Sự thức tỉnh ý thức cá nhân trong sáng tác của Nam Cao về người trí thức 1 Bi kịch “sống mòn”

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 46 - 48)

1 Tên sách tiếng Anh là: Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley (825-895), nhà sinh vật học người Anh, học trò của Darwin.

2.1.2. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân trong sáng tác của Nam Cao về người trí thức 1 Bi kịch “sống mòn”

2.1.2.1. Bi kịch “sống mòn”

Nếu như sáng tác của Lỗ Tấn hướng tới việc thức tỉnh tinh thần dân tộc thì tác phẩm của Nam Cao lại hướng tới việc thức tỉnh ý thức cá nhân của con người. Một trong những điểm nổi bật trong sáng tác của Nam Cao ở đề tài trí thức là những băn khoăn, trăn trở của nhà văn về thân phận con người. Bên cạnh đó, có thể thấy một đặc điểm khá nổi bật khác nữa trong sáng tác của Nam Cao là những băn khoăn về tình trạng chết mòn của con người, về tình trạng sống mà như đã chết. Điều này đã tạo nên một sức ám ảnh rất lớn đối với sáng tác của Nam Cao. Chúng ta thấy rằng, ở Nam Cao có sự xuất hiện rất phổ biến của kiểu nhân vật “con người nhỏ bé”. Đó là những con người nhỏ bé vì bất lực trước hoàn cảnh, là những người nhỏ bé vì bị ức hiếp, hoặc có thể lại là những con người bị đẩy ra khỏi guồng quay của xã hội, trở thành kiếp sống vô nghĩa. Và dù là họ trở nên nhỏ bé vì bất kỳ nguyên nhân nào, chung quy, họ là những con người có cuộc sống vô nghĩa, một kiểu đời thừa theo cách gọi của Nam Cao.

Nói tác phẩm của Nam Cao ám ảnh người đọc bởi cả cái chết về thể xác, và cả cái chết mòn về tinh thần quả là hết sức chính xác. Cái chết về thể xác là cái chết rất phổ biến trong nạn đói khốc liệt của Việt Nam những năm tiền cách mạng. Còn chết mòn, hay "sống mòn" cần phải hiểu thế nào? Có thể hiểu một cách đơn giản nghĩa là cái chết từ từ, dần dần, mòn ra, gỉ đi... Điều đáng nói ở đây là với cái chết đến từ từ đó, nhân vật đã ý thức được rất rõ nhưng không thể làm gì để chống lại được nó. Cái chết vừa mang ý nghĩa cơ học, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Nó ngấm dần dần, làm cho con người cảm thấy mòn mỏi, mất hết sức mạnh tinh thần nhưng không thể làm gì để cứu vãn. Chết mòn, hay sống mòn vì thế là một trạng thái vô cùng đáng sợ của con người.

Tình trạng chết mòn của nhân vật được Nam Cao thể hiện như thế nào? Nhà văn qua đó gửi gắm thông điệp gì đến bạn đọc? Chúng ta thấy rằng, sáng tác của Nam Cao có một sức ám ảnh kỳ lạ với bạn đọc qua việc thể hiện tình trạng người trí thức không có khả năng thực hiện ước mơ và hoài bão của mình ở các mức độ khác nhau. Chết mòn chính là cái chết đau đớn về tinh thần của con người. Đó là cái chết về tinh thần của những con người có tình yêu thương (thương vợ con, thương đồng nghiệp, thương những người hàng xóm); con người có ước mơ, hoài bão, sống có trách nhiệm (về việc phát huy tận độ khả năng trong nghề nghiệp); con người biết yêu cái hay, cái đẹp (văn chương, thiên nhiên)...nhưng lại không có đủ sức mạnh cũng như

điều kiện tối thiểu để thực hiện điều đó. Đó là cái chết mòn của những con người hiểu theo nghĩa trang trọng của từ này. Họ sống trong tình trạng tự dày vò bản thân, khổ đau và tiếc nuối như mình đang đánh mất cái quý giá nhất của đời người mà không đủ sức để chống cự, để níu giữ. Nguyên nhân là do đâu? Có thể đó là do tình trạng thiếu thốn về vật chất, là sự ngột ngạt của cuộc sống và đôi khi, là sự thiếu cảm thông trong quan hệ giữa người và người.

