Quá trình phát triển và vai trò của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tổ chức kế toán quản trị và phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước doc (Trang 57 - 61)

d) Kết thúc phân tích

2.1.1.Quá trình phát triển và vai trò của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam

Từ khi thành lập, DNNN luôn được coi là xương sống của nền kinh tế đất nước, đóng vai trò chủ đạo và ảnh hưởng đến sự hưng thịnh hay suy yếu của nền kinh tế cũng như thực hiện các mục tiêu kinh tế - chính trị - xã hội trong mỗi thời kỳ.

Có thể điểm qua quá trình phát triển của DNNN Việt Nam qua các giai đoạn cơ bản như sau:

* Giai đoạn 1955 - 1975

Giai đoạn này DNNN hình thành và phát triển chủ yếu trong các ngành công nghiệp, tiếp đến là thương mại, giao thông vận tải và dịch vụ bưu chính viễn thông. DNNN gần như chi phối tuyệt đối về số lượng DN, lực lượng lao động cũng như giá trị tổng sản lượng trong 12 ngành công nghiệp chủ yếu thuộc nhóm A và B, và độc quyền trong các lĩnh vực điện lực, khai thác và chế biến nhiên liệu, luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến gỗ, thủy tinh, sành sứ, dệt, da, may, nhuộm, thực phẩm, in và văn hóa phẩm.

* Giai đoạn từ 1976 - 1986

Đây là đoạn tiếp quản, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng mới các DNNN trên địa bàn phía Nam đất nước. Trong giai đoạn này, tư tưởng chỉ đạo của các chính sách và giải pháp phát triển hệ thống DNNN chưa có sự thay đổi so với giai đoạn trước. Số lượng

DNNN trong các ngành công nghiệp nhóm A và công nghiệp địa phương vẫn chiếm vị trí hàng đầu.

* Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay

Giai đoạn này, Nhà nước có chủ trương củng cố về chất lượng khu vực kinh tế quốc doanh thông qua việc thực hiện nhiều cuộc cải cách lớn trong chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm phát triển DNNN theo cơ chế thị trường.

Văn kiện Đại hội Đảng VI đã chỉ rõ: "Phải đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo cho các đơn vị kinh tế quốc doanh có quyền tự chủ, thực sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế" [32].

Quyết định 217/HĐBT ban hành sau Đại hội VI đã đề ra qui chế mới đối với việc quản lý DNNN theo hướng hạch toán kinh doanh XHCN, bước đầu cơ chế thị trường thay thế cho cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung bao cấp trên một số bộ phận quan trọng như kế hoạch, tự chủ tài chính..., phân phối lợi nhuận.

Đến 1990, các DNNN được chuyển sang cơ chế thị trường đầy đủ hơn. Lúc này, Nhà nước đã có nhiều chủ trương quan trọng đẩy mạnh công cuộc đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức sắp xếp lại hệ thống DNNN, chuyển hẳn sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Đảng và Nhà nước xác định việc cải cách DNNN trong giai đoạn này có vai trò và vị trí rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của toàn bộ tiến trình đổi mới toàn diện, sâu sắc nền kinh tế Việt Nam.

Thực hiện Nghị định số 388/HĐBT, năm 1992-1993 đã thực hiện việc chỉnh đốn, sắp xếp và đăng ký lại DNNN, chấm dứt tình trạng tự phát, tùy tiện lập và giải thể DNNN, đảm bảo cho các DNNN hoạt động bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác để không làm rối loạn thị trường. Đồng thời, việc đăng ký lại toàn bộ DNNN đã tạo điều kiện cải tiến quản lý DNNN theo đòi hỏi cao hơn của thời kỳ đổi mới.

Đến đầu năm 1994, Chính phủ ban hành Quyết định số 90/TTg và 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ 4-1994 đã hình thành các Tổng công ty 90 (vốn pháp định từ 100 tỷ đến 500 tỷ VNĐ) và Tổng công ty 91 (vốn pháp định trên 500 tỷ VNĐ), thể hiện Nhà nước luôn quan

tâm đến việc thực hiện tập trung hóa và tích tụ trong các DNNN để nâng cao qui mô và năng lực sản xuất của DNNN.

