Khái niệm, phân loại truyền thống tập thể quân nhân

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 126 - 128)

1. Khái niệm

Truyền thống tập thể quân nhân là những thói quen, những tập quán, những chuẩn mực trong hành vi, phong cách sống và hoạt động được mọi thành viên trong tập thể tuân theo, được gìn giữ và lưu truyền từ lớp người này sang lớp người khác như là sản phẩm tinh thần của tập thể.

Truyền thống tập thể quân nhân được hình thành từ những thói quen hành vi của các nhóm quân nhân lặp đi, lặp lại lâu dần trở thành chuẩn mực, lối sống, phong cách hoạt động của riêng của tập thể đó.

Truyền thống của tập thể quân nhân hình thành trên một hoặc một số mặt khác nhau của cuộc sống và hoạt động của tập thể, dần dần hình thành truyền thống nhiều mặt của tập thể.

Truyền thống của tập thể quân nhân là kết quả hoạt động lâu dài của tập thể và được quân nhân lưu truyền từ lớp người này sang lớp người khác, được mọi người trong tập thể nâng niu gìn giữ, mong muốn noi theo và thể hiện nó. Vì vậy nó trở thành giá trị tinh thần của tập thể.

Là một hiện tượng tâm lý xã hội, gắn liền với những điều kiện xã hội lịch sử nhất định vì vậy truyền thống luôn chịu sự quy định của các điều kiện xã hội - lịch sử và điều kiện sống, hoạt động của tập thể mang truyền thống. Trong mỗi giai đoạn lịch sử - xã hội khác nhau, mỗi tập thể khác nhau thì truyền thống cũng có những biểu hiện khác nhau. Khi các điều kiện xã hội -

lịch sử biến đổi thì truyền thống cũng có sự biến đổi ở những mức độ khác nhau. Vì vậy, truyền thống bao giờ cũng mang đặc trưng dân tộc, địa phương, giai cấp, lứa tuổi, ngành nghề, hoạt động chính trị xã hội của tập thể, của cộng đồng người. Truyền thống tập thể quân nhân trong quân đội ta là sự kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội và từ thực tiễn quá trình sống, hoạt động của mỗi tập thể.

Truyền thống tập thể quân nhân có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cả tập thể. Nó là chất keo kết dính tập thể thành một khối thống nhất cả về mục đích, chuẩn mực hành vi, lối sống, phong cách hoạt động ... tạo nên sức mạnh to lớn giúp quân nhân vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Truyền thống còn chi phối mạnh mẽ đến cách thức thực hiện các quan hệ qua lại giữa các quân nhân và bầu không khí tâm lý cùng với việc hình thành các hiện tượng tâm lý khác trong tập thể. Đồng thời, với những chuẩn mực và giá trị to lớn của mình, truyền thống có tác dụng định định hướng, điều chỉnh thái độ, hành vi của quân nhân tuân theo. Chính vì vậy, nó trở thành phương tiện giáo dục quân nhân rất hiệu quả. Sống và hoạt động trong tập thể có nhiều truyền thống tốt đẹp người quân nhân sẽ thấy vinh dự, tự hào qua đó họ thấy rõ trách nhiệm phải tôn trọng, giữ gìn truyền thống, phấn đấu vươn lên cho xứng đáng với truyền thống.

2. Phân loại truyền thống tập thể quân nhân.

Truyền thống của tập thể, cộng đồng rất đa dạng, phong phú. Dựa vào các dấu hiệu và những căn cứ khác nhau có thể phân loại truyền thống trong tập thể quân nhân thành các loại khác nhau.

* Căn cứ vào nội dung các mặt hoạt động của tập thể có thể chia thành:

- Truyền thống chiến đấu, phục vụ chiến đấu. - Truyền thống lao động sản xuất.

- Truyền thống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu - Truyền thống làm công tác dân vận, địch vận.

- Truyền thống hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ....

* Căn cứ vào phạm vi ảnh hưởng có thể chia thành:

- Truyền thống của quân đội

- Truyền thống của quân, binh chủng. - Truyền thống của từng đơn vị.

* Căn cứ vào tính chất tác động của truyền thống đến mọi mặt hoạt động của tập thể người ta chia thành:

- Truyền thống tích cực (tốt): là những truyền thống có tác dụng tạo nên sự đoàn kết thống nhất, tăng cường sức mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của tập thể và đảm bảo hiệu quả công tác giáo dục nhân cách người quân nhân cách mạng.

- Truyền thống tiêu cực (xấu): là những truyền thống được hình thành từ những thói quen, hành vi xấu của quân nhân, tự phát lan truyền trong tập thể, gây cản trở quá trình phát triển của tập thể và làm giảm hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví truyền thống xấu như kẻ địch to, ngấm ngầm phá hoại cách mạng, phá hoại đơn vị, mà muốn ngăn chặn nó lại không dùng mệnh lệnh được.

Truyền thống tốt trong tập thể quân nhân được hình thành từ một mặt đến nhiều mặt hoạt động của đơn vị. Còn truyền thống xấu, nếu không kịp thời phát hiện, cũng phát triển từ một mặt đến nhiều mặt trong đời sống và hoạt động của tập thể. Vì vậy trong quá trình xây dựng tập thể, cán bộ các cấp phải thường xuyên nắm bắt, chủ động xây dựng cho tập thể có nhiều truyền thống tốt đẹp, kịp thời phát hiện và loại bỏ những thói quen xấu không để nó phát triển thành truyền thống xấu.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 126 - 128)