Trong nhiều truyện ngắn của mình, với tấm lòng xót thương con người, Nam Cao đã miêu tả những ám ảnh lạ thường, những con người nhỏ bé, cơ cực, sống quẩn quanh, bế tắc, như bị chôn vùi trong những kiếp sống vô danh vô nghĩa. Ta thấy hiện lên một sự đau đớn khôn nguôi, sự phẫn uất cao độ trước tình cảnh con người bị đẩy vào những kiếp sống quẩn quanh, tù mù, dật dờ trong bóng tối, những cuộc "đời thừa" và những kiếp "sống mòn". Viết về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Đăng Suyền khẳng định: "Trước cách mạng, không có nhà văn nào lại có cái nhìn sâu sắc, có tầm triết lý, tổng hợp khái quát cao về tình trạng "chết mòn" của con người như Nam Cao" [84; 360-361]. Thực vậy, mỗi nhân vật của ông là một kiểu đời thừa, một lối sống mòn, một cách chết mòn. Ở họ luôn xuất hiện tình trạng sống vô nghĩa, vô ích với những cái chết mòn: chết ngay trong lúc sống, chết mà chưa được sống. Nam Cao không chấp nhận sự sống chỉ là một sự tồn tại sinh học. Cái kiểu sống mà theo ông "co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào dạ dày? " (Sống mòn) không được gọi là sống. Qua đó chúng ta thấy được phần nào quan điểm của nhà văn về cuộc sống. Cuộc sống theo ông là phải có đời sống tinh thần cao đẹp, sống một cách có ích, có ý nghĩa. Với quan niệm này, Nam Cao luôn tỏ ra đồng tình sâu sắc, thể hiện sự sẻ chia với những nỗi đau đớn vô hạn trước bi kịch của những con người muốn sống cho ra sống bằng chính sức lao động và tài năng của mình mà không được, đành phải sống như kiếp đời thừa, những cuộc sống mòn như Điền, Hộ, Thứ...

Có thể kể ra đây bi kịch của nhà văn Hộ (Đời thừa). Sự chết mòn của Hộ được thể hiện ở chỗ trong hai trách nhiệm của một con người - một người đàn ông và một nhà văn mà ở cả hai tư cách, anh đều không thực hiện được. Với vai trò một người chồng, người cha, anh không nuôi nổi vợ con. Với vai trò một nhà văn, anh không viết được những áng văn để đời, như giấc mơ của anh. Tiếng kêu và nỗi buồn khổ của Hộ đã minh chứng một sự thật đau buồn: con người ta không còn một sức mạnh tinh thần nào có thể vực dậy được nữa: "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi. Và hắn nghĩ đến cái tên hắn đang mờ dần đằng sau những cái tên khác mới trồi ra, rực rỡ hơn... Rồi hắn ra về, thờ thẫn. Những sự bực tức đã chìm đi. Lòng hắn không còn sôi nổi nữa, nhưng rũ buồn..." (Giăng sáng). Nỗi buồn mà nhà văn muốn

nói đến ở đây dường như là nỗi buồn cho một dấu chấm hết cho những ước mơ, hoài bão của đời người. Với Hộ, không gì đau đớn hơn là anh đã vỡ mộng bi kịch văn chương, rồi lại tự mình chà đạp lên lẽ sống tình thương của chính mình. Trong bi kịch đó, nhiều lần anh đã đưa gia đình và văn chương lên bàn cân, đôi khi, ý thức và khát khao khẳng định mình trong nghề viết đã làm cho sự lựa chọn của anh thiên về nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng chẳng được bao lâu, anh lại trở về với hiện thực, và anh không thể bỏ vợ con được, vì đó là trách nhiệm, và cũng là một phần Người của anh. Thế rồi cứ liên tục, giằng co giữa ước mơ và hiện thực làm cho Hộ vô cùng mệt mỏi. Hiện thực tàn nhẫn không cho phép anh hoàn thành được nửa thôi, trong ước mơ của mình. Đành gác lại những hoài bão khẳng định trong nghề viết, nhưng anh cũng có làm cho vợ con anh no ấm đâu? Thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn. Đói khổ vẫn hoàn đói khổ. Và thế là, anh rơi vào bi kịch tinh thần đau đớn của sự chết mòn về tinh thần. Không khác gì so với Hộ, Thứ (Sống mòn) và Điền (Giăng sáng) cũng là những thí dụ tiêu biểu. Họ là những người trí thức phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ: nhà văn và nhà giáo. Cuộc sống của họ cứ mòn ra, rỉ đi và có một điểm chung, tất cả đều đang chết mòn trong chính thế giới tinh thần của mình. Tiếng than thở của Điền tuy nhẹ nhàng nhưng là một lời khẳng định sự khuất phục hoàn cảnh. Cuộc sống ngột ngạt vì cơm áo gạo tiền làm cho con người đáng thương có ý thức về cuộc sống ấy phải "khuất phục": "Không một phút nào Điền không phải nghĩ đến tiền, óc Điền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Điền lại thở dài. Điền tự an ủi. Có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Điền biết: chẳng bao giờ Điền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Điền không có tiền" (Đời thừa). Nghe mà xót xa. Câu văn có một sức tố cáo mãnh liệt hoàn cảnh tăm tối, không cho con người dám hi vọng về tương lai. Thực tại thì quá phũ phàng. Có thể nói, chỉ ra cái chết mòn trong tinh thần người trí thức bên cạnh ý nghĩa tố cáo mãnh liệt hoàn cảnh xã hội, quan trọng hơn, nó thể hiện cái nhìn nhân đạo của nhà văn: con người ta không những cần cái để ăn, để mặc mà còn cần được đối xử như một con người thực sự được sống xứng đáng với danh hiệu cao quý của con người. Đó chính là một đóng góp rất lớn của Nam Cao.

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 46 - 48)