Tháng 5/1995, luật DNNN được ban hành, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý DNNN và DNNN từng bước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật; chỉ thị 500/TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục sắp xếp tổng thể các DNNN, chuyển một bộ phận DNNN thành công ty cổ phần theo Nghị định 28/CP, đưa các DNNN đi vào hoạt động theo luật DNNN, xóa bỏ dần chế độ chủ quản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp của các DNNN nhằm tạo chế chủ động trong SXKD cho các DNNN.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), từ giữa năm 1998 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 20/1998/CT-TTg về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới DNNN. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP về việc chuyển DNNN thành Công ty cổ phần và Nghị định số 103/1999/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê DNNN càng chứng tỏ sự quan tâm của Chính phủ đến việc đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả SXKD trong các DNNN trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, từ khi ra đời và trong suốt quá trình phát triển đến nay DNNN luôn chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam và là trọng tâm điều hành và quản lý của Nhà nước trong các giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Hệ thống DNNN Việt Nam đã và đang đảm nhiệm những vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đó là:

* DNNN đã phát huy tốt vai trò trong việc đảm bảo yêu cầu của đất nước trong các giai đoạn lịch sử như phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu, góp phần ổn định đời sống nhân dân, ổn định và phát triển nền kinh tế.

* DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, hình thành đòn bẩy thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế khác cạnh tranh phát triển, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế.

* DNNN là công cụ vật chất để nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

DNNN đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong nhiều ngành kinh tế chủ chốt và là lực lượng chủ yếu thực hiện các chính sách xã hội thông qua các doanh nghiệp công ích, tăng khả năng ứng phó với thiên tai...

* DNNN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách xã hội và ổn định chính trị - xã hội, định hướng công bằng, văn minh, góp phần cùng với các khu vực kinh tế khác giải quyết các vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, văn minh doanh nghiệp, xóa đói, giảm nghèo...

* DNNN chiếm tỷ trọng cao về xuất nhập khẩu, góp phần tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt các Tổng công ty Nhà nước đã thể hiện vai trò nòng cốt, chủ lực của nền kinh tế, SXKD có hiệu quả, tích cực tham gia xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

Với những vai trò quan trọng của DNNN, trong những năm tới (đến 2010) Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển DNNN, xây dựng DNNN đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, hoạt động có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, chiếm được thị phần lớn trong những ngành và lĩnh vực kinh tế then chốt để nhà nước chi phối, điều khiển được nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối lớn của nền kinh tế, đủ sức làm tốt vai trò then chốt trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN và đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định:

Kinh tế Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. DNNN giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật... Khẩn trương cải thiện tình hình tài chính và lao động

của các DNNN, củng cố và hiện đại hóa một bước các Tổng công ty Nhà nước [33].

Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ phát triển sản xuất của DNNN chưa cao, còn thấp hơn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác: "Bình quân trong 10 năm từ 1991 - 2000, tốc độ phát triển của DNNN là 11%/năm, của doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%/năm, của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là trên 20%/năm, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước của sản phẩm do DNNN làm ra còn thấp" [15].

Để làm tốt vai trò quan trọng của mình, DNNN cần phải nhận thức đúng thực trạng và nguyên nhân để tìm ra giải pháp hữu hiệu, nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN, để kinh tế Nhà nước có điều kiện thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Đây là vấn đề đặt ra cho tất cả những nhà quản lý trong các DNNN cũng như những nhà khoa học kinh tế, kế toán, những giảng viên trong các trường đào tạo quản lý kinh tế... Cần nghiên cứu và hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn cả ở tầm vi mô và vĩ mô. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tổ chức kế toán quản trị và phân tích kinh doanh trong doanh nghiệp nhà nước doc (Trang 57 - 61)