Kết cấu dòng chảy ý thức

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 127 - 130)

Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của sáng tác nghệ thuật. Bất cứ tác phẩm nào cũng có một kết cấu nhất định, bởi kết cấu bao giờ cũng gắn liền với nội dung. Mỗi tác phẩm văn học có một kết cấu riêng, tuỳ thuộc vào đặc trưng thể loại, quan điểm nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật mà nhà văn đặt ra. Các nhà văn truyền thống viết về đề tài lịch sử thường tái hiện lại bức tranh hoành tráng của lịch sử qua đó thể hiện thái độ ngưỡng vọng, tự hào của và góp phần "truyền lửa" cho hậu thế. Họ quan niệm sáng tác trước hết là phải trung thực với mọi chi tiết lịch sử, mục đích và quan niệm sáng tác này đã chi phối đến hình thức của kết cấu. Hình thức phổ biến của những tác phẩm này là viết theo kết cấu biên niên, chủ yếu minh hoạ lại các sự kiện lịch sử. Hình thức này có ưu điểm làm sáng rõ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, người đọc dễ nắm bắt nội dung, phù hợp với lối tư duy của người Việt. Tuy nhiên, với kết cấu này nhà văn còn quá lệ thuộc vào những cái có sẵn, chưa phát huy được khả năng sáng tạo bởi vậy tác phẩm chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Nói như tác giả Nam Dao: "Công việc của mỗi nhà văn viết về đề tài lịch sử vẫn chỉ là vẽ ra cái quá khứ với ý đồ biện hộ tính cách chính danh của một triều chính,... và viết về tiểu thuyết lịch sử theo cái nhìn quá khứ đó, nhà văn trở thành đồng loã với quyền lực chính trị, làm công việc kẻ lông mày cho xác chết" [18, 6].

Sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới, không khí dân chủ, cởi mở của môi trường sáng tạo đã khuyến khích các nhà văn không ngừng tìm tòi, thể hiện những điều mình ấp ủ từ lâu. Nhiều cây bút đã mạnh dạn vượt lên trên những quy định, khuôn khổ của truyền thống, mở những lối đi riêng trong sáng tác. Nam Dao cũng không là ngoại lệ, tác giả "không chịu đi theo vết chân đi trước" mà "rẽ trái, đạp cỏ lau, đạp đá tai mèo, dẫn nhân vật băng qua những vùng đất mới" [65, 34]. Tác giả không chấp nhận "buông mình trôi xuôi theo dòng chảy lịch sử" [65, 34], luôn có ý thức vượt thoát những công thức sáng

tác truyền thống, cứng nhắc, làm sống dậy những "xác chết biên niên" bằng hình thức kết cấu linh hoạt theo dòng chảy ý thức. Kết cấu này cho phép Nam Dao "nhào nặn" lại nhân vật Nguyễn Huệ theo ý đồ chủ quan của mình. Ưu thế văn chương cho phép Nam Dao xáo trộn, đảo ngược, chắp nối, thêm bớt các sự kiện, biến cố, những chi tiết về cuộc đời nhân vật Nguyễn Huệ tạo nên kết cấu rời rạc, lỏng lẻo hay nói cách khác các sự kiện, biến cố ấy được dán ghép vào nhau một cách "tuỳ tiện có ý thức". Đọc tác phẩm ta thấy Gió lửa

mở đầu bằng không khí huyền thoại, đưa người đọc vào thế giới cổ xưa. Nam Dao không vội vã giới thiệu ngay nhân vật trung tâm của bức tranh lịch sử mà thử thách sự chờ đợi của người đọc bằng những câu chuyện về cuộc đời các nhân vật hoàn toàn xa lạ. Đó là câu chuyện về dòng họ Hà ở bản Mê Thượng, chuyện tình của nàng Mây và Đèo Kha, về mối tình của Trọng Thức và Mai, về sự tư thông của Đặng Thị Huệ với Hoàng Tế Lý và tên "hung thần mắt cú" Đặng Mậu Lân,... Nhân vật Nguyễn Huệ chỉ xuất hiện ở giữa tác phẩm với số phận, tính cách phức tạp, đa dạng. Nguyễn Huệ vừa là một người lãnh đạo sáng suốt, vừa là một nhà nho đĩnh đạc, lại vừa là một con người rất đỗi bình thường, cũng có lúc tự ti, cuồng dâm, tàn bạo và cũng có những khoảnh khắc rất cô đơn, khao khát kiếm tìm sự hoà hợp và ước muốn được thấu hiểu niềm hạnh phúc của những kẻ bình thường,... Các chi tiết, diễn biến ấy được đặt cạnh nhau, đan xen nhau, có khi đang kể chuyện Nguyễn Huệ, Nam Dao lại chuyển sang chuyện của Trọng Thức, rồi từ chuyện của Trọng Thức lại chuyển sang chuyện Nguyễn Ánh. Có khi Nguyễn Huệ đang nói chuyện tình cảm của Toàn Nhật với em gái Đăng Vân, Nam Dao lại chuyển hướng sang chuyện Huệ đánh Trịnh Tông, khiến Tông phải thay đổi y phục chạy trốn...

