Thấu suốt những vấn đề cơ bản về đường lối, quan điểm giáo dục phổ thông của Đảng là cơ sở quan trọng để cải tiến, để đổi mới công tác quản lý nhà trường của Hiệu trưởng. Quản lý nhà trường tốt sẽ có tác dụng rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học. Theo tinh thần nghị quyết TW2 khóa 8 của BCH Trung ương Đảng quản lý là một trong những biện pháp chủ yếu để đảm bảo thắng lợi kế hoạch nhà nước nói chung, quản lý giáo dục và quản lý nhà trường nói riêng có vị trí hết sức quan trọng, do đó nhiệm vụ của người Hiệu trưởng là quan trọng và vẻ vang.
Phương pháp chủ yếu của việc tăng cường và cải tiến công tác quản lý nhà trường của Hiệu trưởng là quản lý như thế nào để thầy dạy tốt, trò học tốt,
tất cả phục vụ "hai tốt" theo đường lối quan điểm của Đảng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Người Hiệu trưởng phải tập trung quản lý chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của nhà trường, toàn thể cán bộ, giáo viên đảm bảo dạy tốt, toàn thể học sinh đảm bảo học tốt. Trong quá trình này cần nắm vững, xây dựng và ủng hộ những quan điểm đúng đắn và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng; uốn nắn những sự hiểu lầm, lệch lạc trong giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân. Người hiệu trưởng cần nắm vững chức năng của nhà trường là giáo dục & đào tạo con người lao động mới, không coi gia đình, coi nhà trường chỉ là nơi truyền thụ tri thức và phải làm rõ cho mọi người nhận thức, truyền thụ tri thức là cần thiết, nhưng đích cuối cùng là giáo dục và đào tạo con người. Hiệu trưởng cần kiên quyết chống lối dạy, lối học để thi với những biểu hiện như cắt xén chương trình, dạy dồn, dạy ép, làm ăn gian dối. Phải đảm bảo đủ các hoạt động cơ bản trong nhà trường, không được coi nhẹ tổ chức lao động sản xuất, hoạt động xã hội, xây dựng đời sống tập thể nhà trường. Người Hiệu trưởng phải thực sự quản lý việc dạy tốt, học tốt trong nhà trường, tổ chức hướng dẫn và tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng từng bước nâng cao trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, suy nghĩ có biện pháp khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động giáo dục từ tiết lên lớp đến các hoạt động ngoài giờ, ngoài nhà trường, từ việc dạy của giáo viên đến việc học tập, lao động sản xuất, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí của học sinh.
Quản lý nhà trường là một công tác khoa học, phải tuân theo nguyên tắc, không tùy tiện, phải đưa mọi hoạt động vào nền nếp kỷ cương, tổ chức lao động một cách khoa học, có điều tra, có nghiên cứu đánh giá tình hình trên cơ
sở nắm vững thông tin chính xác, có kế hoạch cụ thể, phân công rõ ràng, kiểm tra chặt chẽ, khen chê kịp thời.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội của miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng hệ thống giáo dục nói chung, các trường THCS nói riêng đã có bước phát triển về số lượng, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em các dân tộc vùng cao và biên giới. Vấn đề đặc biệt quan tâm hiện nay là chất lượng giáo dục nói chung và kết quả học tập của học sinh nói riêng ở các trường THCS vùng cao còn thấp, nhiều trường tỷ lệ học sinh yếu kém còn cao, tỷ lệ học sinh thi tuyển vào THPT điểm liệt và thấp còn nhiều. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là yếu tố quản lý nói chung và quản lý chuyên môn nói riêng của Hiệu trưởng THCS hiện nay còn nhiều yếu kém, lúng túng, thiếu sự vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của nhà trường miền núi. Qua thực tiễn nhiều năm, nhiều trường tiên tiến ở miền núi chứng minh rằng:
Hiệu trưởng như thế nào thì nhà trường như thế ấy, biện pháp quản lý chuyên môn của Hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng để xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện và nâng cao kết quả học tập của học sinh. Do đó việc cải tiến, đổi mới hoàn thiện các biện pháp quản lý nói chung và quản lý chuyên môn của Hiệu trưởng THCS miền núi vùng cao hiện nay là rất cần thiết và là đòi hỏi bức xúc của thực tế. Muốn vậy người Hiệu trưởng phải nắm rõ tình hình, hiểu rõ nguyên nhân và các yếu tố tác động, nắm vững và tính toán để sử dụng hợp lý sức lao động, tiền của, vật tư, thời gian nhằm phát huy nội lực cao nhất. Từ đó kịp thời tổ chức, điều chỉnh công việc, thực hiện các biện pháp quản lý chuyên môn phù hợp sao cho toàn bộ các hoạt động của nhà trường tiến hành trôi chảy, đồng bộ, có hiệu quả cao nhất. Đối với các trường THCS miền núi vùng cao hiện nay biện pháp quan trọng nhất là tổ chức tốt, chỉ đạo tốt việc thi đua dạy tốt, học tốt và làm theo các điển hình tiên tiến, đẩy
nhanh việc xây dựng nhà trường thành trường tiên tiến toàn diện. Hiệu trưởng cần tập trung quản lý chuyên môn ở các biện pháp sau:
- Công tác tuyển sinh và ôn tập, bổ túc kiến thức cho học sinh trước khai giảng năm học.
- Quản lý chặt chẽ chương trình và thực hiện kế hoạch đào tạo của Bộ. - Quản lý chặt chẽ qui chế chuyên môn.
- Tổ chức thăm lớp dự giờ
- Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đảm bảo khách quan, công bằng và công khai.
- Bồi dưỡng học sinh khá giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém. - Chỉ đạo cải tiến phương pháp giảng dạy.
- Tăng cường mối quan hệ, thông tin và phối kết hợp qua lại giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Những biện pháp trên chúng tôi sẽ đề cập trong chương 3 của luận văn này. Đó là kết quả chúng tôi điều tra thực tế, đúc rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn quản lý của Hiệu trưởng ở các trường THCS vùng cao Thường Xuân - Thanh Hóa.