Trường phái xã hội học

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 41 - 45)

II. Những trường phái đầu tiên trong xã hội học và tâm lí học

1.Trường phái xã hội học

ở một khía cạnh nào đó có thể nói trường phái xã hội học là nguồn gốc đích thực của tâm lí học xã hội. Chức năng chính của trường phái xã hội học đối với tâm lí học xã hội là thúc đẩy sự tìm hiểu có tính bản chất vai trò của tổ chức xã hội đối với nhân cách con người. Mặt khác nó cũng nghiên cứu bản chất động cơ của hành vi có tổ chức và động cơ hành vi lệch chuẩn.

Khí nói đến trường phái xã hội học với tư cách là nguồn gốc của tâm lí học xã hội chúng ta phải nói đến một số đại diện tiêu biểu sau:

a. Auguste Comte (1790-1857)

Comte thường được gọi là cha đẻ xã hội học. Bởi vì ông là người sáng lập ra khoa học này. Quan điểm về tâm lí học xã hội của Comte đã đối lập với

tâm lí học đang hình thành thời đó, ông đã không nhận thấy tâm lí học trong hệ thống các khoa học (thời kì này tâm lí học chưa trở thành một khoa học độc lập). Song Comte quan tâm đến vấn đề tâm lí học từ mục đích nghiên cứu khoa học của mình. Về vấn đề này, nghiên cứu của ông chỉ dừng lại ở mức phân chia tâm lí học theo hai khía cạnh: Sinh học và xã hội. Sự phân chia này đã có giá trị nhất định trong tâm lí học xã hội hiện đại.

Sự phân chia tâm lí học theo khía cạnh sinh học và xã hội đã ảnh hưởng đến nhiều vấn đề lý luận của Comte. Quan điểm của Comte về vấn đề nhân cách của cá nhân thiên về khía cạnh bản năng. Theo Comte, bản năng của con người chia thành hai loại chính: Sự ích kỉ và lòng vị tha. Đó là hai mặt của bản năng. Theo ông, con người có nhiều bản năng hơn các động vật khác.

Mặc dù là người rất quan tâm đến tâm lí học cá nhân, nhưng Comte vẫn nhấn mạnh rằng đơn vị xã hội thực sự là gia đình, nhờ nó mà các tổ chức xã hội được phát triển. Chức năng của gia đình là duy trì nòi giống và nuôi dưỡng lòng vị tha của con người. Như vậy từ mái ấm gia đình, cá nhân sẽ trở thành thành viên của xã hội. Tâm lý học cá nhân theo khuynh hướng bản năng của Comte đã tác động mạnh đến tâm lí học xã hội đến tận đầu thế kỉ XX.

b. Gabriel Tarde và Emile Dur Kheim

Gabriel Tarde (1843-1904) là người sáng lập ra tâm lí học cá nhân trên cơ sở xã hội học của ông, còn Emile Dur Kheim, giống như Comte, ông đã phản đối việc chống lại sự thái quá của tâm lí học cá nhân ở thời kì đó.

Tarde là người đầu tiên đưa ra khái niệm mới về tương tác, chính điều này đã dẫn tới việc hình thành tâm lí học xã hội.

Tâm lý học của Emile Dur Kheim (1858-1917) là hệ thống quy định xã hội. Quan điểm này có phần tách khỏi hoặc không thuộc về tâm lí học cá nhân. Ông ca ngợi và thích tranh luận về học thuyết “ý thức tập thể”. Trong khi phát triển học thuyết này đã dự báo trước về thuật ngữ văn hoá của xã hội hiện đại hôm nay. Chính vì điều nay mà học thuyết của Emile Dur Kheim đã đi xa hơn thời đại của ông. Emile Dur Kheim đã tìm hiểu, lý giải hành vi của cá nhân trong nhóm.

Như vậy, Comte, Tarde, Dur Kheim đã có những đóng góp có giá trị đối với tâm lí học xã hội hiện đại. Comte đã giải thích hành vi của nhóm từ học thuyết về những phản ứng có tính bản năng của cá nhân. Tarde lý giải hành vi của nhóm từ học thuyết tương tác giữa các cá nhân. Dur Kheim lại quan tâm nhiều đến các kiểu loại hành vi của nhóm hơn là hành vi của các cá nhân. Đóng góp đặc biệt quan trọng của ông đối với tâm lí học xã hội là học thuyết “ý thức tập thể”.

c. Lucien Lêvy - Bruhl và Gustave Lebon

Lucien Lêvy - Bruhl (1857 - 1939) phát triển học thuyết của Dur Kheim về ý thức tập thể từ sự tham khảo những vấn đề nhân chủng học. G.Lebon (1841-1931) quan tâm đến tâm lý học về nhóm, ông đã làm sáng tỏ thêm những quan điểm của Dur Kheim về hiện tượng tâm lý của nhóm, mặt khác ông cũng bị ảnh hưởng bởi tâm lí học xã hội của Tarde. Quan điểm của Lebon là sự kết hợp giữa quan điểm của Dur Kheim và Tarde. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Lebon là cuốn “Đám đông” (The Crowd). Cuốn sách này trở nên nổi tiếng không phải vì có tên gọi rất dễ nhớ mà vì qua công trình này nó đã làm cho ông trở thành người mở đường về vấn đề “hành vi tập thể” hiện đại-một vấn đề rất tiêu biểu của tâm lí học xã hội.

d. A.Schaffle, L.Gumplowicz và G.Simmel

Trong số các nhà xã hội học quan tâm đến những vấn đề của tâm lí học xã hội và góp phần thúc đẩy sự ra đời của ngành khoa học này còn có các nhà xã hội học người Đức.

