Điều khiển tâm trạng tập thể quân nhân trong chiến đấu

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 114 - 118)

II. Điều khiển tâm trạng tập thể quân nhân

2. Điều khiển tâm trạng tập thể quân nhân trong chiến đấu

Điều khiển tâm trạng tập thể quân nhân trong chiến đấu là một việc làm phức tạp, đòi hỏi người cán bộ chỉ huy, lãnh đạo phải nắm chắc diễn biến tâm trạng của quân nhân, từ đó làm cơ sở để đưa ra những tác động phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chiến đấu.

Diễn biến tâm trạng của quân nhân có thể thông qua 3 giai đoạn thường diễn ra trong chiến đấu như sau:

- Giai đoạn bước vào chiến đấu:

Tâm trạng điển hình của quân nhân lúc này là sự căng thẳng cao với các biểu hiện có thể là phấn khởi hoặc lo âu sợ hãi.

Người cán bộ chỉ huy, lãnh đạo cần biết khêu gợi những động cơ xã hội và các trạng thái cần thiết ở quân nhân. Mặt khác phải vạch rõ tính chất, khó khăn của nhiệm vụ chiến đấu sắp tới, khêu gợi các kinh nghiệm chiến đấu đã có để quân nhân chủ động và sẵn sàng đối phó. Bản thân cán bộ phải thể hiện sự bình tĩnh, tin tưởng vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, duy trì tình trạng hoạt động bình thường, tìm mọi cách ngăn chặn có hiệu quả các tin đồn nhảm , tình trạng vô kỷ luật, đảm bảo cho mọi quân nhân có được tâm trạng tốt nhất trước khi bước vào chiến đấu.

- Giai đoạn thực hành chiến đấu

Mọi tâm trạng của quân nhân sẽ được bộc lộ rõ nhất do va chạm với các khó khăn, gian khổ, hy sinh. Đòi hỏi người cán bộ chỉ huy, lãnh đạo phải biết giữ vững tính tích cực chiến đấu cho các quân nhân, luôn duy trì ưu thế của các động cơ chính trị xã hội, sự tập trung ý thức cao độ, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi của nhiệm vụ, không rơi vào trạng thái rối loạn trước các ảnh hưởng bất lợi của hoàn cảnh, biết tự điều khiển hành động của mình.

Trong giai đoạn này phải chú trọng xây dựng niềm tin chiến thắng, tạo động lực trực tiếp cho các hành động chiến đấu của quân nhân, nắm chắc hành động của từng bộ phận, khéo léo kích thích tinh thần hăng hái xung

phong, không sợ khó khăn gian khổ, hy sinh; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cần biết ngăn chặn và chấm dứt trạng thái hoảng loạn nếu có ở các quân nhân. Thái độ của người lãnh đạo chỉ huy lúc này phải rất bình tĩnh, kiên quyết, nhạy bén phát hiện sớm, cách ly nhanh các cá nhân, nhóm có biểu hiện hoảng loạn, khôi phục nhanh cơ cấu tổ chức, ra mệnh lệnh mạnh mẽ, dứt khoát. Tấm gương của người cán bộ sẽ có tác động trực tiếp tới hành động của các quân nhân. Vì thế, cán bộ phải hết sức chú ý tới các hành vi, thái độ của mình.

- Giai đoạn kết thúc chiến đấu

Tâm trạng tập thể quân nhân sẽ phụ thuộc trực tiếp vào kết quả của trận đánh, sự căng thẳng của chiến đấu, mức độ tổn thất hy sinh của tập thể...

Trong trường hợp chiến đấu thắng lợi cần tiếp tục duy trì khí thế của bộ đội, không để nhiệt tình suy giảm, đề phòng các trạng thái chủ quan, thoả mãn coi thường đối phương... cần chỉ ra khả năng xuất hiện của các nguy cơ mớí, những diễn biến có thể của các tình huống chiến đấu, chủ động giao các công việc tiếp theo cho quân nhân và tập thể.

Khi chiến đấu thất bại, cần nhanh chóng chấm dứt tâm trạng bi quan, chán nản, giao động trước khó khăn, làm rõ các nguyên nhân, phân tích kỹ sự kiện chuẩn bị sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ mới.

Tâm trạng tập thể quân nhân một bộ phận cấu thành của tâm lí tập thể luôn có ý nghĩa lớn trong cuộc sống, hoạt động chung. Do những đặc điểm riêng của nó nên điều khiển tâm trạng tập thể rất phức tạp. Cần hiểu rõ về tâm trạng tập thể, biết cách điều khiển nó trong các hoàn cảnh khác nhau của quá trình xây dựng tập thể một cách linh hoạt và có hiệu quả.

Chương 10

Uy tín trong tập thể quân nhân

Trong hoạt động của người sĩ quan quân đội, cái chính là làm việc với con người hợp thành tập thể quân sự. Để chỉ huy và lãnh đạo họ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ tất yếu người sĩ quan phải có uy tín. Uy tín là một trong những phẩm chất tâm lý đặc trưng nhất của người lãnh đạo quản lý.

I. Khái niệm, bản chất và những nhân tố tạo thành uy tín của người sĩ quan quân đội

1. Khái niệm và bản chất của uy tín

Uy tín là một hình thức đặc thù của mối quan hệ giữa người với người. Đó là những ảnh hưởng tâm lí xã hội của cá nhân hoặc tập thể (nhóm) người đối với người khác, đối với xã hội.

Theo tiếng La tinh Austoritas (uy tín) có nghĩa là quyền hành, ảnh hưởng. Hoặc theo quan niệm của Ph. Angghen: uy tín là một loại quan hệ giữa người với người, trong đó một mặt đòi hỏi ý chí của một người nào đó phải phát huy tác dụng, còn mặt khác là sự phục tùng theo ý chí này.

