Tập thể là một loại hình của nhóm

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 69 - 73)

II. Đặc trưng tâm lý của nhóm nhỏ

7. Tập thể là một loại hình của nhóm

Thuyết phát triển nhóm là một trong những khuynh hướng nghiên cứu của tâm lý học xã hội hiện đại phương Tây theo trường phái phân tâm học. Thuyết này do hai nhà tâm lý học xã hội Mỹ là U.Benhis và G.Separ đưa ra. Hai ông đã chia ra hai giai đoạn phát triển của nhóm. Nội dung giai đoạn I là giải quyết thủ lĩnh và giai đoạn II là giải quyết mối quan hệ tương hỗ giữa các thành viên trong nhóm. Mỗi giai đoạn này lại chia ra ba giai đoạn nhỏ, tức là toàn bộ sự phát triển của nhóm chia ra 6 giai đoạn: Giai đoạn I, chia thành ba giai đoạn nhỏ: Phụ thuộc - chạy trốn; Chống lại sự phụ thuộc - chạy trốn; Giải quyết. Giai đoạn II, chia thành ba giai đoạn nhỏ: Phụ thuộc lẫn nhau; Thất vọng - chia rẽ; Lập luận được phối hợp chặt chẽ.

Từ cách chia này cho thấy sự phụ thuộc và phụ thuộc lẫn nhau, quyền lực và tình yêu, sự ảnh hưởng và sự gần gũi được xem như là vấn đề trọng tâm cuộc sống của nhóm. Sự phát triển của nhóm từ giai đoạn I sang giai đoạn II thể hiện sự biến đổi quan trọng không chỉ từ quyền lực đến tình cảm, mà còn từ vai trò đến nhân cách.

Nếu nhóm nhỏ được đặc biệt quan tâm trong tâm lý học xã hội phương Tây, thì tập thể là đối tượng quan trọng của tâm lý học xã hội Xô viết vào giai đoạn trước cải tổ ở Liên Xô cũ. Tập thể là một loại hình của nhóm tồn tại trong chế độ xã hội chủ nghĩa, là hình thức tổ chức chủ yếu của những người lao động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tập thể là kết quả phát triển của nhóm trong một hệ thống xã hội nhất định. Vì vậy, tập thể chỉ là nhóm đã hình thành với những đặc điểm tâm lý nhất định dựa trên cơ sở hoạt động của các thành viên trong nhóm. Việc nghiên cứu công tác quản lý tập thể, nghiên cứu sự hình thành và phát triển của nó có ý nghĩa to lớn đối với việc tìm ra các biện pháp để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tập thể trong tâm lý học xã hội Xô viết là nhà sư phạm A.Makarenko (1888 - 1939). A.Makarenko đã chỉ ra quá trình phát triển của tập thể phải trải qua một loạt các giai đoạn theo hướng ngày càng hoàn thiện. Sau đó tâm lý học xã hội Xô viết đã chỉ ra các dấu hiệu cơ bản của tập thể là:

Sự tập trung của các thành viên để đạt được mục đích xã hội nhất định. Sự tồn tại có tính chất tập trung tự giác của các thành viên.

Tính tổng thể là dấu hiệu quan trọng biểu hiện tập thể như một hệ thống hoạt động có tổ chức, có phân công chức năng, có cơ cấu lãnh đạo và quản lý.

Các quan hệ tương hỗ của các thành viên nhằm đảm bảo nguyên tắc phát triển nhân cách cùng với sự phát triển của tập thể.

Luận điểm tập thể phải trải qua các giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển đã được nhà tâm lý học Xô viết A.V.Petrôpxki tiếp tục và phát triển. Theo A.V.Petrôpxki, nhóm được cấu tạo từ ba lớp, mỗi lớp được đặc trưng bằng những nguyên lý nhất định mà từ đó hình thành các quan hệ giữa các thành viên của nhóm.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, lý luận tâm lý về tập thể đã chiếm một vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu nhóm, đặc biệt là những nhóm có mức độ phát triển cao - tập thể (theo quan điểm của các nhà tâm lý học Xô viết). Trong lịch sử của tâm lý học xã hội, lý luận tâm lý về tập thể tồn tại như một khuynh hướng nghiên cứu của một trường phái tâm lý học ở thế kỷ XX - trường phái tâm lý học xã hội Xô viết.

Vận dụng kết quả nghiên cứu nhóm nhỏ là một trong những vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ chỉ huy lãnh đạo trong quá trình xây dựng các đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện. Trong quá trình vận dụng cần chú ý một số điểm sau:

Thứ nhất, nhận thức rõ tính đặc thù của tập thể quân nhân và đặc điểm hoạt động quân sự.

Quân đội tuy là một tập thể lớn nhưng là một phần nhỏ của xã hội, gắn liền một cách hữu cơ với các tập thể khác. Các phân đội của quân đội là những tập thể với tất cả những nét vốn có của nó. Xét về mặt ý nghĩa xã hội, dù là binh sĩ hay sĩ quan đều là một thành viên của xã hội, là đại biểu của một giai cấp nhất định có nghĩa vụ xã hội trong các tập thể quân nhân.

