Sự hình thành dư luận tập thể quân nhân

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 102 - 106)

II. Giao tiếp trong tập thể quân nhân.

2.Sự hình thành dư luận tập thể quân nhân

Dư luận tập thể có quá trình nảy sinh, diễn biến và kết thúc. Tham gia vào quá trình hình thành dư luận trong tập thể có cả yếu tố tự phát và tự giác, tác động trực tiếp và gián tiếp của các nhân tố chính trị, kinh tế và tâm lý. Mặc dù quá trình hình thành dư luận phức tạp nhưng nó diễn ra có tính qui luật. Nắm được tính qui luật của nó sẽ giúp người cán bộ định hướng, điều chỉnh, điều khiển dư luận trong đơn vị phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục bộ đội.

Trước hết, có thể thấy rằng dư luận trong tập thể hình thành và diễn biến thường trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Khi có một sự kiện, hiện tượng xảy ra có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của tập thể, quân nhân sẽ trực tiếp phản ánh, có những cảm nhận, rung động và nhận xét, đánh giá riêng về sự kiện đó. Những hiểu biết, cảm xúc của mỗi người trước các sự kiện thường không giống nhau thậm chí có khi còn trái ngược nhau.

Giai đoạn 2: Diễn ra quá trình trao đổi giữa các quân nhân những cảm xúc, hiểu biết và ý kiến nhận xét, đánh giá về sự kiện, hiện tượng đó. Trong mối quan hệ và giao tiếp trong tập thể sẽ diễn ra cơ chế chuyển từ ý kiến cá nhân, ý thức cá nhân thành ý thức tập thể. Kể từ khi có sự trao đổi quan niệm, tranh luận là bắt đầu hình thành dư luận trong tập thể. Tuy nhiên, lúc này dư luận ban đầu còn chưa thống nhất, còn có những luồng ý kiến khác nhau, còn một số phân vân chưa tỏ rõ thái độ cụ thể, dứt khoát đối với sự kiện xảy ra.

Giai đoạn 3: Thông qua sự cọ sát, trao đổi, tranh luận các ý kiến khác nhau được thống nhất lại xung quanh một số quan điểm cơ bản, cuối cùng hình thành sự phán xét đánh giá, tỏ thái độ chung giống nhau đối với sợ kiện ấy.

Sự phân chia ra ba giai đoạn chỉ có tính chất tương đối. Trên thực tế, quá trình diễn biến của dư luận rất phức tạp: nó có thể âm ỉ, kéo dài ; có thể diễn ra nhanh chóng rồi kết thúc và các giai đoạn của nó đan xen, hoà nhập vào nhau.

Dư luận tập thể là một hình thức biểu hiện đặc thù của ý thức tập thể phản ánh điều kiện hoạt động của đơn vị cũng như các nhu cầu, lợi ích của quân nhân. Vì vậy có nhiều nhân tố chi phối, tham gia vào quá trình hình thành nó, trong đó đặc biệt lưu ý đến các nhân tố tâm lý xã hội dưới đây:

-Dư luận tập thể hình thành phụ thuộc rất lớn vào tính chất, ý nghĩa của sự kiện hiện tượng xảy ra trong đó lợi ích và tính công chúng là quan trọng nhất. Nếu sự kiện xảy ra quan trọng, liên quan đến nhu cầu, lợi ích thiết thân của đa số các thành viên thì dư luận sẽ hình thành nhanh chóng. Ngược lại sự kiện bình thường, liên quan ít hoặc không liên hệ gì đến lợi ích của các thành viên thì dư luận hình thành chậm chạp hoặc không xuất hiện dư luận.

-Số lượng thông tin đưa đến cho các thành viên có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành dư luận và mức độ đúng đắn của nó. Nếu thông tin đầy đủ và nguồn thông tin có độ chính xác cao, kịp thời thì dư luận hình thành nhanh chóng và thống nhất; ngược lại thông tin phiến diện, nguồn tin không rõ ràng, sự việc không minh bạch chỉ dễ tạo ra tin đồn.

-Sự hình thành dư luận còn phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị của các thành viên đối với các sự kiện. Nếu quân nhân được chuẩn bị tốt về tâm thế, tư tưởng, thái độ thì dư luận dễ hình thành, tính tập trung cao; nếu sự kiện xảy ra đột ngột, thiếu chuẩn bị đón nhận thì dư luận có thể sẽ bị phân tán thành nhiều luồng ý kiến, tính thống nhất kém. Người cán bộ biết dự kiến các sự kiện quan trọng sẽ xảy ra, chuẩn bị tâm thế tích cực cho quân nhân đón nhận nó là một yêu cầu của điều khiển dư luận tập thể quân nhân.

-Sự hình thành dư luận tập thể còn tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của tập thể như thế nào. Tập thể mới hình thành thì khó có dư luận vì quân nhân chưa hiểu biết nhau, khó mà đi đến đánh giá và tỏ thái độ chung được. Khi tập thể đã phát triển, thống nhất mục đích và động cơ hoạt động, có những thói quen tốt, truyền thống tích cực, mối quan hệ quân nhân lành mạnh, thân thiết sẽ tạo thuận lợi cho dư luận tập thể tiến bộ.

-Vai trò của người chỉ huy, lãnh đạo đơn vị và các nòng cốt tích cực có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành dư luận tập thể.Trên thực tế họ là người có trình độ chính trị, chuyên môn cao, nhận thức rõ các yêu cầu, nhiệm vụ tập thể đồng thời cũng là đối tượng nắm được nhiều thông tin nhất. Do đó, ý kiến của họ thường được tập thể tiếp nhận và lấy làm ý kiến chung. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào uy tín, sự gương mẫu của họ trong tập thể .

