1 ý thức chấp hành nội qui của nhà trường, của lớp, của
3.2.7. Chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy
- Học sinh dân tộc vùng cao có đặc điểm là nhút nhát, tự ti hay mặc cảm về sự yếu kém của mình và rất ít cởi mở, đây là cái khó trong việc giảng dạy các bộ môn văn hóa cho các em.
- Phần lớn học sinh quen tư duy cụ thể, nhận thức chậm, chính vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp.
Do vậy phương pháp giảng dạy phải được cải tiến, đặc biệt với những môn học khó như các môn tự nhiên nhằm động viên khích lệ tạo động lực cho học sinh học tập.
Thực trạng về quan điểm và phương pháp giảng dạy trong các nhà trường THCS miền núi hiện nay:
- Tồn tại phổ biến phương pháp dạy học cổ truyền theo kiểu thông báo, bài giảng của thầy trên lớp thực hiện chủ yếu là phương pháp đối thoại, thầy đọc, trò chép và thậm chí học sinh chép không đầy đủ, không hiểu bài. Phương pháp giảng bài này làm cho học sinh miền núi ngày càng kém tư duy, và nhút nhát, không động viên được tinh thần học tập của học sinh, không nâng cao được tay nghề của giáo viên.
Ở các trường tiên tiến được khảo sát Hiệu trưởng rất quan tâm về cải tiến phương pháp giảng dạy và xem là một nội dung chính trong chỉ đạo chuyên môn, ở các trường này đa số giáo viên đã cố gắng sử dụng tổng hợp các phương pháp dạy học phù hợp ở từng môn học, tiết học cho phù hợp với trình độ tiếp thu của học sinh, nhằm phát huy tính tích cực và động viên học sinh học tập. Tuy nhiên việc cải tiến phương pháp giảng dạy của giáo viên THCS ở các trường miền núi vùng cao hiện nay vẫn còn ít ỏi, chưa thực sự bắt nguồn từ cái học sinh cần và yêu cầu đổi mới của công tác giáo dục. Vì vậy việc cải tiến phương pháp giảng dạy ở các trường miền núi hiện nay đang trở thành yêu cầu bức xúc cần phải được quán triệt, chỉ đạo thực hiện.
+ Mục đích:
Phát huy tính chủ động, tích cực trong hoạt động nhận thức của học sinh, tức là làm cho học sinh được học tập trong hoạt động và bằng hoạt động chủ động và sáng tạo. Từng bước xóa bỏ các đặc điểm nhút nhát, tự ti, mặc cảm, để các em có điều kiện học hỏi, giúp đỡ và so sánh để đánh giá đúng về mình, giúp các em có điều kiện mở mang nhận thức và tiếp thu vững vàng.
Đổi mới phương pháp theo hướng tịch cực hóa, học sinh là người chủ động tìm tòi kiến thức, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội, còn giáo viên chỉ là hướng dẫn học sinh tìm ra chân lý.
+ Cách thực hiện :
- Triển khai cho giáo viên tiếp thu, học tập, nghiên cứu chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy do Phòng, Sở giáo dục triển khai.
- Dự thảo chương trình hoạt động cải tiến phương pháp giảng dạy trong nhà trường.
- Tổ chức hội thảo trong tổ chuyên môn, tọa đàm trao đổi, thảo luận trong hội đồng sư phạm và tập thể học sinh để thống nhất chương trình hành động.
Bước này phải thực hiện nghiêm túc trước khai giảng năm học.
- Tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua theo tiến độ năm học. Coi trọng chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn ở các tổ, tổ trưởng phải sâu sát, tăng cường chỉ đạo dự giờ để trao đổi rút kinh nghiệm, giúp đỡ giáo viên có giờ dạy chưa đạt để nâng cao chất lượng giảng dạy, kiên quyết xóa bỏ kiểu dạy học "đọc chép", "dạy chay" làm cho học sinh hoàn toàn thụ động trong toàn bộ tiết học.
- Trong quá trình chỉ đạo thực hiện phải coi trọng việc bồi dưỡng giáo viên cả về nhận thức, nội dung chương trình dạy học cải tiến, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tạo động cơ học tập và quan tâm xây dựng các điều kiện để tạo ra khả năng thực thi có hiệu quả.
- Cuối kỳ, cuối năm và hàng tháng có sơ kết và đánh giá kết quả phong trào thi đua, động viên khen thưởng và rút kinh nghiệm, nêu phương hướng trong thời gian tới.
- Giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, khả năng hoạt động trí tuệ và ứng xử sư phạm, năng lực quản lý, điều khiển giờ học theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học sao cho: Hoạt động của thầy và trò phối hợp nhịp nhàng, trò được hoạt động, thầy kiểm soát được các hoạt
động của trò, trò cũng tự đánh giá và biết điều chỉnh hoạt động của mình … Từ đó từng bước nâng cao kết quả học tập của học sinh.