Thứ nhất, cần đưa ra cách tính chính xác hơn cho hệ số CAR.
Trong những năm gần đây, NHNN đã có những dấu hiệu tích cực trong việc tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản nói riêng. Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn và Thông tư 19/2010/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung thông tư 13 là những bước tiến mới nhất trong hoạt động quản trị thanh khoản của các ngân hàng. Sự sửa đổi này đã phần nào theo những thông lệ quốc tế như sự
điều chỉnh hệ số CAR từ 8% lên 9%. Tuy nhiên phần lớn các ngân hàng đều tăng hệ số này bằng cách tăng vốn điều lệ. Phần lớn ngân hàng đều dùng vốn điều lệ để góp vốn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong khi mức khấu trừ ra khỏi vốn điều lệ để tính toán hệ số nói trên còn chưa chặt chẽ. Như vậy, hệ số an toàn vốn tối thiểu đã thay đổi theo hướng giảm đi. Nhà nước cần có chính sách tính toán hệ số CAR chặt chẽ hơn.
Thứ hai, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.
Môi trường kinh tế vĩ mô luôn là yếu tố có tính chất quyết định với mội trường hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng. Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của ngân hàng và ngược lại, một mội trường kinh tế vĩ mô bất ổn sẽ làm tăng các mức độ rủi ro, tăng chi phí và ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Để đảm bảo tính ổn định của ngân hàng, chính phủ cần tiếp tục bình ổn nền kinh tế vĩ mô như kiểm soát các biến động bất thường về giá cả, tỷ giả, lãi suất… ; theo dõi và điều hành chặt chẽ cán cân thanh toán tổng thể, cân đối tiền hàng, kiểm soát và hạn chế nhập siêu, bội chi ngân sách; điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, chủ động nhưng đặc biệt thận trọng trong điều tiết lượng cung ứng bằng các công cụ có tính gián tiếp như thị trường mở, lãi suất tái chiết khấu; điều tiết tỷ giá linh hoạt nhằm phát huy lợi thế xuât khẩu…
Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
Giáo dục đào tạo tại Việt Nam hiện nay được đánh giá vẫn còn mang nặng lý thuyết, chưa đi sâu vào thực tiễn nên các Ngân hàng thường phải tốn một khoảng thời gian và chi phí để đào tạo lại nhân viên. Đặc biệt trong lĩnh vực quản trị rủi ro lại yêu cầu cần những nhân lực có khả năng nắm bắt thị trường, năng động, sáng tạo và có kinh nghiệm. Vì thế đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học, sau đại học, nâng cao tính thực tiễn trong chương trình học là vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc giáo dục kiến thức chuyên môn ngành giáo dục cần phát triển giáo dục đạo đức cho sinh viên ngành tài chính – ngân hàng, cán bộ nhân viên ngành tài chính ngân hàng. Cần bổ sung thêm môn học đạo đức kinh doanh ngân hàng cho sinh viên ngành tài chính – ngân hàng.