II.Định hướng và điều khiển dư luận trong tập thể quân nhân

1. Khái niệm định hướng, điều khiển dư luận tập thể quân nhân.

Dư luận trong tập thể quân nhân thường diễn biến phức tạp cả về nội dung, khuynh hướng tư tưởng( đúng-sai, tích cực hay tiêu cực, tập trung hay phân tán...) do đó nó có thể có tác dụng giáo dục hoặc phản giáo dục. Cho nên, cần phải chủ động định hướng, điều khiển dư luận tập thể bằng cách tác

động hợp qui luật vào diễn biến của nó, phát huy vai trò của các nhân tố chủ quan nhằm phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý và giáo dục bộ đội.

Định hướng và điều khiển dư luận tập thể quân nhân là quá trình tác động hợp qui luật vào diễn biến của dư luận qua đó xác định phương hướng đúng của dư luận đồng thời hướng dẫn, thúc đẩy sự hình thành dư luận tập thể quân nhân tích cực, lành mạnh.

Chủ thể của định hướng và điều khiển dư luận tập thể quân nhân là các cán bộ, sĩ quan, các tổ chức đảng đoàn và những nòng cốt trong đơn vị. Với cương vị, chức trách, quyền hạn của mình, người chỉ huy, thủ trưởng đơn vị, bí thư đảng giữ vai trò chủ đạo trong định hướng, điều khiển dư luận tập thể quân nhân.

Phương hướng đúng của dư luận tập thể quân nhân được xác định trên cơ sở hệ thống các chuẩn mực xã hội chủ nghĩa, yêu cầu của quân đội và mục đích , nhiệm vụ đặt ra với tập thể. Đó là:

-Các chuẩn mực xã hội chủ nghĩa: đường lối, quan điểm của đảng, pháp luật của nhà nước, các tiêu chuẩn đạo đức mới, các giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quân đội.

-Yêu cầu của quân đội về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các qui định của điều lệnh và kỷ luật quân đội.

-Mục đích và nhiệm vụ của tập thể đặt ra cho các thành viên lúc đó. Mỗi quân nhân phải hiểu rõ mục đích và nhiệm vụ của đơn vị mình, có sự thống nhất mục đích và đồng bộ trong động cơ hoạt động. Sao cho những ý kiến nhận xét đánh giá phải góp phần thực hiện mục đích và nhiệm vụ tập thể, không trái với yêu cầu chung của đơn vị.

Sự hướng dẫn, thúc đẩy dư luận tập thể quân nhân theo phương hướng đúng sẽ đưa đến sự hình thành dư luận tích cực, lành mạnh. Đây cũng chính là mục đích của quá trình định hướng và điều khiển dư luận tập thể quân nhân.

Dư luận tập thể tích cực cần phải hình thành có các dấu hiệu cơ bản sau đây: -Đó là dư luận có tính tư tưởng cao: dư luận phù hợp với đường lối, quan điểm của đảng, pháp luật xã hội chủ nghĩa cũng như yêu cầu, nhiệm vụ quân đội. Đó là dư luận lành mạnh, khẳng định mạnh mẽ những nhân tố mới,

những xu hướng tích cực trong cuộc sống, những giá trị cao đẹp của xã hội và quân đội; kiên quyết phê phán những gì cản trở quá trình phát triển của đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

-Dư luận phải có tính khách quan, chân thực phản ánh đúng tính chất, ý nghĩa của sự kiện xảy ra đồng thời thể hiện chân thực cuộc sống học tập, lao động và chiến đấu của quân nhân.Dư luận không lạc hậu trước thực tiễn phong phú của xã hội và quân đội; đòi hỏi phải phù hợp với thực tế, phản ánh cả cái đúng cái sai, tiến bộ và lạc hậu, cả thành tích cũng như sai lầm, thất bại có liên quan đến lợi ích của tập thể quân nhân. Dư luận đó không có sự dối trá, xuyên tạc cường điệu hoặc hạ thấp ý nghĩa sự kiện; dám khẳng định cái đúng, phê phán cái sai, lên án cái xấu để hướng con người đến với cái đúng, cái thiện, cái đẹp.

-Dư luận tập thể phải có tính tập trung thống nhất , không có sự đối chọi và phân tán ý kiến. Sự phán xét đánh giá ,tỏ thái độ của tập thể hướng vào một đối tượng và đạt độ tập trung và thống nhất cao; biểu hiện ở đa số các thành viên có ý kiến rõ ràng, không thờ ơ với sự kiện liên quan đến lợi ích chung. Dư luận ấy luôn được nuôi dưỡng bằng nguồn thông tin chính xác, không bị ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt, không bị dao động, hoài nghi phân tán.

-Dư luận tập thể phải có tính giáo dục đối với quân nhân và tập thể quân nhân, góp phần hình thành ở họ thế giới quan khoa học, lòng tin vào công lý. Dư luận đó phải có ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ và hành vi quân nhân, hướng nhiệt tình và sức mạnh của quân nhân vào thực hiện các nhiệm vụ của tập thể. Đồng thời dư luận ấy phải tạo ra ở đối tượng trạng thái thoả mãn “được nói ra” tâm tư, nguyện vọng của mình ,qua đó mà kích thích thúc đẩy quân nhân hành động theo những giá trị, chuẩn mực mà họ khẳng định.

Cán bộ lãnh đạo chỉ huy đơn vị phải hình thành dư luận tích cực với những tiêu chí trên mới tạo ra độ tin cậy là điều kiện cần thiết cho quản lý, giáo dục trong tập thể quân nhân.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 102 - 106)