Ngôn ngữ đối thoại tâm lý hóa

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 114 - 116)

2 Nguyên văn: 救救孩子

3.3.2.2. Ngôn ngữ đối thoại tâm lý hóa

Trong cuộc sống, đối thoại là phương tiện để duy trì quan hệ giữa con người và con người, nói như Bakhtin, đó là "phương tiện tồn tại của con người".

Đối thoại trong tác phẩm văn học khác với đối thoại trong cuộc sống hàng ngày. Trong tác phẩm văn học, đối thoại chịu sự chi phối rất lớn của nhà văn, nó mang ý tưởng và mục đích của nhà văn khi cho nhân vật tham gia vào đối thoại đó. Một nhà văn tài ba thì đối thoại của nhân vật vừa chuyên chở được ý nghĩ, mục đích của tác giả, vừa thể hiện được cá tính của nhân vật. Đối thoại của nhân vật, do đó, cho thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ, khai thác tâm lý của nhà văn, thể hiện khả năng tái hiện hiện thực của nhà văn đó.

Chúng tôi chỉ ra một vài đặc điểm trong việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại của Nam Cao như sau:

Thứ nhất, có thể thấy rằng, Nam Cao sử dụng ngôn ngữ hàng ngày với đối thoại ít nhưng tự nhiên và chân thực. Với đặc trưng sáng tác là nội dung đối thoại không mang tính sự kiện và ngay trong một cuộc thoại, chủ đề có thể thay đổi. Ngôn ngữ đối thoại vì thế như được nhà văn khai thác từ đời sống, tưởng chừng như bê nguyên từ cuộc sống vào, thấm đẫm chất khẩu ngữ. Sử dụng khẩu ngữ trong đối thoại, Nam Cao đã khai thác được thế mạnh của nó. Thế giới nhân vật của Nam Cao cũng bao gồm nhiều hạng người, có trí thức, có nông dân, có người lớn, có trẻ con... Ngôn ngữ của từng người thể hiện được bản chất xã hội và tâm lý, tính cách của nhân vật. Tuy nhiên, nhà văn sử dụng khẩu ngữ nhưng lại không sử dụng tùy tiện mà thực sự, đó là một quá trình chọn lọc, cải biến chức năng ngôn ngữ của tác giả. Mặc dù ngôn ngữ đối thoại ít nhưng với cấu trúc đối thoại tự nhiên mang tính khẩu ngữ, đối thoại của Nam Cao "nổi rõ giọng điệu cụ thể và đầy tâm trạng" của nhân vật, làm cho mỗi cuộc thoại với màu sắc "cảnh ngộ nào, ngôn ngữ ấy; tính cách nào - lời lẽ ấy" (Phong Lê) được thể hiện rất rõ. Đối thoại tự nhiên, chân thực còn có khả năng xóa được khoảng cách cách biệt giữa người đọc và nhân vật. Người đọc có cảm giác như được tiếp xúc với nhân vật. Từ đó, quan niệm của tác giả, tâm trạng, tình cảm, khát vọng của nhân vật đến với người đọc tự nhiên hơn.

Thứ hai, đối thoại trong sáng tác của Nam Cao đa phần là đối thoại có tính chất tâm lý hóa.

Với mục đích khám phá con người trong cái bề sâu thẳm của nó, Nam Cao lựa chọn hình thức tự nhiên nhất trong giao tiếp của đời sống con người: đối thoại. Ở Nam Cao, đối thoại không phải chỉ đơn thuần để bộc lộ một tính cách có sẵn, nó còn là sự đối diện với người khác và với chính mình, đối diện về mặt ý thức qua ngôn

ngữ. Khả năng tiềm tàng ấy của đối thoại trong sáng tác Nam Cao làm cho hầu hết tác phẩm của ông không có tính cốt truyện theo ý nghĩa chặt chẽ của từ này. Đối thoại của Nam Cao không dừng lại, không kết thúc trong một câu nói cuối cùng, nó giống như nằm ngoài cốt truyện, không theo một mạch chủ đề, có lúc lại như là vu vơ, vô nghĩa... nhà văn "ném" vào trang sách tưởng như phóng túng, tùy tiện nhưng lại rất tập trung và nhất quán, nó hướng tới sự đối thoại vô tận, biểu hiện cái tiềm ẩn - tâm lý con người.

Đối thoại của Nam Cao không giống đối thoại giao tiếp thông thường, không phụ thuộc vào cốt truyện, cũng không phụ thuộc vào các tính tiết truyện. Lời nhân vật không bị lệ thuộc vào bất kỳ một yếu tố hình thức nào, mà thường chìm vào nhận thức tâm lý.

Có thể thấy rằng, đối thoại trong sáng tác của Nam Cao nhiều khi chỉ là cái vỏ hình thức để giao tiếp. Qua lời thoại chúng ta đã thấy mục tiêu và động cơ tình cảm tiềm ẩn trong đó. Ở đây có hai tầng đối thoại: lời nói bên ngoài là một câu chuyện còn tiềm ẩn bên trong lại là tâm lý của nhân vật.

Nhiều đoạn thoại mà lời nói của nhân vật nói ra không có ý định hướng tới tâm lý người giao tiếp. Ở đây, đối tượng giao tiếp nhiều khi là chính bản thân mình, là một dạng đối tượng tâm lý tiềm ẩn.

