Tập thể cơ sở quân nhân

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 75 - 79)

I. Khái quát chung về tập thể quân nhân

2.Tập thể cơ sở quân nhân

a.Khái niệm

Tập thể cơ sở quân nhân là tập thể nhỏ trong quân đội, hàng ngày giữa các quân nhân có quan hệ trực tiếp và thường xuyên về mọi mặt.

Trong quân đội tập thể cơ sở thường là cấp đại đội, trung đội, khẩu đội, hạm tàu, kíp bay hoặc lớp học, tổ học tập, khoa giá viên... Cũng như các tập thể quân nhân khác, tập thể cơ sở quân nhân được liên kết với nhau bởi mục đích hoạt động chung là bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi xét đến tập thể cơ sở quân nhân vấn đề không chỉ ở số lượng nhiều hay ít các thành viên tham gia mà điều quan trọng nhất là mức độ quan hệ và ảnh hưởng trực tiếp giữa các thành viên đó.

Trong các tập thể cơ sở quân nhân hàng ngày các thành viên luôn có sự trực tiếp tiếp xúc với nhau cả về công việc và tình cảm. Đây là điều kiện để mọi quân nhân hiểu biết lẫn nhau, hướng hoạt động của mọi thành viên vào thực hiện mục đích hoạt động chung của tập thể. Đồng thời, thông qua mối quan hệ thường xuyên, trực tiếp về mọi mặt giữa các quân nhân mà những hiện tượng tâm lý xã hội nẩy sinh ở đây tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi của các quân nhân trong tập thể. Vì thế tập thể cơ sở quân nhân có vai trò rất to lớn trong việc bảo đảm chất lượng hoạt động mọi mặt của đơn vị và giáo dục quân nhân.

Trước hết, nó là môi trường, điều kiện cho sự phát triển nhân cách quân nhân; là cầu nối giữa quân nhân với quân đội và xã hội - nơi xã hội hoá nhân cách, nơi chuyển các nhân tố xã hội thành phẩm chất cá nhân trong hoạt động quân sự. Tập thể cơ sở quân nhân còn là nơi trực tiếp thực hiện mọi nhiệm vụ của quân đội và bảo đảm chất lượng hoạt động mọi mặt của đơn vị. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đơn vị phải củng cố mọi mặt hoạt động của tập thể cơ sở, xây dựng tập thể cơ sở vững mạnh đồng thời làm tốt việc giáo dục, rèn luyện nhân cách quân nhân. Xây dựng nhân cách quân nhân phát triển tốt sẽ thúc đẩy tập thể phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn trong mọi hoàn cảnh.

Cũng như các tập thể khác trong xã hội, tập thể cơ sở quân nhân có ba chức năng cơ bản sau:

- Chức năng nghiệp vụ quân sự: Đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ học tập, lao động, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

- Chức năng xã hội chính trị: Đảm bảo thực hiện có hiệu quả các hoạt động chính trị - xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Chức năng giáo dục: Thông qua việc thực hiện hai chức năng trên mà giáo dục, xây dựng nhân cách quân nhân đáp ứng yêu cầu của xã hội, của quân đội.

Các chức năng trên thể hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện mọi nhiệm vụ của các tập thể quân nhân. Thực hiện các chức năng trên đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ dù ở cương vị nào cũng phải ý thức được rằng

tập thể cơ sở quân nhân là nơi cuối cùng thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và xã hội, nơi diễn ra quá trình xã hội hoá nhân cách, là môi trường giáo dục rèn luyện nhân cách quân nhân đáp ứng yêu cầu xã hội và quân đội. Do đó phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, vì tập thể để thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng tập thể cơ sở quân nhân vững mạnh. Chính trong quá trình đó người quân nhân nhận được sự giáo dục của tập thể kết hợp với sự vươn lên của bản thân sẽ tạo nên quá trình hoàn thiện, phát triển nhân cách bản thân đáp ứng yêu cầu xã hội và quân đội.

b.Các giai đoạn phát triển của tập thể cơ sở quân nhân.

Sự hình thành, phát triển của mỗi tập thể cơ sở quân nhân thường trải qua ba giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn tổng hợp ban đầu (khi tập thể vừa mới hình thành) là giai đoạn mà các thành viên được tập hợp lại trong một đơn vị. Trong giai đoạn này các quân nhân chưa có sự hiểu biết về nhau và về mục đích hoạt động chung của tập thể. Đặc điểm tâm lý nổi bật trong giai đoạn này là mục đích hoạt động của tập thể chưa được các thành viên ý thức đầy đủ, rõ ràng và chưa có sự thống nhất cao với các yêu cầu, nhiệm vụ của tập thể. Giữa các quân nhân chưa có sự hiểu biết nhiều về nhau nên họ chưa mạnh dạn bộc lộ bản thân mà thường thích quan sát xem xét lẫn nhau về mặt nhân cách. Hơn nữa, do được tập hợp từ các đơn vị khác nhau hoặc từ các vùng, miền, dân tộc... khác nhau cho nên mỗi quân nhân ít nhiều còn mang theo những thói quen, phong cách sống và hoạt động khác nhau, thậm chí không phù hợp với mục đích, yêu cầu hoạt động của tập thể (nhất là các đơn vị tân binh). Đây là thời kì quân nhân phải dần dần thích nghi với các yêu cầu của tập thể, làm quen với mọi người. Đồng thời, tuỳ theo phẩm chất, năng lực của bản thân; sự đánh giá của chỉ huy, lãnh đạo và những người xung quanh mà xác lập vị thế của mình trước tập thể và bắt đầu tự thể hiện mình.

