Phát huy “đến tận độ” khả năng tiềm tàng của mỗi con ngườ

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 48 - 51)

1 Tên sách tiếng Anh là: Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley (825-895), nhà sinh vật học người Anh, học trò của Darwin.

2.1.2.2. Phát huy “đến tận độ” khả năng tiềm tàng của mỗi con ngườ

Trước hết cần khẳng định rằng, các tác phẩm viết về người trí thức của Nam Cao đều như có một ám ảnh về một sự vùng vẫy để vươn lên khẳng định chính mình của các nhân vật.

Mỗi nhà văn như chúng ta đã thấy đều có một sở trường riêng, có một “mảnh đất riêng” để khai thác. Trong tác phẩm của mình, Nam Cao thường viết về những người có đời sống tự ý thức, trong đó, mỗi nhân vật trí thức của ông đều là những con người biết ăn năn và yêu cầu một cách khắt khe với bản thân mình. Do lựa chọn

đối tượng như thế nên ngòi bút của Nam Cao có dịp phơi bày những địa hạt sâu kín nhất của đời sống, có dịp nói đến thế giới tinh thần bên trong, phong phú, tinh tế và phức tạp của con người. Với đặc trưng sáng tác như vậy, tác phẩm của Nam Cao thường thiên về miêu tả những diễn biến tinh vi, có khi dai dẳng nhất của trạng thái thức tỉnh. Đối tượng mà ngòi bút Nam Cao hướng đến đương nhiên phải là trí thức. Nhiều tác phẩm của ông vì thế, nhân vật trí thức dường như là hình ảnh của chính bản thân tác giả. Ông dường như đem mình ra để mổ xẻ, để phán xét, đúng như Nguyễn Minh Châu có lần đã phát biểu, rằng Nam Cao chẳng phải nghĩ ngợi gì đến những chuyện cao xa, cao siêu mà quanh quẩn vẫn là những nỗi khổ trong những cái vặt vãnh tủn mủn của kiếp sống, của chính mình và những người ở ngay kề chung quanh mình, cùng với cái phần nhân cách, tư cách của con người đang bị những cái tủn mủn vặt vãnh trong cuộc sống hàng ngày cứ đem ra mà làm trò cười, cứ đem ra mà giày vò cho tận đến khi nẫu nát ra.

Thực vậy, đọc văn Nam Cao dường như chúng ta luôn cảm thấy có một cái gì đó thật bức bối, khó nói nên lời. Đó dường như là một không gian tù túng, một mảnh đất chật hẹp mà con người càng cố giãy dụa thì càng như bị túm chặt lấy. Và rõ ràng, người trí thức trong tác phẩm của Nam Cao đã hiện lên với vẻ gì đó thật đáng thương. Đáng thương vì anh ta có ý thức về nghề nghiệp, về đạo đức nhưng lại không có cơ hội, không có “đất” để có thể thực hiện được ước mơ và khát vọng chân chính của mình. Thức tỉnh để rồi ăn năn là đau khổ, không thoát khỏi ăn năn là một bi kịch tinh thần nên văn Nam Cao đâu còn là văn, nó là tiếng kêu cứu, tiếng rên của một tâm hồn bị cào xé, nó là tâm, là huyết, là máu lệ hóa thân thành chữ nghĩa, là những vất vả quằn quại của con người trong cuộc sống hàng ngày, là tấn bi kịch tinh thần có thể hủy hoại cả đời người, có thể đánh hỏng cả những nhân cách vốn trong trẻo cao khiết.

Ước mơ là vậy, khát vọng là vậy nhưng thực tế xã hội không phải là một điều kiện tốt để những nhân vật này thực hiện được khát vọng đó. Chính vì vậy, một thực tế phổ biến trong sáng tác của Nam Cao về trí thức là nhìn chung, toàn bộ nhân vật trong sáng tác của ông đều là một chuỗi những bi kịch. Có cái đau của sự suy sụp, sa sút về nhân cách, có cái đau về sự tha hóa về nhân tính, nhưng có thể nói, nỗi đau, sự dằn vặt, day dứt về sự nghiệp, về hoài bão, về giấc mộng không thành là nỗi đau có sức ám ảnh nhất trong sáng tác của Nam Cao, nói như nhà nghiên cứu Phong Lê thì, thế giới nghệ thuật của Nam Cao là một nỗi đau đớn vì những nỗi đau khổ thể hiện ra trong rất nhiều dạng của con người. Nói đến điều này, chúng ta cũng cần phải khẳng định thêm, nét đặc sắc nhất trong sáng tác viết về đề tài người trí thức của Nam Cao không phải là viết về con người tha hóa mà là viết về con người thức tỉnh. Nam Cao

am hiểu những con người cùng khổ, ông đi sâu vào thế giới nội tâm của từng nhân vật để tìm hiểu và khám phá sự biến chuyển trong tâm lý nhân vật. Nam Cao nhận thấy, sau những lỗi lầm của nhân vật thì nỗi dày vò lại xuất hiện, bản chất nhân văn của con người lại hiện về. Vì vậy thời điểm Nam Cao chọn để mô tả là thời điểm thức tỉnh. Xét về mặt dạng thức tâm lý thì thức tỉnh chính là quá trình tự ý thức.

