Môi trường sống và và vấn đề “quốc dân tính” của người nông dân

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 56 - 59)

1 Tên sách tiếng Anh là: Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley (825-895), nhà sinh vật học người Anh, học trò của Darwin.

2.2.1.1. Môi trường sống và và vấn đề “quốc dân tính” của người nông dân

AQ, cái tên không chỉ quen thuộc với người dân Trung Quốc, mà còn hết sức quen thuộc với người dân Việt Nam và các nước khác trên thế giới, không chỉ trong các quốc gia phương Đông mà ngay cả các học giả phương Tây như Mỹ, Anh, Đức, Pháp cũng hết sức quen thuộc với đứa con tinh thần này của Lỗ Tấn.

AQ chính truyện lấy bối cảnh là cách mạng Tân Hợi. Lúc này tuy giai cấp tư sản Trung Quốc đã hình thành nhưng vì thực lực bé nhỏ, bản chất ốm yếu què quặt nên bóng dáng của họ ở nông thôn vẫn còn mờ nhạt. Quan hệ giai cấp chủ yếu trong làng Mùi vẫn là quan hệ đối lập giữa địa chủ và nông dân. Không khí xã hội vẫn là không khí của nông thôn thời phong kiến. Nhân dân lao động vẫn còn nghĩ theo nề nếp cũ của chế độ phong kiến từ ngàn năm. Ví dụ như khi AQ bị cụ Triệu bạt tai, người ta nghĩ ngay AQ sai, chứ chẳng nhẽ cụ cố Triệu mà lại sai sao? Dân làng Mùi quanh năm chỉ biết bàn tán về sinh hoạt của các gia đình phú ông chứ chẳng có một sinh hoạt tinh thần nào có giá trị. Họ trầm trồ khi AQ phát hiện ra cách chiên cá ở trên huyện khác với cách chiên của dân làng Mùi, và họ cũng bị hấp dẫn với những thông tin có người bị xử chém. Còn giai cấp địa chủ thì sao? Họ vẫn ung dung bóc lột

người làng mình. Làng Mùi vì thế, là bức tranh thu nhỏ của nước Trung Quốc lạc hậu và trì trệ.

Có thể thấy rằng, cuộc cách mạng Tân Hợi đã làm chấn động không khí tù hãm của làng Mùi. Trong một chừng mực nào đó, uy thế của bọn địa chủ đã bị lung lay (cụ cố Triệu, cụ cố Tiền) và người dân lao động đã có những lúc được giải phóng tinh thần (những ngày đi tìm cách mạng của AQ). Tuy nhiên, cái nhà văn muốn nói đến ở đây là chỉ ra chân tướng của một cuộc cách mạng nửa vời, hoàn toàn do bọn quan lại, địa chủ thao túng, lợi dụng, còn quảng đại quần chúng nhân dân bị bỏ rơi. Những người cố nông hăng hái cách mạng như AQ thì bị cự tuyệt, cuối cùng còn trở thành vật hy sinh vô nghĩa lý cho bọn đầu cơ cách mạng. Vì thế, cách mạng chẳng mang đến một biến đổi nào, quan huyện vẫn như xưa, quan lãnh cũng vậy, chỉ thay tên gọi. Làng Mùi vẫn là giang sơn của họ Triệu, họ Tiền. Lỗ Tấn đã thể hiện tập trung thực chất của cách mạng Tân Hợi, nêu lên những nhược điểm căn bản của nó, thể hiện tinh thần phê phán triệt để cuộc cách mạng Tân Hợi.

Nhà nghiên cứu Vương Nhuận Hoa của Đại học Quốc gia Singapore trong bài

Cuộc hành trình vào trung tâm của bóng tối và bóng dáng văn học kỷ hành trong truyện ngắn của Lỗ Tấn [119; 41] đã nhìn AQ chính truyện trong mô típ du lịch. Ông cho rằng, tuy được che đậy bằng cốt truyện nhưng tác giả đã phát triển cốt truyện bằng cách miêu tả cuộc "hành trình" của AQ lên huyện rồi trở về làng Mùi, rồi lại từ làng Mùi, hắn bị đưa lên huyện để hành hình. Ông cho rằng, "con đường trong truyện ngắn Lỗ Tấn thường là nơi diễn ra một sự thay đổi nào đó". Ở AQ chính truyện, đó chính là nơi AQ bị bắt đưa lên huyện, mang đi thị chúng trước khi bị hành hình. Vương Nhuận Hoa đã chia con đường trong truyện ngắn Lỗ Tấn thành hai nhóm: con đường trở về quê hương và hành trình đến những tỉnh thành, trong đó, nhóm 1 phản ảnh một xã hội cũ kỹ, một xã hội quá khứ với những con người cũ; nhóm 2 phản ảnh sự bắt đầu và miêu tả ánh sáng của cuộc cách mạng Trung Quốc.

Nhìn chung, có thể thấy rằng, AQ là điển hình của những người vô sản nông thôn Trung Quốc có một khả năng tiềm tàng cách mạng nhưng bị phép thắng lợi tinh thần trói buộc nên đang ngơ ngác trước tấn tuồng lịch sử do giai cấp tư sản đạo diễn. Nhân vật AQ là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Nhân vật này được Lỗ Tấn nhắc đến nhiều trong các bài báo sau này của ông. AQ là người bần cùng nhất trong số những người bần cùng Trung Quốc cũ. Không cha mẹ, không nhà cửa, đến cái tên cũng chỉ như một kí hiệu, để cho gọi là có. Cái y có mà mọi người không có chỉ là một cái đầu đầy sẹo và chiếc đuôi sam vàng hoe. Dân làng Mùi giao tiếp với y bằng ngôn ngữ của tiếng cười, của cây gậy hoặc cái bạt tai nảy lửa, đúng như Đặng Thai Mai từng nói về AQ "một chữ không to tướng phủ lên lá số tử vi của AQ". Bị tước

mọi quyền cơ bản nhất của con người, y mang trong mình khát khao chiến thắng đối thủ bằng cách tự đề cao mình một cách chủ quan và ảo tưởng. Đặc điểm này đã tạo nên tính cách đa dạng đầy mâu thuẫn của y.

