1 ý thức chấp hành nội qui của nhà trường, của lớp, của
3.2.4. Tổ chức dự giờ thăm lớp
Ở các trường THCS miền núi vùng cao hiện nay nhìn chung đội ngũ giáo viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy có một số giáo viên yếu kém nhiều năm, mức độ chuyển biến rất chậm không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, khả năng tự học, tự nghiên cứu rất kém. Đa số các tiết dạy giáo viên không khai hết kiến thức và chủ yếu sử dụng phương pháp đọc chép, không phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.
Hiệu trưởng còn lúng túng trong quản lý, thả lỏng và đối phó với cấp trên, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa có biện pháp khắc phục, giúp đỡ giáo viên yếu kém. Kinh nghiệm các trường tiên tiến trong huyện đã được khảo sát và đối thoại trực tiếp với một số Hiệu trưởng có kinh nghiệm quản lý, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập điều cốt lõi và quan trọng nhất là người Hiệu trưởng phải thực sự quan tâm công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thông qua dự giờ thăm lớp thường xuyên: Nhằm đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm trong từng tiết dạy, từng môn học đối với giáo viên.
+ Mục đích:
- Việc tổ chức dự giờ thăm lớp nhằm quản lý chuyên môn chặt chẽ hơn, qua dự giờ thăm lớp người Hiệu trưởng có điều kiện theo dõi, đánh giá, điều chỉnh và rút kinh nghiệm trong hoạt động dạy của giáo viên.
- Tạo điều kiện cho giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp dạy học.
- Qua dự giờ thăm lớp Hiệu trưởng có thể thực hiện được nhiều chức năng trong quản lý chuyên môn: Theo dõi việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá chuyên môn, hồ sơ sổ sách của giáo viên, quan hệ và hiểu biết sâu sắc hơn về đối tượng quản lý của mình.
- Dự giờ thăm lớp là một khâu quản lý quan trọng trong việc tổ chức phong trào thi đua hai tốt trong nhà trường.
- Dự giờ thăm lớp là hoạt động thực tiễn để giáo viên tự đối chiếu mình với người khác, phát huy ưu điểm và khắc phục những mặt hạn chế, từ đó bản thân tự điều chỉnh và hoàn thiện nhân cách sư phạm của người giáo viên; tạo ra bầu không khí bình đẳng, dân chủ, thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong công tác chuyên môn để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
- Mặt khác dự giờ là nhân tố kích thích nhu cầu, động cơ học tập của học sinh, tạo ra tính tích cực trong hoạt động học tập của học sinh và tập thể lớp.
Dự giờ thăm lớp có nhiều tác dụng tích cực giúp Hiệu trưởng quản lý chuyên môn có hiệu quả, song thực tế công tác này ở các trường THCS vùng cao chưa được coi trọng, có làm nhưng còn chiếu lệ, đối phó với chỉ đạo của cấp trên. Do vậy, hàng năm rất ít giáo viên tham gia thao giảng tuyến huyện và đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp.
+ Cách thực hiện :
- Việc dự giờ thăm lớp nhằm mục tiêu quản lý chuyên môn chặt chẽ. Do vậy phải tiến hành một cách có tổ chức, có kế hoạch theo một qui trình chặt chẽ trên cơ sở nắm chắc về số lượng, chất lượng, tư tưởng chính trị - đạo đức, năng lực, sở trường, hoàn cảnh đặc biệt của giáo viên và học sinh. Lập kế hoạch cho từng thời gian, hàng tháng, hàng kỳ và cả năm học, xây dựng qui chế cụ thể đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tế nhà trường và có tính khả thi.
- Tổ chức cho giáo viên học tập qui chế, phổ biến kế hoạch hoạt động, thể hiện rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung và yêu cầu phải đạt được, thông qua Hội nghị cán bộ công chức, họp hội đồng giáo dục, sinh hoạt tổ chuyên môn, các tổ chức trong nhà trường…
- Quan tâm xây dựng tổ chuyên môn vững mạnh toàn diện, chỉ đạo các tổ xây dựng kế hoạch, cá nhân đăng kí kế hoạch. Hiệu trưởng nhà trường duyệt kế hoạch và tập trung chỉ đạo thường xuyên theo tiến độ và quĩ thời gian của năm học.
- Hiệu trưởng phải chủ động các tổ chức các hình thức dự giờ: có báo trước, không báo trước hoặc đăng kí được dự giờ của giáo viên, việc dự giờ theo các hình thức này có thể cá nhân Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, tổ trưởng đích thân dự giờ hoặc tổ chức lực lượng giáo viên khá giỏi có kinh nghiệm, các thành viên trong tổ chuyên môn cùng dự. Sau dự giờ thăm lớp phải đánh giá kết quả dạy học một cách công khai, công bằng và chính xác theo đúng mục đích và ý nghĩa của nó.
- Trên cơ sở phân loại giáo viên trong trường, Hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn phải tổ chức dự giờ thăm lớp bồi dưỡng từng mặt cho từng loại giáo viên trong trường: Bồi dưỡng dạy chéo môn, bồi dưỡng theo môn chính đào tạo, theo từng mặt mạnh, mặt yếu về kiến thức, về phương pháp, kỹ năng sư phạm. Hình thức dự giờ thăm lớp này rất đa dạng và phong phú, do đó người Hiệu trưởng phải lên kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng, qui định số giờ, số môn cần được dự trong tuần, trong tháng. Theo dõi đánh giá từng cá nhân cả về thực hiện kế hoạch và mức độ chuyển biến để có biện pháp chỉ đạo cụ thể hơn. Ngoài ra còn có thể định hướng và điều kiện cho giáo viên tự do lựa chọn các giờ học ở các môn ở bất kỳ giáo viên nào mà thấy bổ ích, thiết thực cho việc bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách sư phạm của mình, học tập rút kinh nghiệm lấp lỗ hổng về kiến thức, phương pháp và kỹ năng sư phạm.
Để khơi dậy và phát huy được tinh thần tự giác, tích cực, chủ động, ý thức phấn đấu vươn lên của từng giáo viên và tập thể sư phạm nhà trường, người Hiệu trưởng cần phải quan tâm xây dựng tổ chuyên môn, bồi dưỡng tổ trưởng vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò chủ động và tự quản của tổ chuyên môn, của nhóm chuyên môn. Mặt khác phải quán triệt và đề cao kỷ luật lao động, kỷ luật chuyên môn trong việc thực hiện các qui chế chuyên môn, động viên khen thưởng kịp thời những giáo viên thực hiện tốt nội dung, kế hoạch dự giờ thăm lớp đã đặt ra.