Biểu hiện của kế toán quản trị trong chế độ kế toán Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tổ chức kế toán quản trị và phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước doc (Trang 63 - 67)

d) Kết thúc phân tích

2.2.1. Biểu hiện của kế toán quản trị trong chế độ kế toán Việt Nam

Kế toán là công cụ quan trọng trong hệ thống công cụ quản lý kinh tế tài chính trong DN. Kế toán thực hiện việc thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin kinh tế - tài chính, trước hết phục vụ cho quản lý kinh tế trong đơn vị, sau đến quản lý vĩ mô và cung cấp thông tin cho những đối tượng có liên quan.

Gần 50 năm qua, hệ thống kế toán Việt Nam đã không ngừng phát triển cùng với sự phát triển và đổi mới kinh tế, góp phần tích cực vào việc quản lý kinh tế tài chính từng đơn vị cũng như toàn bộ nền tài chính nước nhà. Quá trình phát triển hệ thống kế toán của nước ta có thể chia làm ba giai đoạn chính sau:

* Giai đoạn trước 1975:

Giai đoạn này đất nước còn chiến tranh, chúng ta chưa thể tập trung cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ngay sau khi giành được chính quyền, Nhà nước đã quan tâm đến công tác kế toán thống kê, ban hành "thể lệ thu chi và kế toán đại cương" ngày 25/09/1948. Đây là qui định pháp lý và cũng có thể coi là chế độ kế toán đầu tiên của Nhà nước Việt Nam. Tiếp theo, chế độ kế toán được Nhà nước ban hành 1957 gồm 27 lệnh nhật ký - lần đầu tiên nhà nước qui định thống nhất về công tác kế toán.

Văn bản pháp lý đầu tiên cao nhất về kế toán được ban hành năm 1961 là "điều lệ tổ chức kế toán nhà nước" do Chính phủ ban hành theo Nghị định 175/CP nhằm hướng dẫn tổ chức công tác kế toán trong các đơn vị.

Năm 1967, liên Bộ Tài chính - Thống kê ban hành chế độ ghi chép ban đầu, chế độ kế toán và hệ thống báo cáo kế toán, thống kê định kỳ áp dụng cho các doanh nghiệp quốc doanh theo quyết định 583 LB ngày 01/01/1967.

Đến 1970, Nhà nước tiếp tục ban hành chế độ kế toán sửa đổi theo quyết định 425 TC/CĐKT ngày 01/12/1970, chế độ kế toán doanh nghiệp chia nhỏ (đội, phân xưởng), bước đầu chú ý đến hạch toán kinh tế nội bộ.

* Giai đoạn 1975-1994:

Đất nước đã giải phóng, thống nhất hoàn toàn. Nhà nước vẫn duy trì chế độ quản lý kế hoạch hóa tập trung. Vì vậy, về cơ bản chế độ kế toán không có biến đổi sâu sắc, chủ yếu thực hiện phổ cập chế độ, đào tạo, bồi dưỡng, cải tiến công tác kế toán cho phù hợp với nền kinh tế từng vùng.

Từ năm 1985, Nhà nước đã chú trọng thống nhất quản lý kinh tế trong cả nước bằng văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn, đó là "pháp lệnh kế toán và thống kê" (10-5- 1988), qui định thống nhất về kế toán trong phạm vi toàn nền kinh tế quốc dân. Pháp lệnh này đã nâng cao địa vị pháp lý của công tác kế toán thống kê và tăng cường tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa công tác kế toán ở nước ta. Tuy nhiên, giai đoạn này, do quyền tự chủ của các DNNN chưa được chú trọng nên chủ yếu kế toán mới phục vụ cho mục đích kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng chứ chưa chú trọng cung cấp thông tin cho quản trị DN. Các DNNN chưa thực sự tự chủ về tài chính nên cũng chưa

thực sự có nhu cầu sử dụng thông tin kế toán trong quản lý và điều hành SXKD trong nội bộ DN.

Đến 1986, Nghị quyết Đại hội Trung ương Đảng lần thứ VI đã quyết định đổi mới nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong nền kinh tế quốc dân đã phát sinh nhiều loại hình DN không phải là DNNN và có cả các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Lúc này hệ thống kế toán Việt Nam cũng được thực hiện đổi mới, cải cách từng bước cho phù hợp với cơ chế quản lý mới.

Nghị định số 25-HĐBT ngày 18/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành "điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước", nêu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của kế toán đối với quản lý vĩ mô và vi mô, cũng qui định kế hoạch bồi dưỡng cán bộ kế toán cho các ngành kinh tế quốc dân, các đơn vị. Tiếp theo, vụ chế độ kế toán Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán thống nhất theo Quyết định 212TC/CĐKT ngày 15/12/1989. Hệ thống này được quy định áp dụng cho tất cả các đơn vị SXKD trong các thành phần kinh tế, các đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức xã hội. Nhưng hệ thống kế toán này vẫn chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của cơ chế thị trường, còn qui định quá chi tiết, cụ thể cho DN, chưa tạo điều kiện tăng cường tính chủ động, linh hoạt của từng DN, nên đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới chế độ kế toán cho phù hợp với điều kiện mới (chỉ áp dụng hết năm 1995).