Đối thoại của truyện ngắn Nam Cao thường hướng tới độc thoại nội tâm. Nghĩa là sau đối thoại, nhân vật thường chìm vào độc thoại nội tâm, bộc lộ quan niệm, cách nhìn và thái độ của mình. Hình thức này xuất hiện ở hầu hết các tác phẩm viết về đề tài người trí thức và một số tác phẩm viết về người nông dân. Trong đối thoại, nhân vật thường chìm vào nhận thức tâm lý. Nhân vật vừa đối thoại, vừa tư duy, hồi tưởng, nghĩ đến tương lai..., xuất hiện trong hầu hết sáng tác.

Chúng tôi dẫn ra đây đối thoại giữa Oanh và Thứ về đàn bà:

"- Cô là đàn bà, cô hiểu tâm lý đàn bà hơn bọn đàn ông chúng tôi. Tôi hỏi cô điều này, theo ý cô thì sự trinh bạch hoàn toàn có thể có không? Trinh bạch hoàn toàn, nghĩa là trinh bạch cả về hai phương diện: xác thịt, tâm hồn và nhất là tâm hồn. Trinh bạch ngay cả đến trong ý nghĩ... Có người đàn bà nào, suốt đời chỉ nghĩ đến một người đàn ông không?

Oanh chế nhạo và hơi có vẻ bất bình:

- Các ông tham quá! Các ông lấy hai, ba vợ, có khi cả chục, lại còn cô đầu, con hát, gái kiếm tiền... đủ thứ, vẫn chẳng sao. Thế mà các ông lại muốn bắt vợ các ông phải trinh tiết với các ông đến cả trong ý nghĩ.

- Tôi có bắt thế đâu? Vợ tôi vẫn tự do, vẫn đủ quyền... Nhưng tôi hỏi thế thôi. - Các ông hãy hỏi chính các ông! Các ông có thể trung thành với vợ các ông ngay cả trong ý nghĩ hay không?

Thứ hơi ngượng ngịu. Y ngẫm nghĩ rồi cười mà bảo, như bảo với chính mình: - Ờ nghĩ cũng lạ! Ai cũng biết rồi, sao mà ai cũng băn khoăn, đau khổ vì cái sự không thể có ấy? Tại sao người ta lại đến mất ăn, mất ngủ khi biết rằng vợ mình đã có lần yêu một người đàn ông khác, hay là hiện thời cũng có lúc ngẫm nghĩ đến những người đàn ông khác? Trong khi ấy, nếu trông thấy một cô nào thích mắt, mình

vẫn nhìn, vẫn thích và cho sự ấy là thường lắm! - Thế mới là ích kỷ.

Oanh gần như the thé. Mặt y vênh lên một chút"[12 ; 211].

Hay như cuộc đối thoại giữa những người phụ nữ trong nhà trọ của ông Học. Họ nói với nhau về một người đàn bà trọ cùng nhà, vợ một ông phán nhưng bà ta bị chồng tình phụ:

"Bà Học như ghen hộ:

- Chịu lép là chịu lép thế nào? Tôi mà thế thì nhất định là không ức được tôi. Có lắm tiền, có giỏi giang mấy đi nữa, cũng là lấy chồng tôi. Lấy chồng tôi thì phải chịu quyền tôi. Chực lấn át tôi là không thể được! Sao như vậy mà bà chịu được?

Bà hỏi bà kia như vậy, bà kia chép miệng:

- Không chịu thì biết làm sao được? Mắc cái tại chồng mình. Chồng mình mê nó thì nó mới bắt nạt được mình.

- Bắt nạt là bắt nạt thế nào! Tôi thì tôi xé xác nó ra!

- Xé xác nó ra cũng chẳng được gì? Chỉ tổ đàn ông ghét. Thà chịu nước lép đi thì người ta còn thỉnh thoảng đi lại với mình. Làm mất mặn mất nhạt thì người ta mặc kệ, bất lai đoái hoài, đã làm gì được người ta? Thôi! Tôi thì ai chê là ngu, là dại tôi đành chịu, nhưng rồi chịu nước lép ngay cho rồi!

Bà nói xong, thở dài. Mặt bà buồn rười rượi. Bà Học thì tức lâu. Bà lảm nhảm, nghiến ngấu mãi không thôi" [12; 226].

Thứ 3, có thể dễ dàng thấy được, đối thoại của truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao thường có lời dẫn thoại. Ở đây, lời dẫn thoại vừa miêu tả tâm lý, tâm trạng, vừa là những đánh giá, nhận xét của tác giả.

Trước lời thoại trong tác phẩm của Nam Cao thường có một loạt lời miêu tả tâm lý, tâm trạng nhân vật nên lời thoại nhiều khi như một sự buột lời khi nhân vật đang trong dòng tâm tưởng, hoặc để lảng tránh tâm trạng thực...nó không bị phụ thuộc vào lời dẫn thoại. Có khi bên cạnh lời dẫn lại là lời giải thích, nhận xét về hành động nói năng của nhân vật. Lời dẫn thoại khi đó chuyển thành lời miêu tả tâm trạng, giải thích, đánh giá, nhận xét về hành động lời nói nhân vật đã giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về lời nói và tâm trạng của nhân vật. Kiểu lời dẫn này thích hợp với những câu dạng cảm thán của nhân vật và nó xuất hiện nhiều hơn cả. Điều này hoàn toàn phù hợp với bút pháp tâm lý của Nam Cao.

Một phần của tài liệu So sánh văn xuôi tự sự của lỗ tấn và nam cao (Trang 114 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w