1 Tên sách tiếng Anh là: Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley (825-895), nhà sinh vật học người Anh, học trò của Darwin.
2.2.2. Vấn đề xã hội và con người trong sáng tác về người nông dân của Nam Cao 1 Môi trường sống phi nhân tính và vấn đề tha hóa, lưu manh hóa của
2.2.2.1. Môi trường sống phi nhân tính và vấn đề tha hóa, lưu manh hóa của người nông dân Việt Nam trước cách mạng
Khác với cảnh náo nhiệt với các thanh âm ồn ào trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, không gian nông thôn trong sáng tác của Nam Cao thường hết sức tiêu điều, xác xơ vì đói nghèo. Nó là một không khí ảm đạm tiêu biểu cho nạn đói của dân tộc Việt Nam những năm tiền cách mạng. Nhân vật nông dân của Nam Cao được khắc họa trong một môi trường như thế. Ông đặc biệt đi vào miêu tả tình cảnh và số phận những con người bị đày đọa vào những cảnh nghèo đói, cùng đường, bị hắt hủi, lăng nhục một cách tàn nhẫn, bất công. Đúng như Lê Đình Kỵ nhận định: "Ngòi bút Nam Cao đặc biệt sắc sảo là khi vẽ lại những con người quặt quẹo, méo mó, đần độn, cục súc, táng tận lương tâm"[65; 448].
Một đặc điểm rất dễ nhận thấy trong bức tranh nông thôn của Nam Cao là ông thường đặt nhân vật vào môi trường rất khốc liệt, có thể gọi đó là môi trường của nhân vật tha hóa. Môi trường đó chính là làng Vũ Đại - hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Ở đó tồn tại biết bao thế lực thống trị như cánh Đội Tảo, cánh Bát Tùng, cánh Bá Kiến. Bọn người này một mặt gằm gè với nhau trong việc chia chác làm ăn, một mặt chúng vào hùa với nhau để nhũng nhiễu, đục khoét trên mồ hôi nước mắt của những người nông dân Việt Nam khốn khổ. Trong môi trường bất công và phi nhân tính ấy, nhiều người dân lương thiện đã bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa như bà cụ trong Một bữa no, Lộ trong Tư cách mõ, Đức
trong Nửa đêm, trong đó tiêu biểu hơn cả là hình tượng Chí Phèo. Các nhân vật này của Nam Cao đều được miêu tả với một quá trình tha hóa rất rõ ràng dưới áp lực của hoàn cảnh. Họ sinh ra vốn không phải là những người xấu xa như thế nhưng dưới áp lực của miếng cơm manh áo hàng ngày, để chống lại cái đói, cái chết, nghĩa là để làm sao cho khỏi chết, những nhân vật này đã phải chấp nhận sự nhục nhã, chấp nhận làm những việc mà con người có lương tri, có nhân phẩm không bao giờ làm như thế.
Rõ ràng là, việc xuất hiện hàng loạt những nhân vật tha hóa trong sáng tác của Nam Cao là một việc làm đầy dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Phải chăng Nam Cao muốn nhấn mạnh tính chất khốc liệt và tàn bạo của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đen tối nhất? Sự bế tắc đã đến mức độ dồn nén con người vào chỗ tăm tối nhất, vào ngõ cụt của cuộc đời. Nó đã làm bế tắc đi, dị dạng đi cả tâm hồn và thể xác của bao người dân lương thiện, hiền lành và vô tội. Nhà văn đã đưa tất cả những gương mặt xấu xí đến mức ghê tởm, những cuộc đời hoặc đần độn ngu ngơ, hoặc điên loạn cuồng dại đến mất hết cả tính người vào tác phẩm như chính sự hiện diện của nó ở đời. Hiện thực xã hội vì thế được phản ánh một cách sâu sắc và toàn diện hơn, tính chất tố cáo phê phán vì thế mà tinh vi và thâm thúy hơn.
Trong các sáng tác của Nam Cao viết về nông dân, bên cạnh các nhân vật chịu sự đày đọa, chà đạp của xã hội nhưng vẫn giữ được nhân phẩm của mình còn có một loạt nhân vật đã bắt đầu bị biến chất, tha hóa. Tiêu biểu là các nhân vật Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò), Đức (Nửa đêm), Lộ (Tư cách mõ), Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo (Chí Phèo).
