mà các tác giả sau ít nhiều đều chịu ảnh hưởng. Không tái hiện toàn bộ cuộc đời người anh hùng bằng một cuốn tiểu thuyết quy mô như một số nhà văn khác đã làm, mà chỉ tái hiện qua một "khoảnh khắc truyện ngắn". Ngay từ khi mới ra đời, Phẩm tiết đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía người đọc bởi từ lời nói đến hành động của Quang Trung - Nguyễn Huệ đều cho thấy sự "tầm thường" như ăn nói tuỳ tiện, hách dịch… điều mà chúng ta có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Đó là khi: "ăn uống xong, nhân vui vẻ, vua Quang Trung hỏi thức ăn có vừa miệng không, Khải đang say, dại miệng nói rằng: Ngon thì ngon nhưng chưa biết nấu, hơi ghê ghê, có vị lợm" [75, 160]. Vua Quang Trung nghe xong chỉ "cười nhạt, không nói năng gì" [75, 160]. Cơn giận dữ chỉ lên đến đỉnh điểm khi: "Khách dự tiệc lần lượt cho dâng vào các lễ vật mừng, đủ đồ ngọc ngà châu báu, sơn hào hải vị rất lạ. Vua Quang Trung đứng xem, trầm trồ thán phục. Đến lượt Khải, Khải cho đầy tớ khênh vào ba cái rương to, mở ra thấy đồ vàng bạc toàn đồ giả, vải lụa bị cắt ra từng mảnh vụn nhỏ. Khải thất sắc, mọi người có mặt thảy kinh hoàng. Vua Quang Trung giận lắm, mắng rằng: Thằng Khải kia, tài

bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm, tưởng xênh xang ư?" [75, 160]. Những lời lẽ tục tằn, hằn học của vua Quang Trung dành cho Ngô Khải khiến chúng ta khó có thể tin rằng đây là những lời nói được thốt ra từ miệng của một vị hoàng đế.

Đặc biệt, khi gặp Vinh Hoa - một người con gái "xinh đẹp lạ lùng" mà trước đó tướng của Tây Sơn là Đặng Tiến Đông nhìn thấy đã "đánh rơi cả kiếm", Nguyễn Huệ "thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay" [75, 161]. Sau đó, nghe tin Khải hổ thẹn đã treo cổ tự vẫn, vua Quang Trung thương xót, hối lại thì đã muộn "đang đêm, xoã tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất" [75, 161 - 162]. Những hành động này của vua Quang Trung làm cho mọi người không những không tin đây là hành động của một vị vua lừng lẫy mà còn đánh giá Nguyễn Huy Thiệp đã làm cho diện mạo lịch sử méo mó đi, hay nói như tác giả Nguyễn Thuý Ái: "viết như thế cũng là một cách bắn súng vào quá khứ…đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng tới lịch sử và người đọc" [1, 12]. Cùng chung sự phê phán này, tác giả Nguyễn Văn Lưu cũng cho rằng: "Sự vay mượn của Nguyễn Huy Thiệp không nghiêm túc, thậm chí quá trớn, đối đãi với lịch sử như một trò đùa" [52, 21].

Tuy nhiên, cái tài của Nguyễn Huy Thiệp là không hoàn toàn xây dựng vua Quang Trung "phản cảm", mà đằng sau những lời thô lỗ, tục tằn, những hành động như một dân thường vẫn có cái đạo mạo của một vị hoàng đế ẩn khuất, đứng lấp phía sau. Đó là sau khi Khải chết, vua Quang Trung cho mở kho lấy một đấu vàng để Vinh Hoa trả đạo hiếu, và nói với Trần Văn Kỷ: "Ta nóng nảy đã đành, ta có lý của ta. Còn cái lũ nhà giàu khốn nạn, chỉ biết mỗi thân mình, Khải bị hạn, sao không có đưa nào đứng ra kêu hộ một tiếng?" [75, 162]. Và hỏi Kỷ: "Khải khôn khéo thế, bình sinh cẩn thận, sao sơ xuất đến nỗi bị tên đầy tớ kia lừa?" [75, 162]. Với những chi tiết này, người đọc được diện