* Giai đoạn từ 1995 đến nay:

Nền kinh tế nước ta chuyển biến mạnh mẽ sang cơ chế thị trường đồng thời với tiến trình mở cửa và hội nhập. Trong bối cảnh đó, hệ thống kế toán Việt Nam cần phải đổi mới theo hướng tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế, với các tổ chức nghề nghiệp của quốc tế. Kế toán không chỉ là công cụ phục vụ quản lý vĩ mô nữa, mà quan trọng hơn kế toán phải thực sự trở thành công cụ phục vụ cho việc quản lý và điều hành có hiệu quả các hoạt động SXKD trong DN.

Quyết định số 1141-TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán DN áp dụng thống nhất trong cả nước từ 01/01/1996 cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực hoạt động, mọi thành phần kinh tế. Đây là chế độ kế toán kết hợp giữa sự kế thừa ưu điểm của hệ thống kế toán cũ với việc tôn trọng và vận dụng có

chọn lọc các nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế, đảm bảo phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Chế độ kế toán DN lần này đã đánh dấu sự cải tiến sâu sắc, toàn diện trong lĩnh vực kế toán của Việt Nam.

Quá trình vận dụng Quyết định 1141 trong thực tế đã nảy sinh những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện. Do vậy, Bộ tài chính đã ban hành nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán DN cho phù hợp, như thông tư số 10TC/CĐKT ngày 20/03/1997 "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp", thông tư số 120/1999/TT/BTC ngày 07/10/1999 "Hướng dẫn sửa đổi bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp"... và Quyết định số 167/QĐ/BTC này 25/10/2000 ban hành "chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp".

Như vậy, Quyết định 1141 cùng với những quyết định và thông tư khác bổ sung và hoàn thiện chế độ kế toán hiện hành đã đảm bảo cho nó phù hợp với chính sách tài chính, các luật thuế mới ban hành, luật doanh nghiệp, luật DNNN... từng bước đưa hệ thống kế toán Việt Nam bắt nhịp với chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế.

Qua quá trình hình thành và phát triển trong suốt gần 50 năm qua, kế toán Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý vĩ mô, vi mô. Đó là hệ thống kế toán hỗn hợp giữa KTTC và KTQT, trong đó chủ yếu là KTTC, rõ nét nhất là chế độ kế toán hiện hành (theo Quyết định 1141 và 167) được thực hiện từ 01/01/1996 đến nay.

Chế độ kế toán hiện hành bao gồm những qui định chi tiết về hệ thống tài khoản kế toán, chế độ chứng từ, chế độ sổ kế toán và chế độ báo cáo kế toán đều không mang tính chất của chế độ qui định bắt buộc như trước đây mà chủ yếu là chế độ hướng dẫn. Nhà nước chỉ định hướng chung cho các DN theo nguyên tắc kế toán. Các DN căn cứ vào điều kiện cụ thể và yêu cầu quản lý của DN mình để vận dụng cho thích hợp. Ngoài những tài khoản cấp 1, cấp 2 qui định thống nhất theo chế độ, DN có thể thiết kế thêm các tài khoản cấp 2, 3, 4... để theo dõi chi tiết các đối tượng kế toán theo yêu cầu quản lý. Ngoài các chứng từ bắt buộc, DN có thể thiết kế những chứng từ hướng dẫn phù hợp. Ngoài hệ thống sổ kế toán bắt buộc (áp dụng theo từng hình thức kế toán), DN có thể thiết kế thêm sổ chi tiết theo yêu cầu quản lý và ngoài 4 báo cáo tài chính bắt buộc, DN có thể lập các báo cáo

riêng có phục vụ cho yêu cầu quản trị DN. Đó chính là thực hiện KTQT. Ngoài ra, DN còn được tự lựa chọn các phương pháp kế toán (tính trị giá vốn hàng tồn kho, phân bổ chi phí, phân chia chi phí...) cho phù hợp, từ đó cung cấp những thông tin thích hợp giúp nhà quản trị DN có thể nhìn nhận chi phí, doanh thu, kết quả... ở các góc độ khác nhau để đưa ra những quyết định quản lý tối ưu. Đó chính là biểu hiện của KTQT.

Như vậy, chế độ kế toán hiện hành ở Việt Nam chưa phân biệt rõ KTTC và KTQT và Nhà nước chưa ban hành chế độ, cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về KTQT trong DN, nhưng chế độ kế toán này đã đề cập (tuy còn mờ nhạt) cũng như đã tạo điều kiện cho các DN tổ chức KTQT để cung cấp những thông tin thích hợp cho nhà quản trị ra các quyết định quản lý.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tổ chức kế toán quản trị và phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước doc (Trang 63 - 67)