Còn nhớ, anh cu Lộ (Tư cách mõ) vốn là một người nông dân lành như đất, người người trong làng đều yêu mến anh. Nhưng Nam Cao đã đặt nhân vật của mình dưới áp lực của sinh tồn, anh đã nhận lời làm mõ cho làng - việc làm mà người bình thường nghe thấy đã không mấy thiện cảm. Tuy nhiên, việc làm mõ không ngờ lại mang đến cho anh nhiều lợi lộc như thế, đơn giản nhất là việc ăn uống hàng ngày. Vì thế, thói đố kỵ của dân làng đã nổi lên, họ muốn làm nhục anh cho bõ ghét. Lộ thoạt nhiên cũng bắt đầu hối hận cho sự lựa chọn của mình, nhưng vì đã trót làm rồi, cũng không thể nói bỏ là bỏ đi được. Hơn nữa, còn bao nhiêu lợi ích, miếng ăn hàng ngày này, thóc gạo mỗi khi mùa màng đến này, mảnh vườn sẽ thuộc về mình này... Cùng với thời gian, sau mỗi lần bị làm nhục là mỗi lần tư cách mõ của Lộ lại "tiến bộ" hơn. Từ trạng thái tấm tức, thở dài, muốn rũ bỏ tất cả cho khỏi nhục hắn đã tặc lưỡi cho qua và hơn nữa, còn cố tình trêu ngươi, thách thức dân làng. Hắn từng nói: "Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì?". Qua ngòi bút của Nam Cao độc giả có thể nhận ra một điều, thì ra, chính cái môi trường sống phi nhân tính, sự lăng nhục và khinh bỉ của đồng loại đã tạo nên ở Lộ một tâm lý phản ứng tiêu cực: đã vậy thì
hắn tham cho mà biết, và hắn cứ ung dung, thản nhiên làm cái việc ti tiện để trêu ngươi người đời. Nam Cao đã cho nhân vật của mình sự nhận thức rằng, sống trong cái làng quê nghèo đầy định kiến cổ hủ đó, con người ta nếu muốn kiếm được miếng ăn cho no đủ, thì không thể sống cho thật lương thiện. Cứ thử nhìn những người nông dân xung quanh Lộ mà xem. Họ là những nông dân lương thiện nhưng quanh năm đói. Cuộc sống của họ chỉ có sự thở than, bàn tán về công việc của những người khác. Bản thân cuộc sống của họ có gì là tươi mới đâu. Nam Cao miêu tả cuộc đời của Lộ dưới sự tác động của hoàn cảnh, từ một chàng trai hiền lành, Lộ đã biến thành một thằng mõ tham lam và trơ trẽn.
Trong Nửa đêm, Đức tuy là con Thiên Lôi, nhưng ngay từ đầu đã thể hiện bản chất người, có thể nói là khác hoàn toàn về tính cách và tâm hồn so với bố nó. Chính bà Quản Thích cũng nhận thấy nó "khác xa bố nó": Lúc còn bé, "nhẵn nhụi, mũm mĩm, khau kháu lạ, nó hiền như đất và lớn lên như một cây mạnh." Khi đã là một chàng trai, nó làm ruộng làm vườn, làm cái nghề hiền lành của tổ tiên. Nó "ham việc hơn ham sống". Chính vì vậy Đức đã đón nhận một tình yêu chân thật, chứ không do cảm xúc bản năng ban đầu như Chí Phèo - Thị Nở, mà do một thôi thúc sâu xa từ tâm hồn. Chính Nhi cũng có lần nói: "Anh Đức ạ, tôi mà lấy anh cũng chỉ mến cái nết anh hiền, chứ người khác mà như bố mẹ anh thì các vàng tôi cũng chịu..." Nhưng rồi tình yêu ấy ra đi, để lại một lòng căm hờn ngùn ngụt trong Đức. Dẫu vậy, trước khi đi, Đức vẫn biết biếu bà bốn đồng bạc. Đặc biệt là, khi đã thành Thiên Lôi rồi, khi dân làng Vũ Đại đã quên Đức thì chính lại là lúc Đức ân nghĩa tìm về với bà. Qua câu nói của Đức "con về thì về nhưng trong lòng vẫn áy náy là bà chết rồi. Thế mà còn được trông thấy bà, thật con mừng quá!". Giá như dân làng Vũ Đại ngày ấy đừng ngứa mồm, lắm lời, đừng có những thằng "ghét ăn đạp đổ", nghĩa là đừng có "chúng nó" thì có lẽ Đức cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng oái oăm thay, Đức đã thành một Thiên Lôi chính hiệu: cũng lăn lóc ngất ngưởng trên đường, cũng ngoẹo đầu, thỉnh thoảng ve vẩy cái tay rồi tự mình rít lên cái âm thanh vốn đã làm Đức ghê sợ, vốn đã đẩy Đức đi xa đồng loại: thằng Thiên Lôi.