Từ những đặc điểm trên, trong quá trình xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cần nhanh chóng ổn định tổ chức; quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, thống nhất mục đích hoạt động chung của tập thể; kết hợp giáo

dục với duy trì nghiêm các chế độ điều lệnh, điều lệ kỷ luật quân đội để nhanh chóng đưa mọi hoạt động của tập thể vào nề nếp. Đồng thời, bằng nhiều hoạt động phong phú đa dạng để tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quân nhân; kịp thời động viên, khích lệ những quân nhân tích cực và uốn nắn những thói quen hành vi không phù hợp với yêu cầu của tập thể. Để thực hiện các yêu cầu trên cán bộ các cấp cần thận trọng khi đưa ra nhận xét, đánh giá đối với chiến sỹ, khéo léo đưa họ vào nề nếp, kỷ luật quân sự mà vẫn giữ được quan hệ chân tình, không gia trưởng, độc đoán.

- Giai đoạn phân hoá (tập thể đang trưởng thành), là giai đoạn các quân nhân trong tập thể đã có sự hiểu biết rõ hơn về nhân cách của những người xung quanh và mỗi người cũng bộc lộ rõ hơn những đặc điểm cá nhân của mình trước tập thể. Những mối quan hệ dựa trên cơ sở cùng chung mục đích, xu hướng, sở thích... giữa các quân nhân được thiết lập, từ đó trong tập thể hình thành các nhóm không chính thức. Trong các nhóm này, bên cạnh những nhóm được hình do sở thích, thói quen, sự đồng cảm về tâm lý... còn có thể xuất hiện các nhóm không chính thức tích cực hoặc tiêu cực trong tập thể.

Nhóm không chính thức tích cực là nhóm có xu hướng hoạt động phù hợp với mục đích, yêu cầu của tập thể; tích cực ủng hộ lãnh đạo, chỉ huy, người tốt, việc tốt, có tác dụng giáo dục nhân cách quân nhân và xây dựng tập thể. Nhóm không chính thức tiêu cực thì cản trở sự tiến bộ của tập thể, tìm cách "đả kích'', bôi xấu nhóm tích cực và những người tốt, việc tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách quân nhân và sự trưởng thành, phát triển của tập thể.

Nắm chắc đặc trưng của giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị dựa vào nhóm tích cực để lôi kéo các thành viên trong tập thể vào hoạt động chung của đơn vị. Trước hết, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục mục đích hoạt động chung của tập thể; xây dựng cho mỗi quân nhân tinh thần làm chủ tập thể và nâng cao ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ và vinh dự của mỗi quân nhân. Đồng thời, dựa vào nhóm tích cực để phát huy, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; lên án những việc làm sai trái, cô lập và kết hợp với nhiều biện

pháp về hành chính, tổ chức để xoá bỏ nhóm không chính thức tiêu cực trong tập thể.

- Giai đoạn ổn định, phát triển (tập thể đã trưởng thành), là giai đoạn mà mục đích hoạt động của tập thể quân nhân đã được mọi thành viên nhất trí cao, coi như là mục đích hoạt động của bản thân. Trong cuộc sống, hoạt động mọi quân nhân luôn căn cứ vào mục đích, yêu cầu của tập thể mà đòi hỏi lẫn nhau và đòi hỏi chính bản thân mình hướng vào thực hiện thắng lợi mục đích hoạt động chung của tập thể. Lúc này tập thể quân nhân đã thực hiện tốt các chức năng của mình trong mọi hoàn cảnh, nội bộ đoàn kết nhất trí, bầu không khí tâm lý tập thể lành mạnh, tích cực.

Để giữ vững và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của tập thể quân nhân trong giai đoạn này cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị chủ yếu phải sử dụng phương pháp giáo dục thuyết phục, phát huy vai trò tích cực, tự giác của các quân nhân; quan tâm đến đời sống, mọi mặt hoạt động của tập thể. Đồng thời, đội ngũ cán bộ các cấp phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân về mọi mặt để đáp ứng với yêu cầu phát triển của tập thể quân nhân.

Việc phân định các giai đoạn hình thành, phát triển tập thể quân nhân như trên cũng chỉ là tương đối xét theo sự phát triển nội tại của nó chứ không phụ thuộc vào thời gian tồn tại dài hay ngắn của tập thể. Nếu cán bộ, chiến sỹ trong tập thể không phấn đấu thường xuyên, liên tục để xây dựng, củng cố tập thể thì tập thể có thể "dẫm chân tại chỗ" không tiến lên giai đoạn cao hơn hoặc có thể từ giai đoạn cao tụt xuống giai đoạn thấp hơn, thậm chí không còn đủ điều kiện là một tập thể nữa.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 75 - 79)