Hình tượng Quang Trung Nguyễn Huệ trong văn xuôi Việt Nam từ 1945

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 30 - 32)

1945 - 1975

Trong những năm 1945 - 1975, văn học Việt Nam phát triển trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Văn học lúc này giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa: "Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy" (Hồ Chí Minh). Hiện thực đời sống kháng chiến trở thành đối tượng trung tâm của văn học.

Bởi vậy, mảng văn xuôi viết về đề tài lịch sử tạm thời lắng xuống. Phải đến những năm 60, 70 tác phẩm viết về đề tài lịch sử mới xuất hiện trở lại với những tác giả tiêu biểu như: Hà Ân (Quận He khởi nghĩa, Trên sông truyền hịch), Chu Thiên (Bóng nước Hồ Gươm), Nguyễn Huy Tưởng (Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung)… Cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm này là ngợi ca truyền thống anh hùng của dân tộc qua các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm và chống lại triều đình phong kiến thối nát. Văn xuôi viết về đề tài lịch sử giai đoạn này phát triển không rầm rộ như nửa đầu thế kỷ, nhưng đã đạt không ít thành công. Hầu hết các nhà văn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sử liệu với hư cấu để dựng nên không khí của thời đại, sáng tạo những hình tượng lịch sử sinh động. Tuy nhiên, theo sự khảo sát của chúng tôi, hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi thời kì này cũng rất ít ỏi, hay nói chính xác hơn đó là sự "khan hiếm". Bởi ngoài tác phẩm Kể chuyện Quang Trung (viết cho thiếu nhi nhằm giáo dục đạo đức) của Nguyễn Huy Tưởng thì không thấy tác phẩm văn xuôi nào nói đến người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là nhà văn nổi tiếng, chiếm một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhà văn này. Ngay từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Tưởng nhiều lúc khát viết và nóng viết "một cuốn thơ", "một cuốn anh hùng ca", "một thiên trường ca", "một vở kịch lịch sử" về Gò Đống Đa, về Quang Trung. Khát vọng ấy được ông ghi và nhắc lại không dưới hai mươi lần trong nhật kí từ 1938 tới 1945. Tuy nhiên, vì những lí do khác nhau, trước khi qua đời, Nguyễn Huy Tưởng chỉ để lại một truyện viết cho thiếu nhi, nhan đề Kể chuyện Quang Trung (Nxb Kim Đồng, 1960). Sớm hơn, trước đó năm 1943 là bài thơ Xuân chiến sĩ, chỉ với 52 câu, đăng trên Tạp chí Tri tân, số 81 - 82, xuân Quý Mùi, bày tỏ cảm xúc của tác giả trước sự kiện Quang Trung đại thắng quân xâm lược nhà Thanh năm 1789.

Với nhân vật Quang Trung trong Kể chuyện Quang Trung, Nguyễn Huy Tưởng chỉ có vài chấm phá, nhưng vẫn gây ấn tượng với đoàn quân áo đỏ, với con voi, với lá cờ. "Con voi của Quang Trung bước dõng dạc tới trước cửa rộng mở. Thân và bành voi đều bị hun khói. Mặt Quang Trung bị cháy đen, chiếc áo bào tối như mực, lá cờ vẫn ngả về đằng trước. Lá cờ cũng đen vì thuốc súng". Qua cuộc hành quân thần tốc, qua sự đối xử ân cần chăm sóc đối với quân lính, Nguyễn Huy Tưởng đã làm nổi bật lên hình ảnh một nhà quân sự thiên tài, một nhà vua đức độ. Quan hệ thân thiết giữa Quang Trung với quân lính được tác giả đặc biệt chú ý miêu tả. Họ là "đoàn quân áo vải đi như gió như bão. Họ là đoàn quân quyết tử chỉ biết tiến không lui. Họ là những người lúc nào cũng lạc quan và chiến thắng". Với Kể chuyện Quang Trung, Nguyễn Huy Tưởng đã cho mọi người, đặc biệt là các em nhỏ tuổi, thấy một hình ảnh Quang Trung - Nguyễn Huệ uy nghiêm, kiên cường cùng đoàn quân áo đỏ anh hùng.

Như vậy là cuốn "anh hùng ca", "thiên trường ca" về Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn dù có sức hấp dẫn, mời gọi đối với Nguyễn Huy Tưởng và với nhiều tiểu thuyết gia Việt Nam hiện đại khác, cuối cùng củng chỉ dừng lại ở ý tưởng. Phải chờ tới những năm sau 1975, đặc biệt là vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, sự kiện Tây Sơn và người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ mới có mặt trở lại trong văn học Việt Nam hiện đại ở mảng văn xuôi; cụ thể là truyện ngắn và tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 30 - 32)