d) Kết thúc phân tích
2.1.2. Thực trạng tổ chức quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay
Bước sang cơ chế thị trường, nhiều DNNN đã chủ động sáng tạo trong SXKD, sản xuất phát triển không ngừng, hiệu quả tăng, đời sống người lao động ổn định và nâng cao, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Song cũng còn những DNNN yếu kém, trì trệ, không theo kịp với sự biến đổi của kinh tế, xã hội, SXKD không ổn định, khi lỗ, khi lãi, thậm chí có doanh nghiệp thường xuyên thua lỗ. Điểm qua tình hình chung của các doanh nghiệp này như sau:
* Về quản lý nhà nước đối với DNNN:
Nhà nước đã từng bước xóa bỏ chế độ chủ quản của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên, không trực tiếp can thiệp quá sâu, quá cụ thể vào các hoạt động của DNNN. Cơ chế quản lý theo pháp luật đã hình thành được khung pháp lý tương đối cơ bản để chuyển DNNN sang kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, xác lập quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong SXKD.
* Bộ máy quản lý trong DNNN:
Nhiều DN đã chú ý thích đáng đến việc bồi dưỡng kiến thức quản lý cho các nhà quản trị DN, nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo và quản lý của DN, hiểu biết nhanh nhạy trong kinh doanh, thích ứng với môi trường và điều kiện mới. Nhà quản trị DN luôn chú ý theo dõi, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước để thiết kế và sản xuất ra những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như Công ty Xuân Hòa, Công ty May 10, Công ty Sứ Thanh Trì... Song, cũng ở không ít DNNN năng lực đội ngũ lãnh đạo và quản lý DN vẫn còn yếu, thiếu tri thức về quản trị kinh doanh hiện đại. Một số ít còn yếu kém cả về phẩm chất... nhưng nhà nước chưa có cơ chế cho việc tuyển chọn những người có năng lực vào quản lý và điều hành DNNN. Điều đó dẫn đến hiệu quả kinh doanh trong các DNNN chưa đạt yêu cầu mong muốn của Nhà nước.
* Công tác kế hoạch:
Bên cạnh những DNNN đã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch một cách thường xuyên và hiệu quả, vẫn còn không ít DNNN chỉ coi kế hoạch là hình thức, không chủ động trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch... Họ thường xuyên phải điều chỉnh kế hoạch theo thực tế để hợp lý hóa số liệu khi báo cáo kết quả cuối kỳ, cuối năm... Kế hoạch không có tác dụng cho quản lý và kiểm soát quá trình hoạt động SXKD của DN.
* Hoạt động sản xuất kinh doanh:
Những DNNN sản xuất kinh doanh có hiệu quả đều chủ động trong SXKD, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, mở rộng qui mô sản xuất và thị phần trong và ngoài nước, phát huy nội lực, tận dụng cơ hội, khắc phục điểm yếu, vượt qua nguy cơ... vươn lên khẳng định mình.
Bên cạnh đó, vẫn còn những DNNN còn ỷ lại vào lợi thế có được và sự bảo hộ của Nhà nước "như những chú cá cảnh", không chú ý đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chưa tích cực tìm hiểu thị trường, chưa chủ động khai thác các nguồn vốn và chưa biết cách điều hòa sử dụng vốn một cách có hiệu quả... dẫn đến khó
khăn về vốn, lao động không có việc làm, tình hình tài chính rất khó khăn, vốn có ít nhưng lại sử dụng lãng phí, phát sinh tiêu cực, tham nhũng làm quần chúng nhân dân bất bình...