Xét về đặc điểm nghề nghiệp, mỗi quân nhân có thể là người chỉ huy hoặc nhân viên cấp dưới, người chiến sĩ bộ binh hay chiến sĩ pháo binh ... đều phải thực hiện các chức năng thực tiễn, đạo đức trong bất kỳ lúc nào. Với tư cách là một công dân được vũ trang bảo vệ Tổ quốc, người chiến sĩ có ý thức về trách nhiệm của mình trước vận mệnh của Tổ quốc, đồng thời cũng có quyền lợi như những công dân khác. Tất cả điều đó cho phép họ kết hợp một cách đúng đắn quyền lợi xã hội và quyền lợi cá nhân, phát triển tinh thần nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội; là cơ sở của tính tổ chức và tinh thần kỷ luật, của sự tích cực và sáng tạo trong hoạt động.

Tập thể quân đội nhờ có những nét đặc biệt của nó sẽ có tác động khách quan đối với nhân cách người chiến sĩ, sẽ đào tạo người chiến sĩ thành một công dân được vũ trang để bảo vệ Tổ quốc. Tập thể quân nhân là phạm vi xã hội gần gũi nhất, là môi trường nhỏ đối với cá nhân, nối liền cá nhân với xã hội. Nói một cách khác, không có bước chuyển tiếp trực tiếp từ cái xã hội toàn thể tới mỗi cá nhân, mà chỉ có sự chuyển tiếp thông qua tập thể trước hết là tập thể cơ sở, nơi cá nhân sống và hoạt động. Tập thể cơ sở không chỉ đề cập đến số lượng nhiều hay ít các thành viên tham gia, mà dấu hiệu quan trọng nhất là mức độ quan hệ ảnh hưởng trực tiếp giữa các thành viên đó. Tập thể cơ sở có những ảnh hưởng xã hội muôn màu muôn vẻ đối với cá nhân, đó là nơi chuyển hóa các nhân tố xã hội thành các nhân tố cá nhân, tức là diễn ra sự xã hội hóa của con người. Trong quân đội các tập thể cơ sở là thường là ở cấp đại đội, trung đội, hạm tàu, kíp bay hoặc lớp học, tổ học tập, các khoa giáo viên...

Thứ hai, nắm chắc các hiện tượng tâm lý xã hội mang tính chất tự phát nảy sinh trong quá trình giao tiếp giữa các quân nhân, có cơ chế điều chỉnh, điều khiển phù hợp theo hướng tích cực.

Mối quan hệ giữa các quân nhân nói chung được chia thành các phạm vi như; quan hệ công việc (quan hệ nghĩa vụ); quan hệ chính trị xã hội; quan hệ sinh hoạt. Các quan hệ nghĩa vụ và quan hệ chính trị được ghi nhận chính thức trong văn bản tổ chức của tập thể quân đội. Tuy nhiên, trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, con người vẫn luôn tác động lẫn nhau cả về lý trí và tình cảm. Bởi vậy, không thể đồng nhất nhưng cũng không thể tách rời các quan hệ đó với nhau được.

Trong các nhóm nhỏ, có cả nhóm có xu hướng tốt và có nhóm có xu hướng xấu, quan hệ người với người có tính phân vai tự phát, có cá nhân giữ vai trò “chủ đạo” (thủ lĩnh), còn các cá nhân khác đóng vai “đi theo”. Điều đó đòi hỏi người chỉ huy và lãnh đạo đơn vị phải biết nguyên nhân làm nảy sinh ra các nhóm này, các chức năng và cơ chế đã hình thành nên nó để tiến hành công tác có kết quả theo phương hướng khuyến khích, tạo điều kiện hình thành những nhóm tích cực; ngăn chặn những nhóm có xu hướng xấu xuất hiện, cải tạo ý đồ của họ, làm trung hòa ảnh hưởng xấu của chúng đối với tập thể, chú ý đặc biệt đến cá nhân giữ vai trò “thủ lĩnh” của nhóm.

Thứ ba, cần phải đặc biệt quan tâm đến các hiện tượng tâm lý - xã hội hình thành với một quá trình phức hợp của hoạt động và quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân.

Tập thể quân nhân là một tổ chức đặc thù trong lĩnh vực hoạt động quân sự. Quá trình xây dựng, củng cố tập thể quân nhân chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đề cao trách nhiệm và có kỹ năng tác động phù hợp với cấu trúc tâm lý, cơ chế hoạt động của các nhóm, tập thể quân nhân. Khả năng ứng dụng lý thuyết nhóm nhỏ trong tâm lý học xã hội vào xây dựng tập thể quân nhân vững mạnh là rất to lớn và toàn diện.

Chương 6

Tập thể quân nhân

Xây dựng các tập thể quân nhân vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. Muốn làm tròn trách nhiệm to lớn trên cán bộ các cấp cần nắm vững những vấn đề cơ bản về tâm lý học tập thể quân nhân và con đường, biện pháp xây dựng tập thể quân nhân vững mạnh về mọi mặt.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(156 trang)
w