1 Nguyên văn: “还有润土,他每到我家来时,总问起你,很想见你一回面。我已经将你到家
3.2.1. Lỗ Tấn với thủ pháp bạch miêu
Nhà văn hiện thực lớn Lỗ Tấn đặc biệt chú ý vấn đề xây dựng điển hình nhân vật, đó là nhiệm vụ số một của chủ nghĩa hiện thực. Hình tượng điển hình của nhân vật người nông dân trong truyện của ông đặc biệt đa dạng, sinh động, gieo ấn tượng sâu sắc. AQ, Nhuận Thổ, Thím Tường Lâm, Tư Thiền, cô Ái v.v... là hình tượng nhân vật người nông dân bị áp bức, bị lăng nhục trong xã hội cũ. Những nhân vật này được người đọc nhớ mãi không phải vì họ có những nét tính cách kỳ dị, có sở thích gì quái gở, mà họ chỉ là những con người bình thường, quen thuộc với bạn đọc, như là người quen thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Vấn đề là nhà văn đặt nhân vật ngồi đúng chỗ, cho họ xuất hiện trong một bối cảnh thích hợp, hay nói cách khác, tác giả đã xây dựng được tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
AQ xuất hiện trong cái làng Mùi hẻo lánh, bưng bít, lạc hậu vào lúc Cách mạng Tân Hợi xảy ra rồi tan đi là một bối cảnh đậm nét để làm nổi bật quá trình phát triển tính cách nhân vật: từ mê muội với cái bảo bối thắng trận tưởng tượng đến thức tỉnh, đi theo cách mạng rồi ngơ ngác trong cảnh “đại đoàn viên”. Lỗ Tấn đã xây dựng được một hình tượng nhân vật điển hình bất hủ: người nông dân Trung Quốc mê muội, lạc hậu đang ngơ ngác trước tấn tuồng lịch sử do giai cấp tư sản đạo diễn.
Khi xây dựng tính cách nhân vật điển hình, Lỗ Tấn rất chú ý đến phương pháp miêu tả truyền thống vốn bắt nguồn từ hội họa: “vẽ rồng điểm mắt” (ngọa long điểm hình). Ông nói: “Vẽ người tốt nhất là vẽ con mắt, nếu vẽ cả bộ tóc, cho dù thật đến mấy cũng không có tác dụng gì”. Lỗ Tấn tiếp thu và phát triển bút pháp truyền thống đó. Trong truyện ngắn, ông nghiền ngẫm rất kĩ để có thể thông qua vài nét chọn lọc, vài lời nói độc đáo để phản ánh cả thế giới tinh thần của nhân vật.
“Bạch miêu” vốn là một kĩ xảo và phương pháp truyền thống của hội họa Trung Quốc, rất coi trọng dùng bút mực thanh thoát và giản dị để vẽ nét viền của hình của vật bằng đường nét thô, dùng hình để đưa ra cái thần. Về sau, kỹ xảo này được mượn để làm một phương pháp miêu tả của văn học Trung Quốc, thường hay dùng trong các tiểu thuyết để xây dựng nhân vật, nhưng có lúc cũng dùng trong tạp văn và các thể văn khác để làm một kiểu phương thức diễn đạt của ngôn ngữ, trong hành văn thông thường dùng thuật lại, dẫn lời người khác và vẽ nét viền đơn giản để thể hiện cái thần của sự vật hoặc thế giới tâm linh của nhân vật. Bậc thầy văn học Lỗ Tấn đã
tiếp thu kinh nghiệm của nghệ thuật hội họa này, sử dụng kĩ xảo bạch miêu này vào nghệ thuật ngôn ngữ, làm cho cái hình và thần của sự vật dưới cây bút của ông miêu tả được nổi lên, và do vậy, văn chương sẽ đạt được hiệu quả tuyệt vời, có sức hấp dẫn con người to lớn.