Như vậy, nói tới uy tín là nói tới sự ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng, quyền hành và phục tùng. Tuy nhiên, sự khác nhau của uy tín là ở bản chất xã hội và theo đó là nội dung và cơ chế tác động ảnh hưởng của nó. Hoặc nói một cách khác, tác động ảnh hưởng của uy tín dựa trên cơ sở nào: Bằng áp lực của quyền uy hay bằng phẩm giá của cá nhân để lôi cuốn và cảm hoá quần chúng.

Uy tín có thể là của cá nhân hoặc là của tập thể như: Người lãnh đạo với người bị lãnh đạo, chỉ huy đối với người chiến sĩ, thày đối với trò, tập thể đối với cá nhân hoặc đối với các tập thể khác, các cơ quan nhà nước đối với nhân dân...

Trong quân đội ta, bất kì ai dù là người chỉ huy hay cán bộ chính trị; là người lãnh đạo quản lý hoặc là chiến sĩ, nếu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận tâm với công việc, có phẩm chất, năng lực tốt, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người... đều có thể trở thành người có uy tín. Ngược lại, ai đó dù là ở cương vị nào nhưng không gần gũi quần chúng, vi

phạm những chuẩn mực và các giá trì xã hội, đều không thể có uy tín thực sự và chỉ còn lại “quyền uy” hành chính thuần tuý.

Uy tín là một hiện tượng tâm lí xã hội nảy sinh, tồn tại và phát triển trong cuộc sống và sinh hoạt tập thể, sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời uy tín lại là một thành phần không thể tách rời trong quan hệ xã hội. Nội dung và cơ chế tác động của nó trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện xã hội, lịch sử, vào các định chế của xã hội.

Vào thời kỳ tiền sử của nhân loại, uy tín thuộc những con người “khoẻ mạnh” giái săn bắn thú rừng, thuộc về già làng trưởng bản...Trong đó, cơ chế “truyền thống” tập tục giữ vai trò chủ đạo, do đó uy tín trong giai đoạn này có thể gọi là “uy tín truyền thống”.

Trong xã hội có sự tồn tại của giai cấp bóc lột thì ảnh hưởng của uy tín dựa chủ yếu vào cơ chế “áp lực”: áp lực về kinh tế, chính trị và hành chính. Về bản chất thì đây là uy tín của sự độc tài. Uy tín tạo nên những áp lực đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của quần chúng với ý chí của cá nhân hoặc tập đoàn thống trị.

Chỉ có dưới một chế độ thật sự bình đẳng và dân chủ thì uy tín của cá nhân hay tập thể mới có được ý nghĩa chân chính của nó với cơ chế ảnh hưởng bằng “cảm hoá, thu hút, thuyết phục” trong quan hệ người - người. Uy tín dựa chủ yếu vào sự đánh giá khách quan về phẩm chất và năng lực cá nhân, về mức độ hy sinh và cống hiến cho tập thể và cho xã hội. Sự đánh giá ấy luôn tương xứng với địa vị xã hội mà anh ta đảm nhiệm. Do đó, đối với những người càng có cương vị cao trong xã hội lại càng phải phấn đấu gian khổ hơn, càng phải gương mẫu trong hoạt động và sinh hoạt.

Tuy nhiên, về bản chất thì dưới bất kỳ chế độ xã hội nào thì trong uy tín vẫn không mất đi cái “quyền uy”, “quyền hành”, nhưng quyền uy và quyền hành này không thể thay thế những giá trị xã hội đích thực mà con người đạt được.

Uy tín không phải là một hiện tượng huyền bí mà luôn đựợc hiện hữu trong quá trình thực hiện chức năng xã hội của cá nhân và trong quan hệ giao tiếp với những người khác, được thừa nhận, tin theo như một giá trị xã hội của cá nhân.

Tóm lại, uy tín là một hiện tượng tâm lí xã hội, mang bản chất xã hội. Uy tín là kết quả của những quan hệ khách quan tồn tại trong xã hội cũng như của những phẩm chất, những giá trị xã hội của cá nhân hoặc của nhóm người, tổ chức người. Trong bản thân uy tín đã hàm chứa “quyền uy” và bao giờ cũng bộc lộ sự tôn trọng, tin yêu con người. Đó là sự thuyết phục và bị thuyết phục bởi con người với con người trong hoạt động và giao tiếp xã hội.

Uy tín của cá nhân hoặc tập thể đều có ý nghĩa xã hội rất to lớn. Uy tín có thể được coi là một trong những tiền đề quan trọng nhất để tổ chức hoạt động và giáo dục có kết quả.

Nếu không có uy tín thì không thể có một hoạt động chung nào trong xã hội. Người và tổ chức có uy tín có khả năng hướng dẫn, tổ chức hoạt động cho tập thể, nhất là khi cần vượt qua khó khăn, phức tạp, ác liệt. Bằng sáng kiến và quyết tâm hành động, với uy tín của mình, họ dẫn dắt mọi người đạt mục đích hoạt động theo con đường ngắn nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.

Người và tập thể có uy tín có tác dụng to lớn trong giáo dục thuyết phục người khác bằng sức mạnh của sự ám thị và nêu gương. Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, uy tín là một điều kiện căn bản để tổ chức hoạt động tập thể và giáo dục quân nhân có hiệu quả. Nếu không có uy tín người cán bộ thiếu hẳn một phương tiện tác động đến nhân cách quân nhân và tập thể quân nhân.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 114 - 118)