Không khó để nhận ra rằng, nhân vật AQ mang đầy đủ ý thức văn hóa nông nghiệp lạc hậu của xã hội cận đại Trung Quốc. Tâm lý của AQ là tâm lý của một kẻ thất bại mà cam chịu thụt lùi. Trong tính cách của AQ ta thấy có hồi quang của quá khứ xa xưa. Chúng ta cũng có thể tìm thấy nguồn gốc của chủ nghĩa AQ chính trong những phát biểu của tác giả, đó là "nền văn minh tinh thần Trung Hoa" mà người dân nước này tự khoe là bậc nhất trên toàn cầu. Phép thắng lợi tinh thần bắt rễ từ thói tự cao tự đại ấy. Giai cấp thống trị phong kiến Trung Quốc có một niềm tự hào vì được cai quản một xứ sở đất rộng người đông, có một lịch sử lâu đời và từng có một nền văn minh rực rỡ. Sự tồn tại lâu đời của chủ nghĩa phong kiến Trung Hoa đã tạo nên thói bảo thủ. Đúng như Lỗ Tấn từng nói: "Đáng tiếc là Trung Quốc khó thay đổi. Ví dụ như chỉ chuyển một cái bàn, đặt lại một cái lò sưởi, hầu như cũng phải đổ máu, cũng vị tất có thể chuyển được, đặt lại được" [27; 77]. Mặc dù chiến tranh thuốc phiện năm 1840 thất bại, đất nước đang rệu rã nhưng bọn vua quan nhà Mãn Thanh vẫn bệ vệ ngự trên tất cả những thất bại của mình bằng cách tự bịt mắt lại rồi tơ tưởng đến quá khứ vinh quang của mình như anh chàng AQ từng làm. Qua hình tượng AQ chúng ta thấy rằng, chính hình thái ý thức này của giai cấp thống trị phong kiến đã tiêm nhiễm vào một bộ phận nhân dân, trong đó có tầng lớp AQ. Thói tự cao tự đại, thói bảo thủ, tâm lý thất bại như những con vi trùng xâm nhập vào các giai tầng xã hội, nó trở thành bệnh thái tinh thần của cả một thời đại, làm hư hỏng một số khá đông người dân Trung Quốc.

Ngoài nguyên nhân từ phía giai cấp thống trị phong kiến, cũng có nguyên nhân từ phía người nông dân. Chính phương thức sống biệt lập, phân tán, bưng bít, phương thức sản xuất lạc hậu, cộng thêm những gánh nặng tô thuế, không được học hành... đã khiến họ kém giác ngộ, không nhận thức đúng đắn thế giới bên ngoài, từ đó nảy sinh phép thắng lợi tinh thần là điều không có gì khó hiểu.

Như vậy, xã hội Trung Quốc cận đại chính là mảnh đất thích hợp nhất sản sinh ra phép thắng lợi tinh thần của AQ, nhưng ở các thời đại khác nhau, các dân tộc khác nhau, nếu có những điều kiện tương tự như thời kỳ nô lệ đau thương đầy nước mắt của Trung Quốc thì cũng có thể nảy sinh phép thắng lợi tinh thần mang dấu ấn riêng của thời đại ấy, của dân tộc ấy. Trên trái đất này, hễ còn có người nào rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, thất bại mà không biết cách hoặc không đứng dậy cải thiện tình trạng, họ chỉ sống trong giấc mơ ảo tưởng không dám thừa nhận hiện trạng bị áp bức khổ nhục của mình thì không sớm thì muộn, sẽ rơi vào tình trạng như AQ mà thôi. Đây

chính là điểm vĩ đại nhất trong tư tưởng của Lỗ Tấn qua thiên truyện này: Tiếng gào thét của nhà văn về một hiện trạng của Trung Quốc trước nguy cơ diệt vong cũng chính là lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới về một căn bệnh tinh thần có thể đến bất cứ lúc nào với bất kỳ ai. Chúng ta nhớ Lỗ Tấn cũng là nhớ về lời căn dặn của ông. Chẳng thế mà, nhà văn Panachi của Ấn Độ từng nói: "AQ chỉ có cái tên là của Trung Quốc, nhân vật này ở Ấn Độ của chúng tôi cũng từng thấy".

Qua công trình sáng tạo điển hình AQ, ngòi bút Lỗ Tấn tỏ ra tỉnh táo và sâu sắc. Ông không nhìn sự vật ở biểu hiện bên ngoài, không phiến diện, một chiều. Ông phê phán những biểu hiện lạc hậu mê muội của nông dân, đồng thời phát hiện khả năng cách mạng còn tiềm tàng của họ. Quá trình sáng tạo của ông là quá trình điển hình hóa của một ngòi bút bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực bởi vì ở đây thể hiện sự gắn bó đồng bộ giữa sự khái quát hóa và cá biệt hóa theo quy luật thẩm mỹ mà theo cách nói của chính Lỗ Tấn là: lặng lẽ quan sát, nhớ nhập tâm, sau đó mới tập trung tinh thần, đưa bút là thành chứ không hề đơn độc dùng một người mẫu. AQ chính truyện vì thế trở thành một điển hình "độc nhất vô nhị" của văn học hiện đại Trung Quốc, một kiệt tác của văn chương thế giới.

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 56 - 59)