“Dĩ hình truyền thần” là một lí luận nghệ thuật của họa sĩ nổi tiếng đời Đông Tấn Trung Quốc Cố Khải Chi nêu ra. Cái “hình” là cơ sở của nó, trọng điểm là biểu hiện cái “thần”, thông qua hình để viết thần. Lỗ Tấn là một họa sĩ cao cấp, ông vận dụng nghệ thuật hội họa truyền thống này vào trong sáng tác, làm cho tác phẩm văn học mang tính sáng tạo, thông qua miêu tả điển hình để truyền thần tả ý, đó chính là một nguyên nhân quan trọng khiến cho người ta nhận thấy ngôn ngữ bạch miêu có “thần lí cực tuyệt”, “thần lí như họa”. Vị dụ: trong truyện ngắn Lễ cầu phúc, ông có ba lần miêu tả chân dung của thím Tường Lâm, đó chính là thủ pháp bạch miêu này: thím Tường Lâm lần đầu tiên đến nhà ông Tư Lỗ, là một đàn bà góa sau khi mất chồng mới về đến Lỗ Trấn làm thuê, “chị đầu quấn cái bện vải trắng, mặc quần thâm, áo kép màu lam, áo cánh nguyệt bạch, tuổi trạc hăm sáu hăm bảy, da mặt xanh vàng, nhưng đôi má thì vẫn đỏ”, “mắt lại chỉ nhìn xuống, chẳng nói một lời”. Đoạn bạch miêu chân dung này chứng tỏ: chị là một người phụ nữ nông thôn cần cù và chính thống, tính cách hướng nội, yên phận hiền lành, khỏe mạnh, lại là một người đàn bà góa trẻ vừa mất chồng, vì gia cảnh nghèo khổ và có những sự việc khó nói ra mà phải xa nhà để kiếm sống, và chị mong muốn dùng sức lao động của mình mà sinh sống, để thay đổi số phận trước mắt. Lần thứ hai, thím Tường Lâm đến nhà ông Tư Lỗ, vì sau khi tái hôn, thím vẫn không có chỗ dựa, trong tình huống bế tắc này, thím lại đành phải đến Lỗ Trấn làm mướn. Lúc này, “đầu chị vẫn quấn cái bện trắng, vẫn mặc quần thâm, áo kép lam, áo cánh nguyệt bạch, mặt vẫn xanh vàng, tuy có đôi má thì không còn huyết sắc nữa, mắt vẫn nhìn xuống, kẽ mắt có ngấn lệ, mà mắt cũng không được tinh thần như trước”. Đoạn bạch miêu chân dung này cho thấy: sau khi thím trải qua những đau đớn trong một loạt biến cố tàn khốc của cuộc sống như: bị ép buộc tái giá; mất con, mất chồng; bị thu nhà v.v... , tinh thần đã bị tàn phá hủy hoại rất lớn, nhất là nỗi đau đớn vì mất con, càng khiến cho thím khó mà chịu đựng được. Sự đau xót khó quên này đã khiến cho thím chưa già mà đã yếu, dần dần trở thành một con người tinh thần bất an, và cũng bất đầu mất đi lòng tin cuộc sống của mình. Khi thím Tường Lâm lần thứ ba đến nhà ông Tư Lỗ, “mái tóc hoa râm năm năm về trước, năm nay đã trắng toát, trông thật chẳng còn vẻ gì là vẻ trên dưới bốn mươi, mặt hốc hác quá, da thì vàng xỉn ngả đen cả đến cái vẻ rầu rĩ năm xưa, nay cũng mất hết, trông cứ như mặt gỗ, chỉ còn mỗi cặp mắt, đôi lúc chuyển động là còn tỏ ra đó là một vật sống”. Đoạn bạch miêu chân dung này tỏ rõ: sau khi thím Tường Lâm trải qua những cảnh ngộ bi thảm trong cả cuộc đời của mình, cuối cùng trở thành một người ăn xin, lưu lạc xó chợ, cuộc sống của thím đã hoàn toàn tuyệt vọng, trở thành một người mất đi sức lao động và tinh thần tê liệt. Chính như vậy, những từng trải bi thảm trong cuộc đời thím Tường Lâm được lọc trong ba đoạn bạch miêu, đồng thời những đặc trưng chân dung của thím trong ba thời điểm khác nhau cũng như một bức tranh phù điêu đứng sừng sững trước mặt độc giả.
