Tài thao lược hơn ngườ

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 62 - 65)

Có thể nói, dấu ấn đem lại sự ngưỡng mộ và lòng cảm phục của độc giả khi đọc các tác phẩm viết về Nguyễn Huệ chính là những trang văn miêu tả tài cầm quân với những mưu lược hơn người của vị anh hùng tài ba, lỗi lạc này.

Trong Tây Sơn bi hùng truyện, Lê Đình Danh đã miêu tả Nguyễn Huệ là

một con người "có tài thao lược, dụng binh tính toán hơn người" [17, 68], một vị tướng bách chiến bách thắng. Điều này được thể hiện khá rõ trong nhiều phân đoạn của tác phẩm, đó là khi Nguyễn Huệ bày trận thuỷ hoả, diệu kế dụng binh đánh quân của Tôn Thất Hương ở phía Nam sông Lạc Dương bằng một cây sắt vừa vặn tay cầm, dài chừng hai thước, Nguyễn Huệ đã phân tích: "Đây là cái ống bằng đồng, rỗng ở bên trong, có hai khoen dùng để gắn một cây đuốc ở ngay miệng ống. Trong ống đựng đầy một thứ nhựa cây, khi ra trận chỉ cần cầm ống này vung về phía địch, nhựa trong ống văng ra, gặp lửa ở miệng ống lập tức bốc cháy. Giặc bị bỏng tất phải quăng gươm mà chạy. Thứ

nhựa cây này văng đâu dính đó, phủi không rơi, dập không tắt, sức nóng vô cùng, tôi cùng ba quân gọi là hoả hổ" [17, 85 - 86]. Mưu kế này của Nguyễn Huệ khiến cha con Tôn Thất Hương đã phải bỏ mạng. Hoặc mưu kế giả hoà của Nguyễn Huệ đã giết chết được tên Tống Phước Hiệp, chiếm được Phú Yên. Tài mưu lược của Nguyễn Huệ chính là ở chỗ "lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh" biết thu phục lòng người, biết lợi dụng địa hình, mượn sức mạnh tự nhiên chống giặc. Tác giả Lê Đình Danh dành nhiều trang viết để nói về tài năng Nguyễn Huệ trong việc dùng binh. Là một vị tướng, Nguyễn Huệ biết gạt tình riêng để mưu cầu nghiệp lớn, khi nghe tin Nguyễn Lữ mất vì trúng kế li gián của Nguyễn Phúc Ánh, Nguyễn Huệ tuy có đau lòng nhưng không vào Gia Định, bởi Nguyễn Huệ xem trọng việc dốc sức đánh quân Thanh hơn là đi trả thù cho em mình: "Nguyễn Lữ là em ruột của ta, ta không đau lòng sao được. Nhưng thù nhà là việc phụ, nước dân là việc chính. Giặc Thanh rất đông mạnh. Nước ta nhỏ phải địch nước lớn gấp mười lần, quân ta ít phải cự với giặc nhiều. Quân đã ít không đủ để chống giặc còn cứu được ai" [17, 539]. Nguyễn Huệ được xây dựng không chỉ là người am hiểu binh pháp mà còn tỏ ra "trên thông thiên văn dưới tường địa lí", biết đón đúng thời điểm thuận lợi nhất để lợi dụng sức nước, sức gió cùng tham gia chiến trận. Vì thế, cứ có Nguyễn Huệ cầm quân thì trận nào cũng chắc thắng. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người biết lo cho dân cho nước, không màng đến danh lợi, khi các tướng sĩ muốn Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế an lòng trăm họ, sau đó mới đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ đáp: " Nay nhà Tây Sơn ta đã có hoàng huynh là vua Thái Đức, ta lại lên làm vua nữa hoá ra ta là kẻ háo danh và nước ta lại có hai vua là việc xưa nay chưa từng có. Vì vậy ta không thể nào lên ngôi được" [17, 558 - 559]. Qua đó, người đọc nhận thấy Quang Trung - Nguyễn Huệ là một người "tâm thì hoà, thần thì minh và tính thì dũng" [17, 604] như

lời thán phục của vua Càn Long khi đọc tờ biểu bãi lệ cống người vàng và biểu tấu cầu hoà của Nguyễn Huệ: "Ta đã từng ngao du bốn cõi kết giao hào kiệt mười phương chưa từng gặp người nào anh hùng như Nguyễn Huệ cả"

[17, 608] hay qua lời của Nguyễn Phúc Ánh: "Trăm vạn quân Tây Sơn ta không ngại, chỉ ngại có mình Nguyễn Huệ mà thôi" [17, 636]. Hoặc qua lời của Nguyễn Thiếp: "Vua Quang Trung là người nhìn xa trông rộng, yêu nước thương dân, lo toan chính sự, chuyên tâm cải cách" [17, 641]. Tuy nhiên, tác phẩm Tây Sơn bi hùng truyện lại chưa đề cập đến yếu tố tâm lí, đời tư nên hình tượng Nguyễn Huệ chưa thật sự sâu sắc, sinh động.

