Khái niệm, đặc điểm tâm trạng tập thể quân nhân.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 109 - 112)

1. Khái niệm tâm trạng tập thể quân nhân.

Trong cuộc sống hàng ngày của con người, khái niệm tâm trạng được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến. Thông thường, tâm trạng được hiểu là trạng thái tâm lý hoặc trạng thái cảm xúc, tuy nhiên, khía cạnh cảm xúc được bộc lộ rõ hơn.

Tâm trạng tập thể quân nhân là trạng thái cảm xúc chung của tập thể, phản ánh những biến đổi có ý nghĩa quan trọng ở bên ngoài hay bên trong tập thể.

Con đường hình thành tâm trạng tập thể là từ tâm trạng của các cá nhân, song tâm trạng tập thể không phải là sự cộng lại các cảm xúc riêng của từng người một cách đơn giản mà là rung cảm chung chi phối hoạt động chung của tập thể cũng như mỗi thành viên trong khoảng thời gian cụ thể, là sự giao thoa cộng hưởng của các cảm xúc cá nhân. Sự giao thoa cộng hưởng đó theo cả hai hướng tự phát và tự giác thông qua hoạt động và giao tiếp giữa các cá nhân. Tâm trạng tập thể quân nhân giống cảm xúc ở diễn biến, tính bột phát và sắc điệu nhưng khác cảm xúc ở chỗ nó tương đối bền vững hơn cảm xúc và yếu hơn cảm xúc.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với quân đội thể hiện ở hệ thống các chế độ, chính sách đã tạo ra trạng thái phấn khởi, tin tưởng, hào hứng kích thích cán bộ, chiến sĩ hăng say, tích cực vươn lên trong quá trình hoạt động quân sự. Tâm trạng tập thể quân nhân phản ánh những hoàn cảnh sống, điều kiện hoạt động thuận lợi hay không thuận lợi của tập thể. Hoàn cảnh thuận lợi sẽ tạo ra trong tập thể tâm trạng tích cực, dễ chịu. Những thành tích hoạt động của tập thể nếu được cấp trên đánh giá đúng sẽ gây ra tâm trạng hồ hởi, hăng hái thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó những thất bại trong thực hiện nhiệm vụ, sự chê trách sẽ dẫn đến tâm trạng bất mãn, bi quan… Đồng thời quan hệ giữa người lãnh đạo, chỉ huy với các thành viên với nhau cũng có ảnh hưởng đến tâm trạng chung.

Trong quá trình chỉ đạo cách mạng, các nhà kinh điển Mác-Lênin luôn chú ý tới tâm trạng của quần chúng. Theo V.I Lênin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Tâm trạng có khả năng bao trùm và liên kết các tầng lớp giai cấp và các nhóm xã hội khác nhau vào một phong trào xã hội hoặc chính trị nào đó. Tâm trạng tập thể có thể ở một nhóm xã hội cụ thể, một địa phương, một nước hay toàn cầu. Tâm trạng tập thể có tác động mạnh mẽ đến kết quả hoạt động của từng cá nhân trong tập thể.

Do đặc điểm của hoạt động quân sự, sự căng thẳng về trí tuệ và thể lực của cán bộ, chiến sĩ là rất lớn, vì thế, tâm trạng phấn khởi, lạc quan, tin tưởng có ý nghĩa quan trọng giúp họ vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Tâm trạng tập thể quân nhân góp phần quyết định chiều hướng hành động và kết quả hành vi của mỗi quân nhân và cả tập thể quân nhân. Tâm trạng điển hình của tập thể quân nhân là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, hăng say học tập rèn luyện để góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc. Trong cuộc sống và hoạt động chung, hành vi, hành động của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào tâm trạng tập thể. Tâm trạng tích cực sẽ định hướng, thúc đẩy hành động, hành vi của mỗi người và cả tập thể. Ngược lại, tâm trạng tiêu cực sẽ làm cho hành vi, hành động của họ thiếu chính xác, hiệu quả thấp, giảm sút tính tích cực.

Tâm trạng tập thể quân nhân chi phối và ảnh hưởng tới các hiện tượng TLXH khác trong tập thể. Với tư cách là một trong những bộ phận cấu thành của tâm lý tập thể, tâm trạng tập thể quân nhân luôn tồn tại, vận động và phát triển trong quan hệ với các hiện tượng TLXH khác như dư luận, uy tín, truyền thống... Nếu tập thể quân nhân có tâm trạng tích cực các quân nhân sẽ dễ thống nhất với nhau trong đánh giá các sự kiện, hiện tượng xảy ra có liên quan tới tập thể từ đó hình thành dư luận tập thể tích cực. Cũng như vậy, các hiện tượng tâm lý xã hội như uy tín, truyền thống sẽ có điều kiện hình thành theo hướng tích cực.