Trong Đời thừa, Hộ ân hận, đau đớn vì giấc mộng văn chương đổ vỡ mà anh ta bên cạnh đó còn có hành vi ích kỉ nhỏ nhen, tàn nhẫn với vợ con. Câu chuyện bày ra trước mắt chúng ta những cảnh huống trớ trêu của một nhà văn vốn đề cao nguyên tắc tình thương nhưng sau mỗi lần say rượu về lại chửi vợ, đánh con. Hộ đã chà đạp lên lẽ sống tình thương mà mình tôn thờ. Ý thức được điều ấy, hắn thấy lòng tràn đầy ân hận. Tuy nhiên, đằng sau cái khốn khổ của một người cha không yêu thương được hết mực vợ con là hình ảnh của một trí thức, một nhà văn có khát khao phát triển tận độ về nghề nghiệp nhưng chẳng thực hiện được. Và với cái nhìn có hành động tàn nhẫn với những người thân, cái dằn vặt nhất, dằn vặt hơn cả của nhà văn chính là cái khốn khổ vì không thực hiện được hoài bão của nghề nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó mà nhân vật của chúng ta mới đau khổ chồng đau khổ, và nỗi đau âm ỉ hơn cả chính là nỗi đau vì không thực hiện được hoài bão của chính mình.

Bên cạnh Đời thừa, trong Sống mòn, Giăng sáng, Nước mắt, các nhân vật chính đều là những trí thức có tài phải rơi hàng suối nước mắt khóc vì ân hận, vì những lầm lỗi mà mình gây ra. Hộ, Điền, Thứ là những nhân vật như thế. Thứ (Sống mòn) hăm hở bước vào đời với một hoài bão lớn nhưng cả cuộc đời anh, chốt lại là không có chút thời gian rảnh rỗi nào và anh đã học rất chăm. Anh luôn tự nhủ “phải có một trình độ học thức khá cao. Phải luyện tài. Có học, có tài, y mới có đủ năng lực để mà phụng sự cái lý tưởng của y. Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm, y sẽ cầm bút mà chiến đấu.” Điền trong Giăng sáng cũng có quá khứ là một thời “chăm chỉ đọc sách, viết văn. Điền náo nức muốn trở nên một văn sỹ. Điền nguyện sẽ cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đầy mà nhân văn nước mình phải chịu.”... Có thể thấy rằng, những Hộ, Thứ, Điền – hiện thân tiêu biểu của văn sỹ Việt Nam thời đó đều có một ý thức sâu sắc về sự sống, không bằng lòng với cuộc sống nhàm chán, quẩn quanh, vô danh, vô nghĩa. Họ là những con người muốn lên cao, đầy khát khao và mơ ước. Thứ trong Sống mòn luôn “thích làm một việc gì đó có ảnh hưởng đến xã hội ngay” và mong muốn đem “những sự đổi thay đến cho xứ sở mình.” Hơn một lần Thứ mơ ước “mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng vượt lên bên trên sự tầm thường để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại thôi. Y nghĩ đến những phương kế để xoay ngược lại, đồng thời xếp đặt người với người cho ổn thỏa hơn”. Những con người mang hoài bão lớn ấy khi chạm chán với cuộc đời đều nếm trải đắng cay, đau đớn,

đều lâm vào tình trạng sống mòn. Tuy nhiên, cái đáng quý của những nhân vật như Thứ, cái nhắc người ta mãi nhớ về họ với một sức ám ảnh lạ kỳ chính là dẫu bị áo cơm ghì sát đất nhưng họ lại chưa hoàn toàn cạn kiệt niềm tin, niềm hy vọng, vẫn khát khao được sống, được cống hiến và phát triển. Trong họ luôn cháy sáng một khát khao, một niềm tin mỗi cá nhân sẽ được tham gia vào công việc xã hội, được cống hiến cho sự phát triển của loài người. Là một người nước ngoài nghiên cứu văn học Việt Nam, với những rào cản về ngôn ngữ, đôi khi là cả văn hóa nhưng tôi không thể quên được cảm giác đầu tiên khi đọc những dòng văn của Nam Cao gửi gắm qua nhân vật Thứ: “Thứ vẫn không thể chịu đựng được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì cao đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công việc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. ” Rõ ràng là, qua tâm sự của Thứ, chúng ta thấy được khát vọng cháy bỏng của anh để được cống hiến, được phát huy tận độ khả năng của bản thân, góp phần vào việc xây dựng đất nước. Đó là một khát vọng đẹp và hết sức đáng trân trọng của lớp trí thức Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử với những biến cố phức tạp đầu thế kỷ XX. Tôi cho rằng, khi nhà văn miêu tả nhân vật biết tự ý thức như vậy cũng chính là việc miêu tả nhân vật đã đi đến tận cùng của nỗi đau và sự tuyệt vọng. Tác phẩm của Nam Cao vì thế có chiều sâu và có một sức ám ảnh bạn đọc đến lạ kỳ.

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w