Khái niệm, cơ cấu tâm lý nhóm lớn

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 54 - 56)

1. Nhóm lớn

Nhóm lớn là tập hợp đông người liên kết với nhau trong quá trình sống và hoạt động, tạo ra những giá trị, chuẩn mực và đặc điểm tâm lí chung, có khả năng điều chỉnh, định hướng và điều hoà tâm lí hành vi cá nhân.

Nhóm lớn là những cộng đồng người hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử xã hội, giữ một vị trí quan trọng nhất định trong hệ thống các quan hệ xã hội và ổn định trong các thời kỳ phát triển (dân tộc, quân đội, giai cấp, sắc tộc, nhóm nghề nghiệp, nhóm lứa tuổi... ); hoặc hình thành một cách ngẫu nhiên, tự phát và tồn tại trong thời gian ngắn (đám đông, các khán giả trong hội trường, sân vận động...).

Cơ chế điều hoà hành vi xã hội của nhóm lớn là phong tục, tập quán, truyền thống. Đặc điểm vị trí xã hội của nhóm lớn với các cơ chế này sẽ tạo ra lối sống của nhóm. Trong các đặc điểm tâm lý nhóm lớn, ngôn ngữ của cộng đồng có một vai trò đáng kể.

- Dựa vào đặc điểm lứa tuổi: nhóm thiếu niên, nhóm thanh niên, nhóm người già.

- Dựa vào giới tính: nhóm phụ nữ, nhóm nam giới.

- Dựa vào đặc điểm địa lí kinh tế: Nhóm cư dân miền núi, nhóm cư dân đồng bằng hay dân thành thị và dân nông thôn.

- Dựa vào hoạt động nghề nghiệp: nhóm giáo viên, nhóm thợ thủ công, nhóm kinh doanh, nhóm quân nhân...

- Dựa vào đặc điểm giai cấp: nhóm công nhân, nhóm nông dân, nhóm tư sản... - Dựa vào tính chất liên kết giữa các cá nhân: nhóm có tổ chức (nhà máy, xí nghiệp, trường học...); nhóm tình cờ, tạm thời tập hợp lại (đám đông).

2. Cơ cấu tâm lý của nhóm lớn

Tâm lý xã hội do hoàn cảnh và điều kiện sống của xã hội trực tiếp quyết định. Nó nảy sinh từ kinh nghiệm của các nhóm xã hội nhất định. Do đó tâm lý xã hội chính là tâm lý của các nhóm lớn, mà trước hết là của dân tộc, giai cấp, bao hàm trong đó những thành tố khác nhau của quá trình tâm lí, trạng thái tâm lý.

Cơ cấu tâm lý của nhóm lớn bao gồm:

a) Những hiện tượng tâm lí xã hội tương đối bền vững: Tính cách, phong tục tập quán , truyền thống...

Tính cách là hệ thống những thái độ, hành vi điển hình cho nhóm lớn. Chẳng hạn, những dân tộc khác nhau có các nét tính cách điển hình, tiêu biểu cho dân tộc đó được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh...

Phong tục là tổng hợp những hành vi ứng xử tương đối ổn định trong các quan hệ xã hội, theo một thể thức sinh hoạt bền vững của các nhóm xã hội. Phong tục có tác dụng hướng dẫn hành vi ứng xử của con người trong các nhóm xã hội, tạo dựng các vai trò, vị trí xã hội khác nhau cho con người ở các lứa tuổi trong các lĩnh vực khác nhau của sinh hoạt xã hội; giáo dục nhận thức, xây dựng tình cảm, kỹ năng hành vi ban đầu cho con người. Có nhiều loại phong tục khác nhau: Phong tục xã hội được thể hiện qua quan hệ thầy trò, bầu bạn, quân dân, chủ khách... Phong tục gia tộc thể hiện qua quan hệ cha con, anh chị em, vợ chồng, tang lễ...

Truyền thống là những giá trị xã hội tương đối ổn định của các nhóm xã hội thể hiện qua các khái niệm, nghi lễ, hành vi, cách thức ứng xử của thành viên trong nhóm với các quan hệ xã hội. Truyền thống được coi như sản phẩm tinh thần của nhóm xã hội, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó có tác dụng duy trì trật tự các quan hệ xã hội, đảm bảo sự ổn định hoạt động, sinh hoạt của các thành viên trong nhóm, từ đó góp phần xây dựng chuẩn mực, khuôn mẫu, hành vi ững xử trong các quan hệ xã hội ổn định, tạo ra sự khác biệt độc đáo cần thiết giữa các nhóm xã hội.

b) Những hiện tượng tâm lý xã hội năng động dễ thay đổi: Nhu cầu, tâm trạng, sở thích, thị hiếu...

Nhu cầu là những đòi hỏi thiết yếu, hợp quy luật, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của một nhóm xã hội, một cộng đồng. Nhu cầu là cơ sở tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động của cá nhân, cộng đồng.

Tâm trạng xã hội là trạng thái cảm xúc chung của nhóm phản ánh những biến đổi có ý nghĩa quan trọng ở bên ngoài hay bên trong nhóm. Tâm trạng xã hội tác động lên nhóm xã hội tạo thành một cao trào trong một khoảng thời gian cụ thể. Việc điều khiển tâm trạng có ý nghĩa lớn trong hoạt động của nhóm.

Sở thích là khả năng lựa chọn phổ biến của con người trước một đối tượng nào đó có sức lôi cuốn sự tập trung chú ý, điều khiển suy nghĩ và thúc đẩy con người hành động. Sở thích tạo ra khát vọng đi tìm hiểu đối tượng, từ đó điều chỉnh hành vi mình theo hướng xác định.

Thị hiếu là sự lôi cuốn số đông người vào cái gì đó (mốt, a dua, bắt chước).Cùng một thời gian có thể tồn tại nhiều thị hiếu khác nhau. Thị hiếu không có tính bền vững.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(156 trang)
w