Trong sách Đông Pha Đề, nhà văn đời Tống Tô Thức từng nói: “Truyền thần chi nan tại dư mục”, tức là muốn truyền đạt cái thần, việc khó nhất là miêu tả đôi mắt. Ông Lỗ Tấn tự mình cũng nói lên: “Phải tiết kiệm mà vẽ ra đặc trưng của con người, tốt nhất là vẽ mắt của người ấy” hay “Chính giống những bức tranh truyền thần và tả ý, không vẽ tỉ mỉ râu mày, không ghi chú tên người, chẳng qua chỉ là lác đác mấy bút mà đã có thần có tình, sinh động như sống”. Tác giả đã nắm chặt cái tóc và đặc điểm bộ mặt của thím Tường Lâm miêu tả bằng đường nét thô, đã vẽ ra ba bộ mặt; nhưng sự thay đổi ánh mắt của chị vẫn được Lỗ Tấn coi trọng nhất và viết nhiều nhất. “Mắt chỉ nhìn xuống” – đây là ánh mắt của một nữ tính dịu dàng; “kẽ mắt có ngấn lệ in, mà mắt cũng không được tinh thần như trước” – đây là ánh mắt của một người có cảnh ngộ bi thảm, nội tâm tràn đầy sự đau đớn; “cả đến vẻ rầu rĩ năm xưa, nay cũng mất hết, trông cứ đực như mặt gỗ”, “chỉ còn mỗi cặp mắt, đôi lúc chuyển động là còn tỏ ra đó là một vật sống.” – đây là ánh mắt của thím như một pho tượng gỗ mà mất đi linh hồn. Trong sự đối chiếu rất rõ ràng, nổi lên số phận của thím Tường Lâm trong ba thời điểm khác nhau. Cuộc đời của thím bị xiềng xích gông cùm trong lễ giáo phong kiến lớn mạnh ràng buộc, mặc dầu liều mạng phản kháng thế nào đều không thể thoát khỏi sự áp bức lớp lớp của phu quyền, tục quyền và thần quyền, trở thành một người tê liệt không còn cảm giác tinh thần, cuối cùng bị chết rét trên bãi tuyết vào đêm giao thừa có tiếng pháo khắp nơi. Số phận của thím Tường Lâm tại sao thê thảm như vậy? Đã có ai giết chết thím Tường Lâm? Hứa Thọ Thường có một câu nói rất hay: “ Con sói ăn cháu A Mao còn không phải coi là thê thảm, thê thảm nhất là phong kiến lễ giáo đã ăn thím Tường Lâm”. Thím Tường Lâm là vật hy sinh của chế độ tông pháp phong kiến và lễ giáo phong kiến. Tác giả viết cái chết của thím Tường Lâm, trên thực tế là tố cáo lễ giáo phong kiến một cách kín đáo và vô tình với sự bất công đối với phụ nữ, vạch trần xã hội ăn thịt người, cứu chữa cho những tâm hồn bị tư tưởng phong kiến reo rắc độc hại.
Nghệ thuật “dĩ hình truyền thần” của Lỗ Tấn, tuyệt đối không chỉ riêng là vấn đề kỹ xảo, quan trọng nhất là, nó đến từ những tự nghiệm sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống xã hội, sự nắm vững chính xác đối với những đặc trưng của tính cách nhân vật, nên mới có thể làm cho hành văn của ông như hội họa, lời nói của ông có thể xuyên qua tâm hồn của người khác, tạo nên một sức hấp dẫn sinh động như sống, cảm động lòng người, cho độc giả được hưởng thụ những mỹ cảm, tuy tác giả đã kết thúc truyện mà vẫn thấy thần diệu, ý vị tuyệt vời.
Trong truyện ngắn của Lỗ Tấn, thủ pháp bạch miêu được vận dụng một cách tài tình. Dùng thủ pháp bạch miêu cao siêu này giúp cho giản lược việc miêu tả hoàn cảnh và con người. Dùng thủ pháp bạch miêu tiến hành miêu tả hoàn cảnh, cho hoàn cảnh miêu tả phát triển cùng tình tiết và sự thay đổi của nhân vật hòa vào nhau, khiến cho người và hoàn cảnh hòa hợp vào nhau. Như phần mở đầu của Cố hương:
“Tôi không quản trời lạnh giá, về thăm làng cũ, xa những hai ngàn dặm mà tôi đã từ biệt hơn hai mươi năm nay.
Đang độ giữa đông. Gần về đến làng, trời lại càng u ám. Gió lạnh lùa vào khoang thuyền, thấy xa gần thấp thoáng mấy thôn xóm tiêu điều, hoang vắng, nằm im lìm
dưới vòm trời màu vàng úa, không nén được, lòng tôi se lại.