Tâm trạng tập thể có thể được phân thành các loại sau:

- Nếu căn cứ vào khuynh hướng hoạt động xã hội có: Tâm trạng chính trị, tâm trạng thẩm mĩ, tâm trạng đạo đức, tâm trạng nghề nghiệp, tâm trạng tôn giáo, tâm trạng sinh hoạt.

- Nếu căn cứ vào tính chất của trạng thái cảm xúc: có tâm trạng tích cực và tâm trạng tiêu cực. Tâm trạng tích cực biểu hiện ở sự lạc quan, tin tưởng, vui vẻ, phấn khởi, sảng khoái. Tâm trạng tiêu cực biểu hiện ở sự bi quan chán nản, buồn bã, sợ hãi...

Các cách phân chia chỉ mang ý nghĩa tương đối bởi các loại tâm trạng đều có liên quan chặt chẽ với nhau.

2. Đặc điểm tâm trạng tập thể quân nhân

- Sức thúc đẩy rất lớn: Tâm trạng tập thể quân nhân tác động rất mạnh đến tình cảm của mỗi quân nhân, đến hiệu quả hoạt động của tập thể và của mỗi người. Tâm trạng tập thể tích cực, lạc quan, tin tưởng, hào hứng sẽ tăng cường tình cảm cá nhân theo hướng tích cực, trên cơ sở đó nhân sức mạnh của tập thể lên nhiều lần, tạo nên nhiệt tình, hưng phấn, hăng say của tập thể, giúp mọi người kết hợp tốt nhất sức mạnh của trí tuệ với sức mạnh của tình cảm, ý chí để hoàn thành nhiệm vụ, tăng niềm tin của tập thể.

Tâm trạng tập thể tích cực thường nảy sinh theo cách nói của Makarencô: Tập thể nhìn thấy tiền đồ, triển vọng phát triển của mình và của mỗi thành viên; khi tập thể được đánh giá tốt, nhất là của cấp trên với các

thành tích của mình; khi tập thể đoàn kết chặt chẽ, con người sống trong sự thương yêu và tin cậy lẫn nhau.

Tâm trạng tập thể tiêu cực, bi quan, chán nản, lo sợ, hoài nghi có thể làm chia rẽ tập thể thành các nhóm nhỏ, làm các thành viên giảm sút ý chí chiến đấu, giảm lòng tin, kỷ luật lỏng lẻo, thậm chí làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của tập thể.

- Là thành phần dễ lây lan nhất của tâm lý tập thể tâm trạng tập thể có thể xuất hiện ở người này lan sang người khác, từ nhóm này lan sang nhóm khác với tốc độ, cường độ lan truyền đặc biệt.

Đặc điểm dễ lây lan của tâm trạng tập thể là do sự tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp giữa các quân nhân trong quá trình sống và hoạt động chung. Mặt khác, ở đây còn do quy luật về sự bắt chước đã phát huy tác dụng. Tính không chọn lọc của sự đồng cảm tâm lý trong bắt chước làm cho các gương tốt cũng như các gương xấu đều được truyền bá trong tập thể với tốc độ như nhau. Đặc biệt cần chú ý khi tập thể có những biến động về tình hình nhiệm vụ, tổ chức xã hội, khi đơn vị gặp khó khăn trong hoạt động...

- Biến động hết sức linh hoạt: Tâm trạng tập thể có khả năng chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, từ chỗ chưa được ý thức đến chỗ được ý thức rõ rệt, từ hình thức tiềm tàng sang hình thức bộc lộ. Nó có thể nhanh chóng biến thành hành động, luôn có những dao động và trong khoảng thời gian rất ngắn có thể chuyển biến từ tích cực sang tiêu cực và ngược lại.

Đặc điểm này của tâm trạng tập thể đã được Mác chỉ rõ khi nghiên cứu tình hình đấu tranh giai cấp ở Pháp thế kỷ XIX: “Tinh thần cách mạng của quần chúng hầu như bao giờ cũng nhường chỗ và thường thường là rất nhanh chóng nhường chỗ cho sự mệt mỏi hay thậm chí cho sự chuyển sang một hướng trái ngược lại, khi mà ảo tưởng đã bị tiêu tan và niềm thất vọng đã nảy sinh ra”. Điều đó là do bản chất của tâm trạng tập thể vốn là sự rung cảm chung của các cảm xúc chưa được ý thức chi phối mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 109 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(156 trang)
w