II. Giao tiếp trong tập thể quân nhân.
i. Khái quát chung về dư luận tập thể quân nhân
1.Khái niệm và vai trò của dư luận tập thể
Trong cuộc sống và hoạt động chung, do nhu cầu nhận thức, cảm xúc tình cảm, nhu cầu tự khẳng định của các thành viên trong tập thể quân nhân mà giữa họ thường có sự trao đổi, nhận xét, đánh giá, tỏ thái độ chung đối với các sự kiện, hiện tượng xảy ra liên quan đến nhu cầu của tập thể. Đây là dư luận tập thể quân nhân, một hiện tượng tâm lý xã hội điển hình trong tập thể.
Dư luận tập thể quân nhân là sự phán xét, đánh giá biểu thị thái độ chung của quân nhân đối với các sự kiện hiện tượng xảy ra có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của đa số các thành viên trong tập thể.
Là một hiện tượng tâm lý xã hội trong tập thể, dư luận tập thể quân nhân chịu sự qui định của ý thức xã hội đồng thời dư luận tập thể còn phản ánh điều kiện sống, đặc điểm hoạt động, trình độ nhận thức, vốn sống, kinh nghiệm, xu hướng của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Vì vậy, dư luận tập thể là một hình thức biểu hiện đặc thù của ý thức xã hội, ý thức tập thể, là sự kết hợp hữu cơ những yếu tố của hệ tư tưởng và tâm lý xã hội trong tập thể. Đó là sự kết hợp các quan điểm, thái độ của các quân nhân trong quá trình hoạt động chung. Dư luận tập thể không phải là tổng cộng đơn giản các ý kiến cá nhân mà là sự phán xét, đánh giá biểu thị thái độ chung (đồng tình hay phản đối, yêu ghét...) của tập thể quân nhân đối với các sự kiện xảy ra có quan hệ tới nhu cầu và lợi ích của họ.
Dư luận tập thể quân nhân là hiện tượng tâm lý xã hội có tính ý thức cao, phản ánh trí tuệ của tập thể, là chỉ số nói lên sự trưởng thành về xu hướng tư tưởng, chính trị đạo đức của tập thể quân nhân. Một tập thể quân nhân mạnh là tập thể phải có dư luận thống nhất, dám đấu tranh với những sai trái; nêu gương những biểu hiện tốt, sự phán xét đánh giá công khai, tự giác đúng đắn làm cho ý thức tập thể được giác ngộ thêm, các chuẩn mực đạo đức được củng cố, trình độ chính trị, tư tưởng được nâng cao.
Dư luận tập thể khi đã hình thành có khả năng cưỡng bức về mặt tâm lý đối với cá nhân và nhóm. Điều này thể hiện ở chỗ khi đã có dư luận, dù đúng hay sai đều có tác động, ảnh hưởng đến cá nhân hay tập thể; buộc họ (dù chưa thật tự giác) cũng phải thay đổi, điều chỉnh thái độ, hành vi theo yêu cầu của nó. Sự thay đổi có thể là chân thực hoặc chỉ là hình thức bề ngoài để đánh lừa tập thể trước “búa rìu” của dư luận.
Dư luận tập thể hình thành có thể nhanh hoặc chậm và lan truyền từ nhóm, tập thể này sang nhóm, tập thể khác nhưng sự biến đổi lại không linh hoạt. Sự biến đổi không linh hoạt thể hiện “tính ỳ”, bảo thủ của dư luận vẫn giữ nguyên những thái độ đánh giá với đối tượng trong khi sự kiện, hiện tượng đã thay đổi. Đặc điểm này của dư luận tập thể đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo chỉ huy bộ đội cần phải thận trọng trong tiếp nhận thông tin từ dư luận tập thể quân nhân.
Trong tập thể quân nhân, có dư luận tập thể chính thức và dư luận tập thể không chính thức. Dư luận tập thể chính thức là dư luận tự giác, được cán bộ lãnh đạo chỉ huy đơn vị định hướng, lan truyền, ủng hộ. Còn dư luận tập thể không chính thức được hình thành và lan truyền tự phát , không được sự định hướng, điều khiển của cán bộ lãnh đạo chỉ huy trong đơn vị.Dư luận không chính thức có khi xuất hiện từ những thông tin sai lệch về sự kiện hoặc tin đồn mà người cán bộ cần phải lưu ý.
Căn cứ vào tính chất, mức độ phù hợp với mục đích hoạt động chung, yêu cầu giáo dục trong tập thể quân nhân mà người ta chia thành hai loại dư luận tập thể tích cực và dư luận tập thể tiêu cực. Dư luận tập thể tích cực là dư luận phù hợp với mục đích chung nhằm phục vụ cho lợi ích tập thể, giáo dục con người quân nhân cách mạng và đạt trình độ thống nhất cao. Dư luận tập thể tiêu cực là dư luận không phù hợp với mục đích hoạt động chung của xã hội, quân đội; thiếu tính khách quan chân thực, kém thống nhất, trái với yêu cầu giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Trong tập thể quân nhân, dư luận có vai trò to lớn thực hiện các chức năng đánh giá, định hướng, điều chỉnh, kích thích thúc đẩy đối với quân nhân và tập thể quân nhân.
- Trước hết, dư luận tập thể đánh giá các thành viên trong đơn vị. Trên cơ sở các chuẩn mực của xã hội, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và tập thể đặt ra mà dư luận tập thể kiểm tra, đánh giá thái độ, hành vi của mỗi quân nhân. Qua đó giúp cho người quân nhân hiểu rõ mình, tự khẳng định vai trò, vị trí của mình và điều chỉnh bản thân cho phù hợp với yêu cầu của xã hội, quân đội và tập thể.
- Dư luận tập thể còn định hướng, điều chỉnh thái độ, hành vi nhân cách của từng cán bộ, chiến sỹ cũng như cả đơn vị. Những dư luận tích cực có tác dụng hướng dẫn nhận thức, tình cảm và điều chỉnh hành vi cá nhân theo chuẩn mực của tập thể. Sức mạnh của dư luận tập thể có khi đạt tới mức bắt buộc mọi người phải tuân theo, kiểm tra lại mình, điều chỉnh thái độ, hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu chung của nhóm và tập thể. Nếu là dư luận tiêu cực thì nó điều chỉnh hành vi của cán bộ, chiến sỹ theo hướng ngược lại, kìm hãm sự phát triển của nhân cách và tập thể làm giảm hiệu suất hoạt động của đơn vị.
Là một sức mạnh tinh thần to lớn, dư luận tập thể quân nhân còn có vai trò kích thích, thúc đẩy hoạt động của cá nhân và tập thể; kích thích các quá trình tâm lý xã hội trong tập thể đồng thời động viên, thúc đẩy hành động của quân nhân, mang lại luồng sinh khí mới mẻ cho đơn vị. Dư luận lành mạnh, tích cực sẽ cổ vũ và khích lệ quân nhân, làm tăng cường khối đoàn kết, củng cố mối quan hệ tích cực và kỷ luật, lôi cuốn mọi người vào các phong trào tập thể. Ngược lại, dư luận không lành mạnh, thiếu tính tư tưởng sẽ trở thành lực cản, mang lại bầu không khí tâm lý căng thẳng, tâm trạng bi quan, dễ sinh mất đoàn kết do sự hiểu lầm gây ra.