Với Chí Phèo, ngòi bút Nam Cao càng vô cùng sâu sắc. Có thể thấy rằng, cũng giống như AQ của Lỗ Tấn, nhân vật Chí Phèo từ khi ra đời đến nay đã tốn không biết bao nhiêu bút mực của giới nghiên cứu. Hình tượng người nông dân với cái chết không đáng có, với vòng đời quá đau thương đã để lại trong lòng bao thế hệ độc giả một khoảng lặng, một niềm thương cảm vô bờ bến.
Chúng ta có thể cảm nhận cuộc đời của Chí Phèo qua sơ đồ sau đây: Sinh ra ở một lò gạch cũ, không cha mẹ ---> đi ở---> vào tù---> tay sai cho bọn địa chủ--->giết người --->chết---> Thị Nở với cái thai trong bụng nhìn về cái lò gạch cũ - nơi Chí
Phèo được sinh ra.
Qua vòng đời của Chí Phèo, người viết thấy có ba vấn đề trong vòng đời cần nhấn mạnh. Một là bước ngoặt đầu tiên: Chí vào tù. Nguyên nhân vì sao? Vì sự quái ác của bà ba nhà Bá Kiến, cũng là sự tác oai tác quái của giai cấp phong kiến bóc lột. Chí Phèo hoàn toàn bị oan. Bước ngoặt thứ hai là Chí sau khi ra tù, nhận làm tay sai cho Bá Kiến. Bước ngoặt này cho thấy, Chí Phèo đã trở thành một con người không còn minh mẫn nữa, hắn đã không biết thế nào là đúng, là sai. Đương nhiên, môi trường nhà tù đã làm cho Chí trở thành như vậy. Bước ngoặt thứ 3 là Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến. Chúng tôi cho rằng, ở đây, một mặt thể hiện rằng Chí đã tỉnh ngộ, muốn đi trả thù, nhưng cái nguyên nhân sâu xa hơn cả chính là sự cự tuyệt của bà cô thị Nở - người đại diện cho tư tưởng phong kiến cổ hủ, lạc hậu, đã ngăn chặn quyền được yêu, được lấy vợ của Chí. Và đó chính là lí do đẩy Chí đến tận cùng đau khổ và tỉnh ngộ mà nhận ra sự bi đát của cuộc đời mình. Hắn quyết tâm trả thù kẻ đã gây ra bi kịch của cuộc đời hắn. Như vậy, các bước ngoặt của cuộc đời Chí cho thấy dấu ấn rất rõ của môi trường xã hội phi nhân tính. Qua cuộc đời của Chí Phèo, bằng cảm quan nhạy bén và sắc sảo của một nhà văn hiện thực lớn, Nam Cao dường như đã dự cảm thấy một điều gì tất yếu sẽ xảy ra trong nông thôn Việt Nam thời đó. Đó có thể là một cuộc cách mạng. Bởi lẽ, số phận Chí Phèo và vấn đề của y không chỉ còn giới hạn ở vấn đề người nông dân và vấn đề giai cấp nữa. Nó là vấn đề số phận con người! Khác với Lỗ Tấn trong AQ chính truyện muốn khái quát về phép thắng lợi tinh thần của người Trung Quốc; Nam Cao, qua Chí Phèo đã khái quát một hiện tượng xã hội phổ biến, một hiện tượng đã trở thành quy luật nghiệt ngã ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: hiện tượng người nông dân lương thiện bị đẩy vào con người tha hóa, lưu manh hóa. Khác với nhân vật AQ, một điển hình về tư tưởng, một kiểu nhân vật tư tưởng, Chí Phèo của Nam Cao lại là một nhân vật tính cách có cá tính độc đáo, không lặp lại.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong quan niệm của Nam Cao, môi trường phi nhân tính của Việt Nam đương thời là nguyên nhân chính bóp nghẹt cuộc sống của người nông dân hiền hậu, lương thiện, đẩy họ vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Những cu Lộ (Tư cách mõ), Chí Phèo (Chí Phèo), Đức (Nửa đêm) đã từng bước từng bước bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nếu chúng ta không theo nhân vật từ đầu đến cuối tác phẩm thì thật không thể hình dung con người lưu manh, trì độn, trơ trẽn ấy lại có một khởi đầu nhân từ, hiền hậu và lương thiện như thế. Với lòng yêu mến con người và một tầm nhìn vượt thời đại, Nam Cao đã đem đến một cái mới cho văn đàn hiện đại Việt Nam. Về điểm này, có nhà nghiên cứu viết: "Nam Cao không chỉ nhìn con người như nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh mà đã phân tích, truy
tìm nguyên nhân đẩy con người vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa, lí giải hiện tượng phổ biến này ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám 1945 với niềm tin vào bản chất lương thiện của người dân lao động ngay cả khi họ bị xã hội bất công, vô nhân đạo hủy hoại cả nhân hình, nhân tính"[84; 345].