Với cách kể chuyện theo dòng chảy ý thức, Nam Dao dẫn dắt người đọc vào thế giới bí ẩn, quanh co của tâm hồn Nguyễn Huệ. Mạch chuyện cứ chùng chình, luẩn quẩn trong dòng suy nghĩ của nhân vật, người đọc khó tìm thấy lối ra, kết cấu của truyện cũng trở nên thiếu mạch lạc, nhiều chỗ đứt đoạn. Xây dựng tác phẩm theo mạch tâm trạng nhân vật, Nam Dao có điều kiện đi sâu

vào diễn biến tâm lí phức tạp Nguyễn Huệ, làm cho nhân vật hiện lên với tất cả những gì vốn có. Tác giả đã không đi theo trình tự thời gian nhất định mà có sự dán ghép biến cố xa bên cạnh biến cố gần, đưa Nguyễn Huệ ra khỏi trạng thái tĩnh, trở nên sống động hơn. Do đặt điểm nhìn theo dòng hồi ức của nhân vật Nguyễn Huệ cho nên thời gian trong tác phẩm bị xáo trộn bởi quá khứ - hiện tại - tương lai đan xen đồng hiện. Hồi ức không đi theo đường thẳng mà đã bị bẻ gãy trật tự tuyến tính thông thường để mặc cho liên tưởng lôi cuốn và chi phối. Câu chuyện đang từ hiện tại bỗng đột ngột chuyển về quá khứ, khi mối tình đầu hiện về trong tâm trí Huệ cắt ngang thực tại, tất cả những gì thuộc về An hiện lên như mới xảy ra hôm qua. Kỉ niệm về những trò nghịch ngợm thuở học trò ở nhà giáo Hiến, câu nói đùa của An "đứa nào biết thầy muốn gì, tao sẽ gọi bằng chồng", những lần trò chuyện với An bên cầu ao,.... Nam Dao đã để cho Huệ nhớ về An, về thuở thiếu thời của mình để làm rõ thêm tính cách con người Nguyễn Huệ - con người uy danh ấy có lúc tàn bạo cũng có lúc đa cảm, yếu đuối. Như vậy, viết về Quang Trung - Nguyễn Huệ, Nam Dao đã khám phá lịch sử không chỉ ở những sự kiện bên ngoài mà còn ở những góc khuất, ngã rẽ phức tạp. Tác giả không đi theo lối kể chuyện có trước có sau mà triển khai theo mạch vận động của cảm xúc, suy nghĩ nhân vật. Vì thế có thể nói, cái tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của Gió lửa chính là Nam Dao đã xây dựng tác phẩm theo kết cấu dòng chảy ý thức của nhân vật Nguyễn Huệ, từ đó, khám phá Nguyễn Huệ ở chiều sâu tâm linh, trong dòng chảy của tâm thức, phát hiện ra biết bao điều bí ẩn mà sử sách chưa bao giờ nhắc tới.

3.3.3. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp và tư duy mà đồng thời còn là chất liệu, công cụ văn học. Mọi ấn tượng mà ta có được về tác phẩm đều do ngôn ngữ gợi nên, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm văn học hiện lên từ ngôn ngữ, do đó có thể nói, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn.

Thể hiện rõ sự mới mẻ, khác lạ của hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết Gió lửa so với Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lịch sử, trong các tác phẩm văn xuôi khác, Nam Dao đã làm nổi bật ngôn ngữ Nguyễn Huệ với những đặc trưng cơ bản sau:

Một phần của tài liệu Hình tượng quang trung nguyễn huệ trong văn xuôi việt nam sau 1975 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 127 - 130)