Các chỉ tiêu phân tích

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tổ chức kế toán quản trị và phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước doc (Trang 42 - 45)

PTKD thực hiện xử lý và cung cấp thông tin về quá trình và kết quả SXKD của DN. Đó là thông tin về kết quả cụ thể của từng khâu và cả quá trình SXKD, được biểu hiện bằng các chỉ tiêu kinh tế. Trong đó, mỗi chỉ tiêu phản ánh một nội dung và phạm vi nhất định về quá trình và kết quả SXKD.

Để phản ánh và phân tích kết quả SXKD cần phải sử dụng một hệ thống chỉ tiêu. Tùy theo mục đích và nội dung phân tích, các chỉ tiêu có thể được biểu hiện dưới dạng hiện vật hay giá trị. Tùy theo phương pháp tính toán, các chỉ tiêu trong hệ thống có thể là chỉ tiêu tuyệt đối, chỉ tiêu tương đối hay chỉ tiêu bình quân.

Do kết quả phân tích chủ yếu phục vụ cho quản lý nội bộ DN nên hệ thống chỉ tiêu phân tích được xác định tùy thuộc vào yêu cầu quản trị của từng DN trong từng thời kỳ cụ thể. Đồng thời nó còn tùy thuộc vào nguồn tài liệu có thể sưu tầm được cho việc phân tích. Chỉ tiêu phân tích thường gồm hai loại cơ bản là chỉ tiêu báo cáo và chỉ tiêu tính toán.

Chỉ tiêu tính toán (chỉ tiêu kế hoạch hay mục tiêu): Là những chỉ tiêu được tính toán trên cơ sở nghiên cứu tính quy luật phổ biến của hiện tượng kinh tế, có tính đến các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, môi trường... tác động và kinh nghiệm quản lý của DN. Chỉ tiêu này được xác định trước khi tiến hành hoạt động SXKD.

Chỉ tiêu báo cáo (chỉ tiêu thực hiện): Là những chỉ tiêu kinh tế tài chính được xác định trên cơ sở ghi chép và nghiên cứu tính toán các số liệu về quá trình SXKD thực tế đã qua. Chỉ tiêu này được xác định sau khi kết thúc chu kỳ hoạt động SXKD.

Trong phân tích sử dụng cả hai dạng chỉ tiêu này để đánh giá kết quả hoạt động SXKD của DN trong kỳ nên chúng phải phù hợp nhau về nội dung kinh tế, phương pháp tính toán, đơn vị đo lường, khoảng thời gian tính toán... mới đảm bảo độ tin cậy của kết quả PTKD.

Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế phản ánh các mặt hoạt động SXKD của mỗi DN không giống nhau, tùy thuộc quy mô sản xuất, lĩnh vực hoạt động, yêu cầu và trình độ quản lý của từng DN. Song, trên góc độ chung nhất, các DN sản xuất thường sử dụng hệ thống chỉ tiêu phân tích kinh doanh cơ bản sau:

(1) Những chỉ tiêu phân tích kết quả sản xuất của toàn DN và từng bộ phận SXKD: số lượng sản phẩm sản xuất, tỷ lệ phế phẩm, giá trị tổng sản lượng, giá trị sản lượng hàng hóa, tình hình sản xuất mặt hàng chủ yếu, sản xuất theo đơn đặt hàng, tính đồng bộ trong sản xuất, nhịp điệu sản xuất v.v...

(2) Những chỉ tiêu phân tích tình hình đảm bảo và sử dụng các yếu tố lao động, vật tư và trang thiết bị cho quá trình sản xuất kinh doanh bao gồm:

+ Những chỉ tiêu phân tích tình hình đảm bảo và sử dụng yếu tố lao động: Số lượng lao động tăng giảm, hệ số cấp bậc công nhân, năng suất lao động, ảnh hưởng của các nhân tố về sử dụng lao động (số lương, thời gian, năng suất) đến sự biến động kết quả sản xuất.

+ Những chỉ tiêu phân tích yếu tố TSCĐ: tình hình tăng giảm TSCĐ, tình trạng kỹ thuật của máy móc thiết bị, tình hình sử dụng máy móc thiết bị chủ yếu về số lượng, thời gian và công suất và ảnh hưởng của nó đến kết quả sản xuất...

+ Những chỉ tiêu phân tích yếu tố nguyên vật liệu: khối lượng và chủng loại nguyên vật liệu cung ứng, tính đồng bộ của nguyên vật liệu cung ứng và tính kịp thời của việc cung ứng, tình hình dự trữ nguyên vật liệu, tình hình sử dụng nguyên vật liệu trong sản xuất, hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, ảnh hưởng của việc đảm bảo và sử dụng nguyên vật liệu đến kết quả sản xuất.

(3) Những chỉ tiêu phân tích chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm bao gồm:

+ Những chỉ tiêu phân tích chi phí sản xuất: Các dự toán chi phí, chi phí sản xuất theo yếu tố, chi phí sản xuất theo khoản mục, chi phí cố định và chi phí biến đổi, chi phí theo từng đơn đặt hàng, từng loại công việc v.v...

+ Những chỉ tiêu phân tích giá thành sản phẩm: Tổng giá thành của toàn bộ sản phẩm, nhiệm vụ hạ giá thành sản phẩm so sánh được, các khoản mục giá thành, giá thành theo biến phí v.v...

+ Những chỉ tiêu phân tích tình hình thu nhập: tổng thu nhập, thu nhập từ hoạt động kinh doanh, thu nhập từ hoạt động tài chính, thu nhập bất thường.

+ Những chỉ tiêu phân tích tình hình tiêu thụ: doanh thu tiêu thụ chung, doanh thu tiêu thụ theo đơn đặt hàng, doanh thu tiêu thụ từng sản phẩm chủ yếu theo khu vực v.v...

+ Những chỉ tiêu phân tích kết quả SXKD: Tổng lợi nhuận từ tiêu thụ sản phẩm, chi phí quản lý và chi phí bán hàng, tỷ suất lợi nhuận, điểm hòa vốn v.v...

(5) Những chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính: Các chỉ tiêu chủ yếu trên các báo cáo tài chính, tình hình huy động vốn, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tình hình thu hồi nợ, tình hình đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn v.v...

Trên đây là những chỉ tiêu phân tích chủ yếu sử dụng trong các DN sản xuất. Hệ thống chỉ tiêu phân tích gồm rất nhiều loại, tùy theo yêu cầu quản lý cụ thể mà lựa chọn chỉ tiêu phân tích phù hợp, tránh tản mạn gây lãng phí thời gian, chi phí và gây mất tập trung cho người sử dụng thông tin vì làm "loãng" thông tin, hay nói cách khác thông tin cung cấp không thích hợp cho việc đưa ra quyết định quản lý phù hợp, kịp thời.

Trong khuôn khổ có hạn, luận án chỉ tập trung chú ý đến hệ thống chỉ tiêu PTKD được phản ánh và cung cấp từ hệ thống báo cáo KTQT, không đề cập đến những chỉ tiêu phân tích trong các báo cáo tài chính của DN.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tổ chức kế toán quản trị và phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước doc (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)