Trường phái tâm lí học

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 45 - 48)

II. Những trường phái đầu tiên trong xã hội học và tâm lí học

2.Trường phái tâm lí học

Sự đóng góp của tâm lí học đối với tâm lí học xã hội nhiều hơn các ngành khoa học khác, kể cả xã hội học. Các nhà tâm lí học đã mang đến cho tâm lí học xã hội những thực nghiệm truyền thống. Những thực nghiệm này là cơ sở quan trọng để xây dựng các thực nghiệm về các vấn đề tâm lí học xã hội.

Những đóng góp quan trọng của tâm lí học cho tâm lí học xã hội phải kể đến một số trường phái tâm lí xuất hiện cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Một số mốc có ý nghĩa đặc biệt đối với sự hình thành và phát triển tâm lí học nói

chung và tâm lí học xã hội nói riêng là việc Wilhelm Wundt thành lập phòng thí nghiệm tâm lí học đầu tiên tại Leipzip (Đức) năm 1879.

a. Thuyết cấu trúc của Wundt

Wilhelm Wundt (1832-1920) được xem là người sáng lập tâm lí học hiện đại. Ông được trường đại học Heideberg cấp bằng tiến sĩ y học và giảng dạy môn sinh lí học tại đây.

Năm 1875, là chủ nhiệm khoa triết trường đại học Leigzip và đến năm 1879, tại trường đại học này ông đã thành lập phòng tâm lí học thực nghiệm đầu tiên. Nơi đây đã sản sinh ra các nhà tâm lí học thực nghiệm, và họ đã trở thành những người tiên phong của một ngành khoa học mới (tâm lí học) ở châu Âu và châu Mỹ. Trong cuộc đời khoa học của mình ông đã viết được 491 bài báo khoa học với 53000 trang về tâm lí học và sinh lý học. Cuốn sách “Tâm lí học” của ông viết năm 1873 được xuất bản năm 1891 sau 5 lần bị kiểm duyệt. Từ năm 1900 đến năm 1920 ông hoàn thành cuốn “tâm lí học dân tộc” gồm 10 tập. Đây là một đóng góp quan trọng vào việc hình thành tâm lí học xã hội.

Theo Wundt, tâm lí học xã hội là một phân ngành cần thiết của tâm lí học. Ông đã tiếp tục thực hiện những cố gắng trước đó của Moritz Lazarus và Herman Steinthal, để thành lập tâm lí học dân tộc. Wundt cho rằng không nên nghiên cứu con người như một cá thể riêng lẻ, biệt lập mà cần phải nghiên cứu con người trong mối quan hệ của con người. Theo ông, đã có nhiều lý do để nói rằng tâm lí học xã hội là phân ngành của tâm lí học.

b. Thuyết chức năng của James và Dewey

William James (1842-1911) là nhà tâm lí học và triết học Mỹ. Những nghiên cứu của ông đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khoa học. Năm 1876, James đã thành lập phòng thí nghiệm tại Đại học Harward và tại đây ông đã sử dụng các thiết bị để tiến hành các thí nghiệm tâm lí. Jon Dewey (1859- 1952) là nhà tâm lí học Mỹ. James và Dewey đã sớm từ bỏ việc giải thích hành vi bằng khái niệm cấu trúc nội tâm của nhân cách mà hướng tới sự phân tích giá trị các kinh nghiệm của cá nhân trong môi trường xã hội. Thuyết chức

năng không loại bỏ khái niệm về các trạng thái tinh thần của nhân cách mà nhấn mạnh hơn đến các hành động kích thích-trả lời của các cá nhân trong quan hệ với sự điều chỉnh các hành động đó cho phù hợp với hoàn cảnh. Dewey có vai trò to lớn trong việc đào tạo các nhà tâm lí học xã hội Mỹ nghiên cứu vấn đề “hành động xã hội” hoặc hoàn cảnh xã hội.

c. Thuyết hành vi của Watson

Vào đầu thế kỉ XX, tâm lý học nội quan-Khoa học lấy ý thức làm đối tượng nghiên cứu đã bước vào thời kì khủng hoảng, một số nhà nghiên cứu cho rằng đối tượng của tâm lí học phải là cái mà có thể đo lường được, kiểm nghiệm được chứ không phải là cái trừu tượng, khó có thể kiểm nghiệm được như ý thức. Họ phản đối tâm lí học nội quan và cho rằng hành vi mới là đối tượng nghiên cứu của tâm lí học. Thuyết hành vi đã ra đời với tuyên ngôn của J.B.Watson năm 1913.

Thuyết hành vi của Watson là căn cứ tốt để từ bỏ di sản của trường phái nội quan trong tâm lí học và đưa tâm lí học xã hội hiện đại đến chỗ tìm hiểu con người trong các hoàn cảnh xã hội, trước hết là hành vi của con người.

Sự đóng góp to lớn của thuyết hành vi đối với tâm lí học xã hội thể hiện ở chỗ trên cơ sở xác định đối tượng của tâm lí học (hành vi), nhiều nhà tâm lí học phương tây, đặc biệt là cac nhà tâm lí học Mỹ đã cho rằng đối tượng của tâm lí học xã hội là hành vi xã hội của con người.

d. Trường phái Gestalt trong tâm lí học xã hội

Gestalt là một xu hướng tâm lí học tiêu biểu xuất hiện ở Đức vào đấu thế kỉ XX. Các đại biểu của Gestalt đề xuất một chương trình nghiên cứu tâm lí từ góc độ các cấu trúc chỉnh thể (Gestalt). Tâm lý học Gestalt đã đem lại cho tâm lí học một cách tiếp cận mới về các hiện tượng tri giác và tư duy trực quan. ở thời kì của mình thì tâm lí học Gestalt có ảnh hưởng lớn đến các trường phái tâm lí học khác cũng như những nghiên cứu về tâm lí học xã hội.

Khi nói đến tâm lí học Gestalt, không thể không nói đến một đại biểu xuất sắc là K.Lewin (1895-1947). Ông là người đã tìm hiểu sâu sắc về vấn đề nhóm (đặc biệt là nhóm nhỏ) - một vấn đề rất quan trọng trong tâm lí học xã hội. Ông đã sáng lập ra trung tâm nghiên cứu động thái nhóm, thuộc viện xã

hội học, Đại học tổng hợp Enrbôski. Lewin cũng là người sáng lập ra một phương pháp nghiên cứu mới trong tâm lí học xã hội là phương pháp “T Group” (phương pháp nhóm T).

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 45 - 48)