1. Khái niệm và vai trò của nhóm nhỏ
Nhóm nhỏ là nhóm gồm số ít người liên kết với nhau. Trong đó, các quan hệ thể hiện dưới hình thức cá nhân trực tiếp.
Nhóm nhỏ được đặc trưng không chỉ ở số lượng người, ở sự giản đơn về cơ cấu mà quan trọng nhất chính là ở đặc trưng tâm lí của nó. Đó là nhóm mà mọi quan hệ xã hội đều được thể hiện dưới hình thức cá nhân trực tiếp.
Số lượng thành viên của mỗi nhóm nhỏ có từ 3 người trở lên. Số lượng tối đa của nó tuỳ thuộc vào tính chất hoạt động, sinh hoạt và cơ cấu bậc trên của nhóm. Giới hạn về số lượng cao nhất của nhóm nhỏ là điểm kết thúc của “các quan hệ trực tiếp” giữa các cá nhân.
Cơ cấu của nhóm nhỏ là cơ cấu giản đơn hay có thể gọi là cơ cấu “ bậc một”, không có bước trung gian. ở đó, mọi thành viên quan hệ trực tiếp với thủ lĩnh, trưởng nhóm hoặc người lãnh đạo. Mọi mối quan hệ và điều chỉnh đều mang tính trực tiếp.
Như vậy, trong xã hội tồn tại vô vàn nhóm nhỏ với số lượng thành viên rất khác nhau. Có những nhóm chỉ gồm vài ba người như gia đình, tổ học tập, nhóm bạn chơi thân, có những nhóm lên tới vài chục người như các lớp học trong các trường học, các phân xưởng, các tập thể cơ sở quân nhân v.v
Nhóm nhỏ có vai trò to lớn trong quá trình hình thành và phát triển của con người cũng như phát triển xã hội. Đó là môi trường đầu tiên để con người bước đi những bước ban đầu gia nhập xã hội.
Quá trình hình thành và phát triển của các nhóm nhỏ cũng đồng thời là quá trình nảy sinh các chuẩn mực xã hội ở phạm vi hẹp. Nhờ những chuẩn mực ấy đã giảm thiểu tính “hỗn tạp” của các quan hệ giữa các cá nhân, những hành vi lệch chuẩn sẽ được loại bỏ ngay từ các nhóm nhỏ.
Nhóm nhỏ vừa có tác động kích thích tính tích cực hoạt động của mỗi cá nhân đồng thời trực tiếp tạo ra các áp lực cần thiết đối với các hành vi của nó thông qua cơ chế “a dua”. Mỗi cá nhân muốn thoả mãn các nhu cầu tinh thần, trước hết là nhu cầu giao tiếp đều phải gia nhập nhóm nhỏ. Đến lượt nó nhóm nhỏ lại điều chỉnh các nhu cầu và hành vi của cá nhân.
3. Tâm lí nhóm nhỏ
Tâm lí nhóm nhỏ là sự phản ánh trực tiếp những mối quan hệ của nhóm biểu hiện ở sự đồng nhất, cố kết, hoà hợp của các thành viên trong hoạt động và giao tiếp. Là cơ sở tinh thần đảm bảo cho nhóm tồn tại và phát triển.
Vấn đề tâm lý nhóm nhỏ được đặt lên hàng đầu trong các nghiên cứu của TLHXH Phương Tây. Có thể phân ra 3 hướng nghiên cứu chính sau đây:
Trường phái phân tích xã hội học gắn liền với tên tuổi của G.Moreno. Theo ông, trong xã hội có thể chia ra hai loại kết cấu các quan hệ xã hội: kết cấu vĩ mô và kết cấu vi mô. G.Moreno cho rằng tất cả những căng thẳng, những mâu thuẫn xuất hiện do cơ cấu vĩ mô và cơ cấu vi mô không trùng khớp với nhau. Có nghĩa là hệ thống thiện cảm và ác cảm thể hiện qua các quan hệ tâm lý không thể hòa nhập trong phạm vi cơ cấu vĩ mô đã được qui định cho mỗi cá nhân. Do đó, cần phải xây dựng lại cơ cấu vĩ mô sao cho nó phù hợp với cơ cấu vi mô. Bằng phương pháp phân tích xã hội học có thể làm sáng tỏ những thiện cảm và ác cảm, từ đó có thể biết chúng cần phải có những thay đổi như thế nào. Phương pháp phân tích xã hội học áp dụng trong nghiên cứu nhóm nhỏ thể hiện qua những phân tích về kết cấu các quan hệ tâm lý (quan hệ giữa các cá nhân). ở đây chủ yếu là phân tích các quan hệ tình cảm trong nhóm nhỏ. Phương pháp này đã trở thành phương pháp chính để nghiên cứu nhóm nhỏ. Song không thể coi đây là phương pháp nghiên cứu tổng hợp cho phép phân tích nhóm nhỏ ở những khía cạnh khác nhau.
