Ngày nay, sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong cùng một lãnh thổ, một quốc gia hay giữa các ngân hàng ở các quốc gia khác nhau đòi hỏi các ngân hàng luôn có xu hướng phát triển những sản phẩm mới. Khi các sản phẩm của ngành tài chính - ngân hàng ngày càng đa dạng và trở nên phức tạp thì những phương pháp định lượng cũ không đủ để đánh giá rủi ro, trong khi thị trường thì bất
ổn và khó đoán trước. Do đó việc tiếp thu và triển khai các công cụ hỗ trợ cho quản lý và đo lường rủi ro thực sự rất cần thiết. Chỉ khi lượng hóa chính xác thì ngân hàng mới biết mình có gặp rủi ro hay không và gặp ở mức độ nào, từ đó mới đưa ra được các quyết sách quản trị phù hợp và có hiệu quả.
Giữa rủi ro thanh khoản và các loại rủi ro khác có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì thế việc triển khai các công cụ hỗ trợ cho quản lý và đo lưởng rủi ro trong ngân hàng cũng góp phần làm nâng cao chất lượng không chỉ cho quản trị rủi ro thanh khoản mà còn cho cả quản trị các loại rủi ro khác. Hiện nay, các công cụ hỗ trợ cho việc quản lý và đo lường rủi ro hiện đại được sử dụng trên thế giới bao gồm: Công cụ tự đánh giá rủi ro KCSA; chỉ số rủi ro chính KRI; bản đồ rủi ro và định lượng rủi ro thông qua VAR
Công cụ tự đánh giá rủi ro KCSA (Key control selft-assesment) là công cụ nhằm mục đích phát hiện sớm các rủi ro chưa được nhận dạng và không được chấp nhận; Đánh giá tốt hơn khả năng có thể chấp nhận các rủi ro đã được nhận dạng và xây dựng các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn đối với các rủi ro không được chấp nhận. KCSA cũng thực hiện sớm hơn và tốt hơn các hành động để giảm thiểu rủi ro, nâng cao nhận biết rủi ro và văn hóa kiểm soát. KCSA được thực hiện ít nhất 1 năm 1 lần thông qua bảng hỏi hoặc bằng cách phỏng vấn hay thông qua các hội thảo.
Chỉ số rủi ro tài chính KRI (Key Risk Inicator) là công cụ đánh giá định lượng dùng để kiểm tra, đánh giá mức độ rủi ro của một lĩnh vực hoạt động hay của một qui trình công việc. Báo cáo KRI ở dạng bảng về các chỉ số tài chính, sử dụng các tiêu chí, chuẩn mực đã định trước, phản ánh rõ nét mọi quá trình tác nghiệp. Báo cáo KRI giúp ngân hàng cảnh báo sớm, phát hiện kịp thời mọi thay đổi trong phạm vi kiểm soát; Giúp cán bộ quản lý tập trung kiểm soát rủi ro hoạt động trong phạm vi các mức mục tiêu định trước, đã được chấp nhận, mức giới hạn hoặc định mức chất lượng khác nhau.
Bản đồ rủi ro là công cụ được xây dựng trên những rủi ro phát được phát hiện qua quá trình kiểm tra và sử dụng các cộng cụ KCSA hay KIR. Việc phân loại các rủi ro trên bản đồ dựa vào hai yếu tố: Mức độ ảnh hưởng – Tác động của yếu tố rủi ro trước khi đưa ra phương pháp phòng ngừa để giảm trừ mức độ nghiêm trọng do tác động của yếu tố đó và Khả năng xảy ra – Dự đoán khả năng các yếu tố rủi ro đó có thể xảy ra ngay cả khi có kế hoạch phòng ngừa.
Đo lường giá trị chịu rủi ro VAR là phương pháp cho phép ngân hàng tổng hợp tất cả các trạng thái rủi ro và các loại tài sản khác nhau để tìm ra một con số nhằm trả lời cho câu hỏi: “Tổn thất/khoản lỗ tiềm năng của ngân hàng là bao nhiêu?” Nó đánh giá rủi ro bằng cách sử dụng mô hình thống kế và mô phỏng, được tạo ra nhằm nắm bắt sự biến động giá trị tài sản trong danh mục đầu tư của Ngân hàng.