0
Tải bản đầy đủ (.doc) (150 trang)

Khái niệm và vai trò

Một phần của tài liệu 771 HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOÀI QUỐC DOANH – VPBANK (Trang 31 -33 )

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁTTRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

1.1.1.1. Khái niệm và vai trò

a. Khái niệm

Trong hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh hiện đại, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công và sự khác biệt của mỗi doanh nghiệp. Do đó, một thực tế đang diễn ra hết sức phổ biến, đó là sự săn tìm “chất xám quản trị” của cả thế giới. Hơn bao giờ hết, hiện nay, nhân lực ngày càng trở thành yếu tố quyết định đối với sự thăng trầm giá trị và quyền lực của một doanh nghiệp, một tổ chức, một quốc gia. Có lẽ thế mà thuật ngữ “nguồn nhân lực” trở nên rất quen thuộc và được chấp nhận rộng rãi trong những thập kỷ qua, dùng để đề cập đến những con người hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp.

Nói một cách nôm na thì nguồn nhân lực được hiểu là nguồn lực của mỗi con người, gồm có thể lực và trí lực.

Trước những năm 1980, quan niệm chung về nguồn nhân lực được hiểu là lực lượng lao động xã hội, là những người lao động cụ thể và chỉ thuần túy về mặt lượng người lao động. Trong những năm gần đây, nguồn nhân lực được coi là nguồn tài nguyên quý giá của tổ chức và của quốc gia, giá trị của nó biểu hiện qua trình độ, kiến thức, kỹ năng, năng lực thực hiện công việc và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Giá trị nguồn tài nguyên nhân lực sẽ tăng lên rất nhiều nếu biết nuôi dưỡng và phát triển.

Với tư cách là nơi cung cấp sức lao động cho xã hội, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có cơ thể phát triển bình thường (không bị khiếm khuyết hoặc dị tật bẩm sinh).

Với tư cách là một nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động có khả năng lao động.

Với tư cách là tổng hợp cá nhân, những con người cụ thể tham gia vào quá trình lao động, nguồn nhân lực là tổng thể các yếu tố về thể chất và tinh thần được huy động vào quá trình lao động. Theo cách hiểu này, nguồn nhân lực bao gồm những người bắt đầu bước vào độ tuổi lao động trở lên có tham gia vào nền sản xuất xã hội.

Những cách hiểu trên chỉ khác nhau về việc xác định quy mô nguồn nhân lực, song đều có chung một ý nghĩa là nói lên khả năng lao động của xã hội. Và đối với tổ chức, nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi cá nhân tham gia bất cứ hoạt động nào với bất cứ vai trò nào trong tổ chức, là nguồn tài nguyên quý báu nhất của tổ chức, doanh nghiệp.

Có thể nói, nguồn nhân lực – yếu tố con người là một trong bốn yếu tố không thể thiếu của mọi quá trình sản xuất kinh doanh hiện nay (vốn, tài nguyên, nhân lực và công nghệ), đặc biệt trong nền kinh tế hiện đại ngày nay, với trình độ phát triển cao của khoa học công nghệ, yếu tố nguồn nhân lực trở thành yếu tố quyết định đến sự thành đạt của mỗi doanh nghiệp, đến sự thành công của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế mà không phải vô cớ người ta khẳng định yếu tố nguồn nhân lực là nguồn tài nguyên quý báu nhất của tổ chức. Sở dĩ nguồn nhân lực trở thành một trong những nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội, chính là bắt nguồn từ vai trò của yếu tố con người.

Thứ nhất, con người là động lực của sự phát triển. Bất cứ một sự phát triển nào cũng đều phải có một động lực thúc đẩy. Phát triển kinh tế - xã hội được dựa trên nhiều nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực… Song chỉ có nguồn lực con người mới tạo ra động lực cho sự phát triển, những nguồn lực khác muốn phát huy được tác dụng chỉ có thể thông qua nguồn lực con người.

Thứ hai, con người là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển kinh tế - xã hội suy cho cùng là nhằm mục tiêu phục vụ con người, làm cho cuộc sống con người ngày càng tốt hơn, xã hội ngày càng văn minh.

Thứ ba, con người là nhân tố năng động nhất, quyết định nhất sự phát triển. Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh rằng, trải qua quá trình lao động hàng triệu năm mới trở thành con người ngày nay và trong quá trình đó, mỗi giai đoạn phát triển của con người lại làm tăng thêm sức mạnh chế ngự tự nhiên, tăng thêm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cho nên nguồn nhân lực đã trở thành nguồn tài nguyên quý báu nhất của tổ chức. Mọi tổ chức muốn thành công thì việc khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của nguồn nhân lực là điều tất yếu.

Một phần của tài liệu 771 HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOÀI QUỐC DOANH – VPBANK (Trang 31 -33 )

×