Triết lý về đời, về kiếp

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 51 - 54)

1 Tên sách tiếng Anh là: Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley (825-895), nhà sinh vật học người Anh, học trò của Darwin.

2.1.2.3. Triết lý về đời, về kiếp

Có nhà nghiên cứu từng khẳng định: "Có thể nói, dù viết về người nông dân hay người trí thức, vượt lên trên ý nghĩa cụ thể của đề tài, sáng tác của Nam Cao thường đụng chạm tới những vấn đề triết học sâu sắc, có khả năng khái quát những quy luật chung của đời sống như vật chất và ý thức, hoàn cảnh và con người, môi trường và tính cách"[84; 317]. Vâng, có thể thấy rằng, là nhà văn thành công ở chặng cuối của dòng văn học hiện thực phê phán của Việt Nam, Nam Cao không chỉ đơn giản dừng lại ở những nỗi khổ về vật chất đến tận cùng như các sáng tác đương thời. Ông khai thác ở một tầng sâu hơn, ở nỗi khổ về mặt tinh thần của con người. Chẳng thế mà, chúng ta thường gặp nhân vật với những tiếng thở dải tưởng như là bất tận. Đọc văn của ông, cũng như ở Trung Quốc, đọc văn của Lỗ Tấn, nhiều khi làm cho con người ta thấy sợ. Sợ vì hiện thực tù túng và bế tắc đến tận cùng của con người, sợ vì những tiếng thở dài của nhân vật cũng như ẩn giấu đằng sau nó là tiếng thở dài bất tận của nhà văn, sự trăn trở về cuộc đời và về những kiếp người.

Có thể nói, những băn khoăn và các triết lý của Nam Cao về cuộc đời tuy rất nhẹ nhàng nhưng là lời kết án đanh thép nhất đối với hiện thực tăm tối và phũ phàng

trong những năm tiền cách mạng ở Việt Nam. Đó là lời lên án một xã hội phi nhân tính, một xã hội tàn độc đã cướp đi cả những quyền cơ bản nhất của con người, cướp đi của họ cả những ước mơ chân chính nhất. Không giống với các nhà văn hiện thực phê phán khác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan luôn đặt nhân vật trong những xung đột giai cấp, sáng tác của Nam Cao thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến số phận con người. Dưới góc nhìn của nhà văn, không chỉ người trí thức mà cả người nông dân đều là những "kiếp lầm than". Văn chương của ông do đó, dường như là để nói lên "những tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than". Việc phản ánh cuộc sống nghèo khổ, phải vật lộn kiếm sống của người trí thức chỉ là nền tảng để nhà văn khai thác tầng nghĩa sâu hơn như bi kịch về tinh thần của con người. Qua đó ông thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm, triết lý về kiếp người. Có thể thấy ngay rằng, các nhân vật của Nam Cao thường rất hay triết lý về kiếp, về số theo kiểu "kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút kiếp người như kiếp tôi chặng hạn!..." (Lão Hạc) hay "đời thì buồn mà kiếp người thì khổ lắm" (Sống mòn)... Cuộc sống của họ cứ tối tăm, tù đọng không lối thoát. Nhân vật trí thức như Điền, Hộ, Thứ..., dường như đều thấm thía vô cùng cảnh sống lầm than đang xâm lấn chính mình. Họ buồn, họ sợ và cũng nhiều khi, muốn làm một cái gì đó để cứu vãn. Nhưng rồi, chẳng làm được gì cả. Ở Sống mòn, Thứ đã ý thức rất rõ về cuộc sống lầm than của con người. Qua cái nhìn của nhân vật về cuộc đời, chúng ta thấy dường như cả một xã hội đều bị bủa vây bởi sự lầm than. Nông dân qua cái nhìn của Thứ là "kiếp tù đày, như những con trâu suốt đời cắm cúi vào cái cày, ăn cỏ và chịu roi". Người đàn bà trọ cùng nhà bị chồng phụ bạc qua chiêm nghiệm của Thứ thì "Đàn bà nhẫn nại hơn đàn ông, nhiều đức hy sinh hơn đàn ông. Số đàn bà bị tình phụ cũng nhiều hơn đàn ông"... Mang trong mình nỗi buồn và cảm thức về sự lầm than của kiếp người, thiên nhiên, cảnh vật trong con mắt của Thứ cũng thật buồn, thật ảm đạm theo kiểu "không gian xám tro" hay "trên nền trời bằng lặng mấy vết màu đỏ chết". Ngay cả con đường có thể cũng rất thơ mộng, nhưng dưới con mắt của Thứ đã trở thành "Con đường vắng, chạy dài, phẳng lì dưới ánh sáng úa vàng của những bóng đèn phòng ngủ... Hàng cây cối bên đường ủ rũ, bơ phờ như người ốm tương tư". Và cảnh vật trước nhà ông Hải Nam, một nhà giàu có cũng không lấy gì làm tươi sáng: "Ánh đèn tỏa xuống, hiu hắt lạnh lùng. Những cây cảnh trong giấc ngủ cũng rầu rầu. Cả đến hòn núi giả cũng rầu rầu". Qua cách miêu tả thiên nhiên của nhà văn, chúng ta phần nào cảm nhận được trong đó nỗi buồn chán, sự thất vọng của nhân vật. Với cảm quan đó, thiên nhiên trong sáng tác của ông cũng trở nên có sức ám ảnh lạ thường, nó trở đi trở lại trong tâm trí người đọc với một cảm thức về sự sống đang dần dần lụi tắt.

