Các yếu tố cơ bản của nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu 771 Hoàn thiện quản lý chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh – VPBANK (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁTTRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

1.1.1.2. Các yếu tố cơ bản của nguồn nhân lực

Thực tế của sự phát triển lực lượng sản xuất trong những năm cuối thế kỷ XX là bằng chứng sinh động nhất chứng minh cho vai trò trung tâm của nguồn nhân lực trong sản xuất cũng như trong mọi mục tiêu hoạt động của xã hội. Đó là nguồn lực quan trọng nhất nhưng cũng là nguồn lực đặc biệt nhất của mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp, bởi nó mang những đặc trưng riêng biệt với các yếu tố cơ bản sau:

- Số lượng nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp: là tổng số người được tổ chức, doanh nghiệp thuê mướn, được trả công và được ghi vào trong danh sách nhân sự của tổ chức, doanh nghiệp. Tùy thuộc tổ chức, doanh nghiệp nằm ở loại hình nào, là doanh nghiệp tư nhân, hay là doanh nghiệp nhà nước, mà lao động này có thể thuộc dạng lao động hợp đồng dài hạn, ngắn hạn hoặc nằm trong biên chế, làm việc tại nhà hay tại tổ chức, doanh nghiệp… Cũng tùy thuộc vào quy mô tổ chức, doanh nghiệp là lớn hay nhỏ mà số lượng nhân lực của tổ chức là nhiều hay ít. Số lượng được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng nguồn nhân lực. Các chỉ tiêu này có quan hệ mật thiết với chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng dân số.

- Chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp: là trạng thái nhất định của nguồn nhân lực trong tổ chức, doanh nghiệp, thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành nên bản chất bên trong của nguồn nhân lực. Về chất lượng, nguồn nhân lực được xem xét trên các mặt như:

+ Trạng thái sức khỏe của nguồn nhân lực. Theo cách hiểu phổ biến thì sức khỏe là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải đơn thuần là không có bệnh tật. Sức khỏe là tổng hòa nhiều yếu tố tạo nên giữa bên trong và bên ngoài, giữa thể chất và tinh thần. Nó được thể hiện thông qua nhiều chuẩn mực đo lường như chiều cao, cân nặng, và các giác quan nội khoa, ngoại khoa…

+ Trình độ văn hóa của nguồn nhân lực: là sự hiểu biết của người lao động đối với những kiến thức phổ thông về tự nhiên và xã hội. Trình độ văn hóa là một chỉ tiêu hết sức quan trọng, phản ánh chất lượng của nguồn nhân lực và có tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ văn hóa cao tạo khả năng tiếp thu và vận

dụng một cách nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Nó được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như số lượng nhân lực biết chữ, tỷ lệ nhân lực qua các cấp học…

+ Trình độ chuyên môn kỹ thuật (kỹ năng) của nguồn nhân lực: là sự hiểu biết, khả năng thực hành về chuyên môn nào đó, nó biểu hiện trình độ được đào tạo ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học, có khả năng chỉ đạo quản lý một công việc thuộc một chuyên môn nhất định. Đây là chỉ tiêu quan trọng nhất, phản ánh chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào các hoạt động của tổ chức. Nó được thể hiện thông qua cơ cấu lao động được đào tạo và chưa đào tạo, cơ cấu cấp bậc đào tạo, cơ cấu lao động kỹ thuật và các nhà chuyên môn, cơ cấu trình độ đào tạo…

- Cơ cấu tuổi của nguồn nhân lực: được biểu thị bằng số lượng nhân lực ở những độ tuổi khác nhau. Nếu tổ chức có độ tuổi trung bình của nguồn nhân lực cao thì tổ chức sẽ gặp phải vấn đề, đó là việc nâng cao kỹ năng và trình độ cho người lớn tuổi trước sức ép của đổi mới khoa học kỹ thuật và công nghệ. Chính vì vậy, nó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của tổ chức và đặc biệt ảnh hưởng đến quản lý nguồn nhân lực của tổ chức.

- Cơ cấu giới tính và dân tộc thiểu số của nguồn nhân lực: Phát triển cùng với sự thay đổi trong cách nhìn đối với người phụ nữ trong thế giới hiện đại, cơ cấu giới tính đã có những chuyển biến đáng kể. Không còn chỉ là những người suốt ngày quanh quẩn với công việc nội trợ, người phụ nữ ngày nay đã, đang và sẽ từng bước khẳng định mình trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế mà, tỷ lệ lao động nữ trong cơ cấu nguồn nhân lực của tổ chức mỗi ngày một tăng lên. Đi theo sự thay đổi trong cơ cấu giới tính thì do chính sách ưu tiên của nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa mà trình độ văn hóa của những người thuộc dân tộc thiểu số được nâng lên và họ cũng tham gia vào lực lượng lao động trong các tổ chức. Do đó, số lượng lao động dân tộc thiểu số trong các tổ chức cũng tăng lên.

- Cơ cấu cấp bậc nhân lực: bao gồm số lượng nhân lực được phân chia từ cấp cao cho đến cấp thấp và đến những người lao động, nhân viên trong tổ chức. Cơ cấu này phản ánh các bước thăng tiến nghề nghiệp của nhân lực trong tổ chức.

Con người chính là trung tâm của sản xuất. Vì vậy, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trong mỗi tổ chức luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Với tính đa dạng và phức tạp của bản thân yếu tố đặc biệt này, các nhà sản xuất kinh doanh muốn làm tốt quản lý nguồn nhân lực thì việc phải nghiên cứu và nắm vững những nét đặc trưng riêng biệt của nguồn nhân lực là điều tất yếu. Có như vậy, tổ chức đó mới có thể đảm bảo phát triển một cách bền vững.

Một phần của tài liệu 771 Hoàn thiện quản lý chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh – VPBANK (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(148 trang)
w