Trong Sông Côn mùa lũ, trận đại phá quân Thanh tuy không được miêu tả chi tiết cụ thể nhưng Nguyễn Mộng Giác cũng làm nổi bật một Nguyễn Huệ am hiểu binh pháp, rất chủ động và quyết đoán. Dưới cái nhìn tiểu thuyết, khi đề cập đến trận đánh lịch sử ấy, Nguyễn Mộng Giác đã tái hiện hình ảnh Nguyễn Huệ sinh động hơn nhưng vẫn giữ được tính chất thần tượng trong tâm thức của bao thế hệ người Việt. Qua cái nhìn của Lãng - người thư ký trung thành của Nguyễn Huệ, hình ảnh người anh hùng càng hiện lên một cách chân thực: "Mặc áo bào đỏ, tự mình buộc khăn vàng vào cổ để tỏ ý quyết chiến. Đích thân cưỡi voi chỉ huy. Đoàn voi chiến hơn trăm con do hoàng thượng dẫn đầu ào ạt xông trận... Dân kinh thành đổ ra đường cười nói hớn hở, chen nhau, đẩy nhau, tìm lối thật gần các hàng quân để nhìn cho rõ. Nhiều tiếng xì xào: "Nhà vua ở đâu? Nhà vua ở đâu?" [28, 1378], mọi người dớn dác nhìn quanh nhưng không tìm được nhà vua theo lời mô tả “vì chiếc áo bào màu đỏ đã đen sạm màu thuốc súng" [28, 1378].

Tài thao lược của Nguyễn Huệ cũng được Nguyễn Thu Hiền khai thác khá hấp dẫn trong Hoàng đế Quang Trung. Đó là khi thấy đàn ngựa trời trong rừng, Nguyễn Huệ đã tìm cách thu phục, bởi nếu đưa được đàn ngựa hoang về sơn trại thì "chẳng những nâng uy danh của mình lên, mà còn quyết định thắng lợi mở đầu cho công tác thu phục lòng dân sắp tới" [32, 205]. Với ý chí, quyết tâm của mình, Nguyễn Huệ đã dụ được đàn ngựa hoang về luyện tập thành đội kị binh hùng mạnh. Ngoài việc thu phục đàn ngựa, Nguyễn Huệ còn thể hiện là một con người tài năng trên mọi mặt: chỉ huy luyện tập binh lính (kỵ binh, thủ quân), xây dựng căn cứ trại, rèn dũa sắt thép, làm pháo, làm mộc để có

những vũ khí tối tân như đoản đao, dao găm, đao quắm sắc nhọn cán dài,… đồng thời tạo ra chất nổ, làm nhiều hoả lô. Là một thủ lĩnh anh hùng, Nguyễn Huệ không bao giờ dùng những chiêu bài lọc lõi, những kế mưu thâm hiểm như Nguyễn Nhạc. Cho nên khi Nguyễn Nhạc quyết định gả con gái Thọ Hương cho Phúc Dương (bề tôi của chúa Trịnh) thì Nguyễn Huệ can gián: "Một ngày nào đó, tư tưởng phò Đông cung triệt tiêu, thì chuyện lòng của con gái mình tính sao? Thọ Hương sẽ chạy theo kẻ đối địch với phụ thân mình, hay đoạn tuyệt chồng? Đằng nào cũng không kém phần khó xử! Sao anh nỡ đẩy con gái mình, một tâm hồn vô tư trong sáng, vào cảnh tình éo le phức tạp như vậy" [32, 345] và không đồng tình với kế mĩ nhân của Nguyễn Nhạc: "Kế mĩ nhân ư? Kế đó cũ rồi! Ta đang đấu tranh đem lại công bằng cho muôn dân, thì sao lại để phái yếu che chở cho ta chứ? Đó là một lẽ! Còn trong tình huống này cần chi phải dụng kế mĩ nhân, mà đó là sự tự nguyện… khi đã phạm đến con tim yêu của cháu, thì hậu quả không dễ đo lường đâu anh!" [32, 346].

Với tài thao lược hơn người khi bài binh bố trận, khi cầm quân đi đánh giặc, Nguyễn Huệ đã chứng tỏ cho mọi người thấy tài năng của mình trên lĩnh vực quân sự, và tài năng này đã giúp Nguyễn Huệ chiến thắng quân Xiêm, quân Thanh và tiêu diệt bè lũ phản trắc để lên ngôi hoàng đế.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 62 - 65)