A, đây thật có phải là làng cũ mà hai mươi năm trời nay tôi hằng ghi lấy hình ảnh trong ký ức không?”
Thủ pháp bạch miêu đã sử dụng ở đây: đoạn văn lác đác mấy chữ, không những miêu tả những hoàn cảnh dưới sự bao phủ của thời tiết u ám độ giữa đông ở cố hương, mà trong hành văn đã thổ lộ những tình cảm buồn vắng kín đáo trong tâm hồn của tác giả.
Trong AQ chính truyện, Lỗ Tấn cũng vận dụng thủ pháp bạch miêu này để miêu tả làng Mùi của AQ đang sống, đã vẽ ra một bức tranh phong tục có mùi thơm của đất quê rất đậm. Trong tiểu thuyết, những khung cảnh như: quán rượu, chùa ni cô, vườn rau v.v... không được tập trung miêu tả, mà là phác họa từng bước trong sự phát triển của tình tiết. Vận dụng thủ pháp bạch miêu này, Lỗ Tấn có thể thể hiện diện mạo lạc hậu bế tắc của nông thôn Trung Quốc trước sau cách mạng Tân Hợi một cách sâu sắc, do đó càng có tác dụng cho việc xây dựng hình tượng nhân vật điển hình AQ này.
Vận dụng thủ pháp bạch miêu, chỉ cần điểm xuyết mấy chữ đã phác họa ra thế giới nội tâm của nhân vật một cách sinh động và hình tượng. Cách viết này giống như “bức tranh tả ý”, ý chính là truyền thần, không đem hết tâm não để theo đuổi hiệu quả nghệ thuật bề mặt, mà là chăm chú tìm tòi tra cứu thế giới nội tâm của nhân vật. Cách viết này có thể thu được những hiệu quả đặc biệt như “vẽ con mắt người, để vẽ phác linh hồn của người”.
Lại như Cố hương, “lúc bấy giờ trong ký ức tôi, bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: Một vừng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con “tra” (một loại lợn rừng). Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất.”
Ở đây, Lỗ Tấn dùng thủ pháp bạch miêu để phác họa ra một hình tượng tiểu anh hùng tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba trên ruộng dưa bên bờ biển vào một đêm trăng. Ngắn gọn thanh thoát, mới mẻ đẹp đẽ, dường như một làn điệu mộng ảo đầy chất thú vị của tuổi thơ ấu, vang vọng trong tâm hồn của người đọc. Trong cùng thiên truyện ngắn này, tác giả đã miêu tả Nhuận Thổ khi trưởng thành sau hơn hai mươi năm, càng khiến cho người đau lòng:
“Người đi vào là Nhuận Thổ. Tuy tôi nhận ra ngay là Nhuận Thổ, nhưng lại không phải là Nhuận Thổ trong ký ức tôi. Anh cao gấp hai thước, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng xạm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm. Cặp mắt giống hệt cặp mắt bố anh ngày trước, mi mắt viền đỏ húp mọng lên. Tôi không lấy làm lạ: ở miền biển, gió thổi suốt ngày, đại để ai cũng thế cả. Anh đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài. Bàn tay này cũng không phải là bàn tay tôi còn nhớ, hồng hào, lạnh lẹn, mập mạp, cứng rắn, mà vừa thô kệnh vừa nặng nề, lại nứt nẻ như vỏ cây thông.”
Có thể thấy, dưới trùng trùng sức ép của tình trạng nhiều con, mất mùa, sưu thuế, binh lính, kẻ cướp, quan lại, cường hào, Nhuận Thổ đã bị vắt kiệt mọi tinh túy, trở thành một người khô quắt, tê liệt, giống như một pho tượng đá. Điều càng đáng sợ là dưới sự kiềm chế trong hoàn cảnh gian nan và sự giày vò của chế độ cũ, linh hồn của Nhuận Thổ đã tê liệt không còn cảm giác, anh ấy đã ngầm thừa nhận khoảng cách đang vắt ngang giữa mình và bạn thân nhất trong tuổi thơ ấu, “rồi bỗng anh lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch: bẩm ông!...”
Nói chung, trong sáng tác của Lỗ Tấn, chúng ta có thể thưởng thức thủ pháp bạch miêu trong việc phác họa, miêu tả nhân vật và hoàn cảnh một cách sinh động tươi sáng. Chỉ cần ngắm một nét vằn mà biết cả con beo (báo).