Hộ cũng là một nhân vật trí thức mang những chiêm nghiệm về đời và kiếp của Nam Cao. Ở nhân vật này, chúng tôi chú ý đến việc chiêm nghiệm về số phận của phụ nữ. Xin được trích dẫn ra đây đoạn thoại trong Đời thừa: "Đầu Từ nghẹo về một bên. Một tay Từ trật ra ngoài mép võng, sã xuống, cái bàn tay hơi xòe ra lỏng lẻo. Dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não. Hắn bùi ngùi. Chao ôi! Trông Từ nằm thật đáng thương! Hèn chi mà Từ khổ cả một đời người! Cái tướng vất vả lộ đến cả trong giấc ngủ. Hộ nhớ ra rằng: một đôi lúc nếu nhìn kỹ thì Từ khó mặt lắm. Đột nhiên Hộ nảy ra ý muốn lại gần Từ, nhìn kỹ xem mặt Từ lúc bấy giờ ra sao? Hắn rón rén, đi chân không lại. Hắn ngồi xổm ngay xuống đất, bên cạnh võng và cố thở cho thật khẽ. Hắn ngắm nghía mặt Từ lâu lắm. Da mặt Từ xanh nhợt; môi nhợt nhạt; mí mắt hơi tim tím và chung quanh mắt có quầng; đôi má đã hơi hóp lại khiến cho mặt hơi có cạnh. Hộ khẽ thở dài và lắc đầu ái ngại. Hắn dịu dàng nắm lấy tay sã xuống của Từ. Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra làn da mỏng và xanh trong xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ ra một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả cần được che chở và bênh vực... một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật, cần được hắn vỗ về an ủi... (Đời thừa).

Tình cảm của nhà văn về người vợ đáng thương đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc và một tình thương thật sự của người chồng đối với người vợ, của con người đối với con người - điều mà trong tâm niệm và quan niệm của Nam Cao, có ở những con người theo đúng nghĩa của nó. Qua tiếng thở than của Hộ, chúng ta thấy được sự tiến bộ của tư tưởng Nam Cao: phụ nữ là một trong những con người chịu nhiều khổ đau trong xã hội cũ, họ cần được yêu thương và đáng được yêu thương. Ở đây, Nam Cao có điểm khác với Lỗ Tấn. Ở Lỗ Tấn, chúng ta thấy được sự gào thét cần phải giải phóng phụ nữ ra khỏi căn nhà bằng sắt. Đại văn hào của Trung Quốc cũng đã dành đến gần 1/3 số tác phẩm trong Gào thét Bàng hoàng để phản ánh số phận của người phụ nữ Trung Quốc trong xã hội cũ. Ngoài ra, tạp văn cũng có khá nhiều bài bộc lộ quan điểm của ông về giải phóng phụ nữ. Chúng ta biết rằng, trong xã hội phong kiến, phụ nữ là người bị chà đạp và áp bức nhiều nhất. Bốn thứ cường quyền như: chính quyền, tộc quyền, thần quyền, phụ quyền luôn luôn hành hạ họ một cách tàn nhẫn. Ngòi bút của Lỗ Tấn chĩa vào những thứ cường quyền đó để đấu tranh và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Tuy nhiên, đề tài mà Lỗ Tấn phản ánh ở đây chủ yếu là những câu chuyện bi thảm của phụ nữ trong hôn nhân, luyến ái.

Bối cảnh lịch sử phức tạp, hiện thực cuộc sống tàn nhẫn và khốc liệt đã đem đến cho các sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ này thường có cảm giác về đời buồn và kiếp buồn. Chúng ta cũng từng có cảm giác tương tự khi đến với sáng tác của Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư... Trong sáng tác của họ cũng có những tiếng

thở dài về đời người, về kiếp người. Tuy nhiên, với Nam Cao, triết lý về đời và kiếp mới trở thành một đặc trưng nổi bật và có sức ảm ảnh khôn nguôi, trở thành một đặc điểm nổi bật làm nên phong cách của nhà văn, thể hiện cảm thức về sự bất an cho số phận con người. Cảm thức đó được nhà văn lí giải từ hoàn cảnh xã hội. Chính xã hội đầy bất công, con người bị đối xử như một con vật: không có đủ cơm ăn, không có điều kiện để thực hiện ước mơ, để sống cho đáng sống, con người với con người không có tình yêu thương đã làm xuất hiện trong nhà văn cảm thức đau buồn đó.

Rõ ràng là, qua tìm hiểu về đề tài người trí thức trong sáng tác của Lỗ Tấn và Nam Cao chúng ta thấy, tuy có khác nhau về nghề nghiệp, về loại hình, nhân vật trí thức của Lỗ Tấn được nhấn mạnh ở phương diện tha hóa, nhân vật trí thức của Nam Cao là loại nhân vật luôn có ý thức và gắng gượng để vươn lên nhưng cả hai nhà văn Lỗ Tấn và Nam Cao đều thể hiện sự đề cao người trí thức. Bằng chứng là nhân vật trí thức trong sáng tác của hai ông chiếm một số lượng rất lớn. Tuy tác phẩm viết về các nhân vật này đều có một âm điệu buồn với kết cục bi kịch nhưng dư âm đọng lại trong độc giả là tình trạng đáng thương của người trí thức và những trăn trở của các nhà văn. Cuộc sống với biết bao cực khổ, lầm than, có khi là sự bào mòn dần sự sống nhưng những người trí thức như Khổng Ất Kỷ, Cao Cán Đình, Ngụy Liên Thù của Lỗ Tấn và những Hộ, Điền, Thứ của Nam Cao luôn là những con người có trách nhiệm. Và có một điều rất dễ nhận ra là, cả hai nhà văn với tư tưởng tiến bộ của mình, đều hết sức đề cao lực lượng này trong công cuộc cải tạo xã hội. Đó chính là điểm chung và cũng là điểm sáng trong sáng tác của hai nhà văn của nền văn học hiện đại Trung Quốc và Việt Nam.

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w