Trường phái xã hội học trong nghiên cứu nhóm nhỏ. Trường phái này bắt nguồn từ các thí nghiệm của E.Mayo.
E.Mayo đã tiến hành nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động và đi đến kết luận: trong các đội sản xuất tồn tại song song với cơ cấu chính thức là cơ cấu không chính thức, nó có tác động một cách có hiệu quả đến sản xuất và có thể sử dụng nó như một yếu tố để nâng cao năng suất lao động. ý nghĩa phương pháp luận của nhận định này đối với tâm lý học xã hội là ở chỗ đã tìm thấy một hiện tượng mới - sự tồn tại của hai dạng cơ cấu trong nhóm nhỏ (cơ cấu chính thức và cơ cấu không chính thức). Cũng từ đây đã hình thành một khuynh hướng mới trong nghiên cứu nhóm nhỏ - khuynh hướng xã hội học. Khuynh hướng này phân tích từng dạng cơ cấu nhóm, tìm ra ý nghĩa của chúng trong hệ thống quản lý.
Trường phái “động thái nhóm”. Đây là trường phái mang màu sắc tâm lý học hơn cả trong nghiên cứu nhóm nhỏ do K.Lêwin sáng lập.
Tư tưởng chủ đạo của thuyết trường tâm lý do K.Lêwin nêu ra là: các qui luật của hành vi xã hội cần phải tìm trong các yếu tố tâm lý và yếu tố xã hội vốn điều tiết nó. Phương pháp quan trọng của “trường tâm lý” là thành lập trong phòng thí nghiệm các nhóm nhỏ với các đặc điểm cho trước và nghiên cứu hoạt động của các nhóm này.
Trường phái “động thái nhóm” nghiên cứu các vấn đề cơ bản: sự hình thành, hoạt động, phát triển, yếu kém và tan rã của nhóm, vai trò thủ lĩnh và vai trò lãnh đạo, quá trình ra quyết định, sự hình thành cơ cấu chức năng, vai trò của nhóm, sự nhất trí, các xung đột, áp lực của nhóm, các khả năng điều chỉnh hành vi của cá nhân trong nhóm... Các công trình nghiên cứu của trường phái này đã đem lại nhiều kết quả có ý nghĩa, đã mở rộng phạm vi nghiên cứu các vấn đề về nhóm nhỏ.
Việc nghiên cứu các quá trình tâm lý bên trong nhóm nhỏ là nhiệm vụ chủ yếu của tâm lý học xã hội. Bởi vì, nghiên cứu các qui luật của giao tiếp và hoạt động tương hỗ trong nhóm nhỏ sẽ làm sáng tỏ việc hình thành trung tâm của quá trình giao tiếp, thông tin và nhận thức. Tâm lý học xã hội cần chỉ ra bản chất của các cơ chế tác động của nhóm, thông qua đó cá nhân tiếp thu
toàn bộ hệ thống các ảnh hưởng xã hội (cụ thể là nội dung các chuẩn mực, giá trị, tâm thế...) vốn đã hình thành trong các nhóm lớn. Đồng thời phải chỉ ra tính tích cực của cá nhân trong việc tiếp nhận các ảnh hưởng đó và thể hiện sự phản hồi nhất định. Mặt khác, cần phải nắm được các giai đoạn, các quá trình phát triển và biến đổi của nó. Nghiên cứu các quá trình động của nhóm nhỏ cũng có ý nghĩa là phân tích các quá trình đồng thời xảy ra trong nhóm trong một khoảng thời gian nào đó và đánh dấu sự chuyển động của nhóm từ giai đoạn này đến giai đoạn khác.