- Albert Schaffle (1831-1903): Thông qua các phương pháp nghiên cứu của mình ông đã góp phần xác định ra một ngành khoa học mới - tâm lí học xã hội. Sự nghiệp của Schaffle cũng giống như Comte và Dur Kheim, ông chống lại xu hướng đánh giá quá cao tâm lí học cá nhân trong thời kì đó. Với tư cách là một nhà lý luận tiêu biểu, ông là người hiểu biết rất rộng về sự tương tác trong các quan hệ giữa xã hội và cá nhân. Sự ảnh hưởng to lớn của ông trong lịch sử tâm lí học xã hội được đánh giá ngang hàng với Dur Kheim, Gumplowiez, Ratzenhofer, Small và Cooky-những người có vị trí vững chắc trong hàng ngũ những người sáng lập ra khoa học hiện đại.

- Ludwig Gumplowiex (1938-1909) và Ratzenhofer (1842-1904) thường được xem là những nhà lý luận về vấn đề xung đột trong xã hội học. Đối với tâm lí học xã hội hiện đại, hai ông đã quan tâm đến vấn đề thay đổi xã hội. Mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân được tìm hiểu trên cơ sở nhân cách và động cơ, lợi ích của cá nhân.Học thuyết về lợi ích của con người của Ratzenhofer đã được truyền bá sang Mỹ và được nhà nghiên cứu Mỹ A.W.Small tiếp nhận và đưa vào tâm lí học xã hội Mỹ. Song ở Mỹ, học thuyết này có những thay đổi nhất định.

- Georg Simmel (1858-1918), một nhà khai sáng người Đức. Ông có quan niệm về xã hội học cũng giống như hình học của khoa học xã hội, một ngành khoa học có liên quan nhiều nhất đến việc nghiên cứu những hình thức của sự tương tác xã hội. Simmel cho rằng tâm lí học xã hội cấn phải tìm hiểu hành vi tập thể. Đóng góp của Simmel cho tâm lí học xã hội không chỉ hạn chế ở hành vi tập thể mà ông còn phân tích sâu sắc về vấn đề chuẩn mực xã hội, quan hệ giữa xã hội và cá nhân.

e. Các nhà xã hội học Anh với các vấn đề tâm lí xã hội

Quan điểm xã hội học về chủ nghĩa cá nhân đã tồn tại khá lâu trong xã hội học Anh. Việc quan tâm đến những khía cạnh xã hội của cá nhân ở cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX đã làm cho xã hội học Anh có những đóng góp nhất định đối với tâm lí học xã hội hiện đại. Một số đại biểu của xã hội học Anh như: Walter Bagehot (1826-1877), do ảnh hưởng của các nhà tiến hoá học Darwin và Spencer. Ông đã đưa ra quan điểm về sự phát triển của nhóm. William Mc Dougall (1871-1938) là người chống lại chủ nghĩa cá nhân trong tâm lí học thời đó và quan tâm đến khía cạnh xã hội của con người.

f. Các nhà xã hội học Mỹ

- Charles Horton Cooley (1863-1929) và George Herbert Mead (1863-1931) là những người có quan điểm hiện đại về mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân.

Cooley đã viết ba cuốn sách nổi tiếng về vấn đề này. Đó là cuốn Bản chất con người và trật tự xã hội; Tổ chức xã hội và Sự phát triển xã hội. Cooley bị ảnh hưởng bởi học thuyết bắt chước của Tarde, quan điểm về đồng

nhất của Schaffle và tâm lí học của W.James. Ông đã trình bày một cách rõ ràng và đề cập đến các vấn đề chủ yếu của mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân. Ông cho rằng không thể tách rời yếu tố xã hội và cá nhân trong cuộc sống của con người. Trong khi nghiên cứu bản chất con người Cooley đã chỉ ra mối liên hệ giữa cơ cấu, thể chất của cá nhân và tổ chức xã hội, ông rất chú ý đến vai trò của các nhóm xã hội như gia đình, nhóm bạn bè đối với con người.

- E.A.Ross (1866-1951) là ngưòi đã viết cuốn “tâm lí học xã hội”. Cuốn sách giáo khoa đầu tiên về lĩnh vực này. Khác với Cooley, dựa trên tâm lí học tập thể, Ross đã tìm hiểu mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân trên cả khía cạnh tập thể lẫn khía cạnh cá nhân. Trong nghiên cứu của mình ông chú ý đến cả vai trò (sức mạnh) của xã hội và vai trò của cá nhân. Theo ông, vai trò của xã hội thể hiện qua nhóm, ảnh hưởng đến cá nhân, còn vai trò của cá nhân thể hiện qua tác động của cá nhân đến nhóm. Hai yếu tố này xảy ra trong các hoàn cảnh xã hội.

- William I. Thomas (1836-1947) và Florian Znaniecki (1882-1960), trong công trình nghiên cứu có tên “Nông dân Ba lan ở châu Âu và châu Mỹ” đã tìm hiểu một số vấn đề tâm lí học xã hội từ nghiên cứu thực tiễn như: quan điểm, giá trị và khát vọng của cá nhân. Với nghiên cứu này, các ông đã bắt đầu một thời kì mới trong tâm lí học xã hội - thời kỳ sử dụng các trắc nghiệm trong nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 41 - 45)