Sách lược xây dựng đất nước

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 72)

Sau những chiến thắng vang dội, Nguyễn Huệ được ba quân tướng lĩnh ủng hộ xưng vương. Việc đầu tiên khi lên làm vua là Nguyễn Huệ đề ra những sách lược xây dựng đất nước. Những sách lược này được các tác giả chú trọng khai thác, dù mỗi tác giả có cách khai thác khác nhau nhưng đều không ngoài mục đích ca ngợi cái đức, cái tài, cái tâm của Nguyễn Huệ đối với nhân dân.

Trong Sông Côn mùa lũ, khi lên ngôi hoàng đế, có điều kiện thực thi những ước mơ một thời của mình, vua Quang Trung đã có những chiến lược xây dựng đất nước riêng. Sau khi dẹp tan quân Thanh, Nguyễn Huệ ra lệnh: "Hỡi các thần dân! Các ngươi đều phải trông lên thể theo đức ý của Trẫm, về nơi quê quán, chăm sóc ruộng vườn. Đừng lười biếng làm hại sinh kế, đừng trốn tránh, giấu giếm để mắc tội lỗi" [28, 1413]. Chiếu Khuyến nông được ban ra một cách kịp thời vừa giải quyết được cái đói cho dân, vừa lập lại ổn định xã hội và cũng là kế sách lâu dài làm cho dân giàu nước mạnh. Chiếu yêu cầu tất cả những người dân kiều ngụ cư dưới ba đời phải trở về quê gốc làm ăn. Điều đó đã khuyến khích được tăng gia sản xuất và tạo ra sự công bằng: "Kẻ đổ mồ hôi trên luống cày phải có bát cơm ăn, kẻ du thủ du thực chuyên lừa gạt, trộm cướp phải bị quét sạch" [28, 1413].

Hoàng đế Quang Trung, sau mùa xuân đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung không ngồi yên hưởng lạc mà trăn trở với những sách lược quan trọng để xây dựng đất nước: "Sau chiến tranh loạn lạc liên miên, kinh tế sa sút, nhân dân còn mệt mỏi, kỷ cương của một triều đình sơ khai chưa có quy cũ. Đã thế, Nguyễn Ánh còn quay lại đánh chiếm Gia Định và bắt đầu tiến dần ra thành Hoàng đế. Đằng sau Ánh là cả thế lực thù địch trong nước, chắc chắn sẽ thừa cơ hội ngóc đầu dậy chống phá. Thêm nữa, phương Tây cũng đang tranh giành thuộc địa, thì chẳng thể không nhòm ngó vào một triều đại vừa hình thành. Một cây cột không thể chống đỡ ngôi nhà cả, mưu lược một người

không thể xoay trở cả khối công việc của một nhà nước sơ khai non trẻ" [33, 263] do đó Nguyễn Huệ đã triệu Ngô Thì Nhậm vào bàn kế xây dựng đất nước. Và việc đầu tiên là phải động viên nhắc nhở dân chúng chung lòng xây dựng vương triều, tiếp đến là quy hợp được hết các hiền tài chung lo việc nước, sau đó duy trì tuyển binh luyện tập phòng dịch, chăm lo phát triển kinh tế, đề cao tín ngưỡng, chú trọng việc bồi dưỡng nhân tâm con người, mỗi phủ được xây dựng một ngôi chùa. Về quân sự, Nguyễn Huệ định ra chế độ mộ binh phòng dịch. Quy định thanh niên từ mười tám đến ba nhăm gọi là tráng - hạng đều phải đi lính, vấn đề quốc khố được Nguyễn Huệ quan tâm hàng đầu, khuyến khích mở rộng giao thương ra các nước láng giềng, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chú trọng. Sau chiến tranh dân số giảm sút, vua Quang Trung ra chỉ di dời dân nghèo ở những nơi đông đúc đến những nơi ruộng đất còn sơ khai hoang dã khai thác làm ăn. Chế độ sưu dịch được quy định rõ ràng. Song song với việc chăm lo kinh tế, vấn đề dân trí cũng được quan tâm, bởi theo Nguyễn Huệ: "Muốn nước mạnh, binh lực dồi dào, kẻ thù không dám lăm le nhòm ngó, thì đời sống nhân dân chẳng những no đủ mà trí tuệ cũng phải mở mang. Từ lâu, kẻ mạnh chèn ép người nghèo khó, làm nhiều điều phi nhân bội nghĩa đã đánh mất đi điều nhân tâm của đại chúng" [33, 273]. Đồng thời Nguyễn Huệ đề ra sách lược sử dụng chữ Nôm, còn chữ Hán vẫn bảo lưu và lập "Sùng chánh viện, chăm lo việc giáo dục và dịch thuật. Dịch những kinh điển thơ văn Trung Hoa có tác dụng giáo dục sang chữ Nôm" [33, 274]. Ngoài ra Nguyễn Huệ còn đề cao phép học: "Phép học là để làm người hiểu biết, có tri thức, có đạo đức góp phần chấn hưng đất nước" [33, 275], vì vậy "việc học phải được tổ chức rộng rãi đến từng gia đình, làng xã" [33, 275], hàng năm nhà vua xuống chiếu mở khoa thi, chọn sĩ tử xuất sắc sung vào trường Quốc học, còn hạng nhì ba thì sung vào trường Phủ học, việc học và thi cử đều dùng hai loại chữ: Hán - Nôm, chế độ thi cử giống như thời Lê, 3 năm nhà vua mở một khoá: thi Hương, thi Hội, thi Đình, chiêu sinh rộng rãi khắp mọi miền đất nước, không phân biệt tầng lớp, hễ ai thi đỗ thì làm quan. Chính nhờ những

sách lược đúng đắn trên mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã xác lập được một nền chính trị vững mạnh, nghiêm minh.

Như vậy, dưới góc nhìn sử thi, Nguyễn Huệ đã được các nhà văn miêu tả là người có dung mạo phi phàm, ngôn ngữ quyết đoán, sắc sảo, đồng thời cũng là người có tư tưởng, tầm nhìn sâu rộng và cách dùng người đầy "chiến thuật", sách lược xây dựng đất nước mới mẻ đúng đắn. Qua đó, các nhà văn đã làm bật nổi một vị tướng, một minh quân được người người yêu mến.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 72)