kiến một Nguyễn Huệ đầy đặn hơn, nhiều góc cạnh hơn do đó hình tượng Nguyễn Huệ trở nên đa dạng hơn. Chính vì vậy, không thể nói Nguyễn Huy Thiệp đã "đặt điều", sỉ nhục Nguyễn Huệ. Sở dĩ xuất hiện trước mắt người đọc một Nguyễn Huệ "lạ" như vậy vì tác giả muốn đổi mới cách viết mang lại sức hấp dẫn cho nghệ thuật văn chương. Theo Nguyễn Huy Thiệp: "Không biết cái tầm thường thì người ta không bao giờ biết đến cái vĩ đại". Do đó, Nguyễn Huy Thiệp muốn người đọc nhận ra cái vĩ đại của Nguyễn Huệ từ những cái tầm thường qua khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của người anh hùng. Hơn nữa, suy cho cùng Nguyễn Huy Thiệp không hạ bệ thần tượng, không bôi nhọ lịch sử mà ông "mượn" lịch sử để cắt nghĩa hiện thực. Với cái nhìn ấy, mỗi thời đại khác nhau, hiện thực khác nhau thì có một Nguyễn Huệ khác nhau. Tuy nhiên, người đọc chưa quen với "thực đơn" ấy nên dễ dị ứng với món ăn tinh thần này.

Hay trong Sông Côn mùa lũ, cái tôi thường tình của Nguyễn Huệ cũng được Nguyễn Mộng Giác thể hiện khá rõ. Đó là sự mâu thuẫn giữa con người với quyền lực. Quyền lực đòi hỏi con người phải biết ác, biết ác để sống cho mạnh mẽ, vì quyền lực ở trong tay những kẻ mạnh. Ta có thể thấy rõ điều này qua quan hệ giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Với Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc vừa là người anh nhưng đồng thời cũng là một người cha có công nuôi nấng, dạy dỗ, chỉ bảo Nguyễn Huệ nên người. Chính Nguyễn Nhạc là người đã gây dựng cho Nguyễn Huệ từng bước vững chãi trên con đường công danh, sự nghiệp. Nhưng khi nắm giữ quyền lực trong tay thì tình anh em cũng bị tàn sát. Nguyễn Huệ đã dám đương đầu với anh, xem anh như kẻ thù, như loài "sài lang, cẩu trệ", bắn đại bác vào Hoàng đế thành cắt đứt tình nghĩa anh em. Rồi vào Nam giết Nguyễn Phúc Dương, ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, hai chàng rể của Nguyễn Nhạc.

Còn trong Hoàng đế Quang Trung, cái tôi thường tình của Nguyễn Huệ được miêu tả hết sức mộc mạc. Nguyễn Huệ nhận ra cái đẹp của người phụ nữ một cách suồng sã: "Ô kìa! Nàng đứng đầu đội quân nữ là ai mà đẹp tựa hằng

nga giáng thế?... Tên đẹp, người còn đẹp hơn!" [32, 135]. Và cũng có những giây phút "cầm tay cười đề huề" với Lam Kiều, "cũng tu rượu, xé gà luộc chấm muối vui vẻ tự nhiên" [32, 204] với các già làng. Đặc biệt, trong Hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Huệ đã có những cử chỉ, lời nói hết sức thường tình, mới mẻ, có cảm giác như Nguyễn Huệ đang sống ở giữa thế kỉ XXI chứ không phải là một vị hoàng đế năm xưa: "Anh sẽ lấy tấm thân trọng đại này làm niềm tin có được không?" [32, 173] hay "Nhớ cô em vô cùng" [32, 206] hoặc: "Hãy cố gắng vượt qua tất cả để chờ ngày vui em nhé" [32, 209] và "Hãy vững vàng em nhé! Hãy tin rằng, điều tốt lành sẽ đến với tình yêu của đôi ta. Đúng không nào, cười lên đi cô em yêu quý của tôi" [32, 360].

Với một cái tôi thường tình có phần dân dã, Nguyễn Huệ hiện ra trước mắt người đọc không phải ở tư cách một đấng quân vương mà là một người anh hùng áo vải của quần chúng nhân dân như chính nguồn gốc xuất thân của vị hoàng đế tài ba này.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 78 - 81)